Cùng Biên phòng phòng, chống Covid ở “lưng trời”

Quân hàm xanh chống dịch ở biên cương

BVR&MT – Từ thành phố tỉnh lỵ Cao Bằng đến Đồn Biên phòng Cô Ba (huyện Bảo Lạc) chỉ khoảng 100 km nhưng phải mất gần 4 giờ đồng hồ di chuyển bằng ô tô. Vậy nhưng, khó khăn nhất vẫn là từ đồn đến các điểm chốt chặn kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19. Đến chốt mới thấy cuộc sống, sinh hoạt của các chiến sỹ Biên phòng thường ngày phải trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ khác.

“Quân hàm xanh” chống dịch ở biên cương

Xuyên đêm cùng các chiến sỹ “Quân hàm xanh”

Đến từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền phòng, chống Covid-19

Một chặng đường gian nan

“Khoảng 30 km là quãng đường từ Đồn Biên phòng Cô Ba đến chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 gần cột mốc 566, 567, nhưng ở hai chốt đó chưa có Nhà báo nào đặt chân đến đâu nhé”, Thiếu tá Nguyễn Duy Đông, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cô Ba cho biết, trước khi đưa PV cùng đi lấy xe máy và đổ đầy bình xăng để lên đường làm “nhiệm vụ”.

Nếu đi đường tắt chỉ hơn 10 km nhưng do thời gian gần đây mưa, nước lũ xói lở, lâu ngày người dân ít đi nên không biết có di chuyển được không. Thiếu tá Đông nhận định như vậy nên chúng tôi quyết định di chuyển theo tuyến đường bê tông mới đổ, rồi qua thị trấn Bảo Lạc, qua xã Cốc Pàng. Đường bê tông và đường nhựa chỉ qua thị trấn, chúng tôi đi vào con đường đất trơn trượt, đèo dốc, chỉ có những vết bánh xe máy sâu hoắm xuống lòng đường, nước chảy thành rãnh. Ban đầu dự kiến di chuyển chỉ 2 giờ là đến chốt. Tuy nhiên, 3 giờ, rồi 4 giờ cho đến nhá nhem tối chúng tôi mới đến mốc 566.

Chốt kiểm dịch gần cột mốc 567 thuộc Đồn Biên phòng Cô Ba quản lý.

Từ mốc 566 đến 567 chỉ hơn 01 km đường chim bay, nhưng do đường đất trơn, nhiều đoạn chiến sỹ biên phòng phải xuống dắt, đẩy xe cho nhau. Được biết kể cả trời không mưa nhưng thời tiết ở vùng núi cao nhiều sương mù nên đường lúc nào cũng trơn, nhão nhoét bùn đất.

Dọc đường vào mốc 567 thấy chiến sỹ Biên phòng dừng xe vào bụi riềng ven đường nhổ vội mấy cây riềng xanh, cuốn lại và buộc vào xe máy chở về lán. Đến nơi, các chiến sỹ biên phòng và dân quân tự vệ người thì nhóm bếp củi, người đi xin nước của bà con xách từng can 20 lít cách 1,5km về, cô y tế thôn từ con đường mòn phía xa tiến về lán, trên tay cầm theo hoa chuối và cành ớt chỉ thiên đầy quả chín đỏ.

Rồi các chiến sỹ mỗi người một tay, người tước vỏ riềng già lấy phần non, người thái hoa chuối ngâm nước để chế biên các món ăn đặc sản của rừng núi. Trong lúc đồng đội đang chuẩn bị thì Thượng úy Hoàng Văn Sỳ tay cầm rổ đi dọc đường mòn hái rau dại để sào ăn cho có “chất xanh”.

Nhặt rau rừng để nấu ăn.

Không mất nhiều thời gian, khi một tổ công tác đi tuần tra kiểm soát về đến lán cũng là lúc mâm cơm trắng và nhiều món đặc sản rừng được dọn ra, tất cả bày ra chiếc bàn khập khiễng trên nền đất. Do hôm nay có khách là nhà báo và lãnh đạo Đồn Biên phòng nên không đủ ghế ngồi, bởi nhiều chân ghế bị gẫy phải chồng lên nhau, buộc các chiến sỹ phải kéo bàn đến gần chiếc giường ngủ làm “ghế” ngồi cho đủ.

Bữa cơm diễn ra nhanh chóng, vội vàng như đã thành thói quen trong suốt 6 tháng ăn ngủ ở biên cương, các chiến sỹ vội vàng để đi tuần tra, kiểm soát, vì ban đêm là lúc những công dân nhập cảnh trái phép luồn rừng vào nội địa nhiều nhất. Khi tổ tuần tra lên đường, PV nhanh chóng cầm theo chiếc đèn pin, đi thêm đôi ủng để cùng đoàn đi “trải nghiệm”.

