Xuyên đêm cùng các chiến sỹ “Quân hàm xanh”

“Quân hàm xanh” chống dịch ở biên cương

BVR&MT – Dù các điểm chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 luôn được các chiến sỹ biên phòng, dân quân, y tế trực 24/24h, nhưng công tác tuần tra, kiểm soát gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là ban đêm, các công dân nhập cảnh trái phép thường đi qua các đường mòn, lối mở qua biên giới. Đây cũng là thời điểm các đối tượng đưa người xuất cảnh trái phép hoạt động.

Xem thêm:

“Quân hàm xanh” chống dịch ở biên cương

Chiến sỹ biên phòng và cán bộ Trung tâm y tế chuẩn bị đón công dân

Nửa đêm đón công dân vượt biên trái phép

Sau một buổi chiều được các chiến sỹ tại tổ công tác Pác Ty, Đồn biên phòng Quang Long (Hạ Lang – Cao Bằng) cho theo chân tuần tra, kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tại khu vực biên giới do Đồn quản lý. Chúng tôi cùng các chiến sỹ tuần tra trở về Đồn khi màn đêm đã buông xuống nơi núi rừng, tiếng ếch, nhái kêu như xé toạc đêm đen.

Cũng như những ngày làm việc ở chốt kiểm soát dịch bệnh, các chiến sỹ nhanh chóng chuẩn bị cho bữa tối với nhiều món ăn là đặc sản của núi rừng, và thay nhau tuần tra, canh gác.

PV trở về trụ sở Đồn cùng biết bao câu chuyện đã ghi nhận, cũng như trao đổi với các chiến sỹ dù thời gian trò chuyện không dài. Nhưng đã phần nào hiểu được những khó khăn, vất vả, sự hi sinh mà các chiến sỹ đã trải qua suốt 6 tháng ròng rã. Những tưởng một ngày làm việc của PV đã kết thúc bằng giấc ngủ ngon giấc tại Đồn Biên phòng Quang Long.

5 công dân nhập cảnh trái phép được các chiến sỹ biên phòng phát hiện.

Khoảng 22h đêm, tổ công tác 42 thuộc Đồn Biên phòng Quang Long điện báo phát hiện nhiều công dân Việt Nam nhập cảnh trái phép. Nhận tin báo, một số chiến sỹ nhanh chóng đến hỗ trợ các đồng chí ở điểm chốt lấy thông tin công dân nhập cảnh trái phép, đồng thời báo cho Trung tâm y tế huyện đưa xe đến đón đưa về khu cách ly theo quy định. PV đã cùng các chiến sỹ đến điểm chốt vừa phát hiện công dân nhập cảnh trái phép.

Trong số 5 người vừa được các chiến sỹ phát hiện có người phụ nữ tên Nguyễn Thị Hà, quê ở tỉnh Nghệ An. Hà cho biết: “