Nghẹn ngào sau tiếng gọi của vợ con

Trong tổ tuần tra có chiến sỹ Hồ Văn U, người dân tốc Vân Kiều, là Học viên Học viên Biên phòng được cử lên “lưng trời để thực tập”. Hồ Văn U cho biết: “Trước khi lên đây đã được Học viên đào tạo kiến thức chống dịch, được học về trinh sát và vận động quần chúng. Đối với tôi điều nhớ nhất là những khó khăn mình đã trải nghiệm, đó là hành trang giúp tôi sau này có nhiều kinh nghiệm bổ ích trong cuộc sống. Điều tôi bất ngờ nhất là về nguồn nước, do đi lấy ở xa nên chúng tôi phải 3 – 4 ngày mới được tắm một lần, còn ở học viên thì hôm nào cũng được tắm nên ban đầu tôi rất khó thích nghi”.

Chuẩn bị bữa cơm tối của chiến sỹ biên phòng ở lưng trời.

Thiếu tá Nguyễn Duy Đông, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cô Ba cho biết: “Đơn vị kiểm soát 19,08 km đường biên, có nhiều đường món lối mở trên biên giới, khi có Chỉ thị chúng tôi phối hợp với địa phương tổ chức 9 chốt chặn, đường đi lại rất khó khăn, chỉ hơi mưa một chút thôi là có xe máy nhưng đi phải dắt bộ, ở đây mua thức ăn phải đi mười mấy cây số mới mua được, lúc mưa thì anh em ăn mỳ tôm vì không thể đi mua thức ăn được”.

“Nước phải đi lấy rất là xa, hệ thống điện chủ yếu dùng pin mặt trời, thời tiết đối với khu vực biên giới mùa đông rất lạnh, sương mùa dày đặc, chăn ẩm ướt nằm rất khó chịu, mùa hè nắng nóng nhưng những chốt chặn phải tìm những chỗ dễ quan sát, trống trải nên nắng nóng phải ra gốc cây ngồi cho mát. Thêm nữa là trong quá trình vận động, tuyên truyền bà con đi cách ly cũng gặp nhiều khó khăn như có người họ nói tối cho đi cách ly, ngày phải về đi làm”, Thiếu tá Đông nói tiếp.

Bữa cơm đạm bạc của các chiến sỹ biên phòng ở lưng trời.

Thiếu tá Hoa Văn Quyết, chiến sỹ vận động quần chúng Đồn Biên phòng Cô Ba chia sẻ thêm: “Ở đây mưa xuống là tiếng bạt kêu không ngủ được, thay nhau túc trực gác mỗi người từ một đến hai tiếng, tránh bà con lợi dụng đêm tối trốn sang biên giới, phát hiện tuyên truyền bà con chấp hành đường lối chính sách của đảng và chủ chương của nhà nước. Trong thời buổi dịch bệnh chúng tôi cũng như bà con rất lo lắng nhưng cùng bà con cố gắng, mong dịch không đến bản thân mình và bà con nơi biên giới. Cũng may vợ con đồng cảm, động viên “chống dịch như chống giặc” làm sao cho dịch không lây lan đến chúng ta”.

“Vì nhiệm vụ cấp trên giao, mình cũng động viên vợ con, vợ thì thui thủi một mình, vừa rồi con đi ôn thi trường chuyên ở thành phố nhưng bố mẹ không đưa đi được, và vừa rồi được học bổng đi học ở nước ngoài nhưng bố cũng không đưa đi”, một sỹ quan kiên trung, mạnh mẽ là vậy, khi nói đến vợ con, những giọt nước mắt đã lăn dài trên làn da xám nắng của anh Quyết.

Một điều tế nhị khi phóng viên hỏi về nhà tắm và nhà vệ sịnh ở chốt chặn 6 tháng qua, trải qua hai mùa đông lạnh, nắng nóng. “Mùa đông giá lạnh chỉ đun một siêu nước nóng rồi pha vào xô để ra vệ đường tắm, nhà vệ sinh thì ra gốc cây đào hố rồi lấy tro bếp lấp vào”, một chiến sỹ biên phòng chia sẻ.

Chiến sỹ biên phòng đi tuần tra vào ban đêm tại khu vực biên giới.

Câu chuyện của chúng tôi còn dài, nhưng đồng hồ đã chỉ 22h đêm, khi Thượng úy Hoàng Văn Sỳ lấy điện thoại trong túi áo ra để đi dò sóng gọi điện hỏi thăm vợ con ở nhà. Do sóng yếu, không liên lạc được với vợ con nên trên khuôn mặt anh Sỳ có vẻ đượm buồn, toát mồ hôi giữa cái lạnh 20 độ trong đêm tối ở lưng trời. Phải chăng anh đang lo lắng? Anh trầm ngâm, bỗng chốc chuông điện thoại kêu, đầu dây bên kia là tiếng trẻ con vang lên gọi bố Sỳ, rồi tiếng vợ hỏi “Trên đó có mưa gió không anh? Hôm nay các anh ăn cơm với món gì? Anh có khỏe không? Khi nào anh được về?…”. Cuống học anh Sỳ như bị thắt lại không nói nên lời.

Thượng úy Hoàng Văn Sỳ nghẹn ngào cầm trên tay chiếc điện thoại nhưng không nói lên lời với vợ, con.

Chúng tôi nhìn nhau một hồi lâu rồi chào chia tay trong đêm tối, khi ánh điện năng lượng mặt trời đang yếu dần. Con đường trở về điểm xuất phát là Đồn Biên phòng Cô Ba dài hun hun, men theo đường mòn với những vực sâu thăm thẳm. Nhìn phóng viên, Thiếu tá Nguyễn Duy Đông nói: “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”. Vậy là nhiệm vụ tuyên truyền của chúng tôi cơ bản đã hoàn thành, phía trước là khó khăn mà chúng tôi sẽ trải qua và đã vượt qua khi một ngày mới đã bắt đầu ở lưng trời…

Thượng tá Phạm Vũ Dương, Phó chỉ huy trưởng nghiệp vụ, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Cao Bằng – cho biết: “Trong quá trình đấu tranh ngăn chặn thực tiến ở biên giới đã gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Thứ nhất về khách quan thì đường biên giới dài, lực lượng biên phòng của Cao Bằng cũng mỏng so với chiều dài của biên giới, chính vì thế mà việc bố trí lực lượng vào thời cao điểm là quân số không đảm bảo.

Thứ hai là từ khi dịch quay trở lại thì các đối tượng ở phía Trung Quốc đi lao động làm thuê hoặc cư trú bất hợp pháp bị cơ quan chức năng Trung Quốc truy quét thì tìm mọi cách vượt biên trái phép trở về, đây là những lao động trước kia làm trong các nhà máy xí nghiệp giờ bị đóng cửa…Khi ta tổ chức kiểm tra thì họ tìm mọi cách, phương thức để trốn tránh.

Thượng tá Phạm Vũ Dương, Phó chỉ huy trưởng nghiệp vụ, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Cao Bằng.

Thứ 3 là điều kiện cơ sở vật chất của cán bộ chiến sỹ đang thực hiện nhiệm vụ tại các điểm chốt chặn trên biên giới gặp rất nhiều khó khăn, từ khi dịch xảy ra chúng tôi đã lập trên 100 chốt chặn trực tiếp trên các đường mòn, lối mở và các khu vực trọng điểm qua ra soát thấy các đối tượng có thể xuất nhập cảnh trái phép chúng tôi đều bố trí các điểm chốt chặn. Tuy nhiên thời gian không phải là ngắn, bộ đội Biên phòng đã trải qua 6 tháng, cơ sở vật chất tại các vị trí chốt đều là nhà bạn tạm nên anh em gặp nhiều khó khăn, mùa đông thì rét, ẩm ướt, mùa hè thì nắng nóng nhưng anh em vẫn phải duy trì lực lượng. Ngoài ra còn thiếu điện, nước sinh hoạt, có những chỗ phải đi lấy nước rất xa, về điện nhiều địa bàn phải dùng đèn dầu. Sau khi ngăn chặn quyết liệt thì các đối tượng lợi dụng đêm tối và đi xuyên rừng vòng qua các tổ trại kiểm soát của ta nên gây nhiều khó khăn. Tuy nhiên chúng tôi đã bố trí nhiều điểm, nhiều lớp để ngăn chặn tối đa tình trạng xuất nhập cảnh trái phép.

Sau khi dịch tạm lắng thì các lực lượng khác cơ bản rút về, riêng lực lượng biên phòng vẫn chốt chặn từ khi có dịch đến nay, lực lượng thậm chí tăng cường thêm. Bộ chỉ huy chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tăng cường trực 24/24, nhằm ngăn chặt tuyệt đối xuất nhập cảnh trái phép.

Văn Hoàng

Kỳ tới: “Nhặt chuyện” trong “xã hội thu nhỏ” ở khu cách ly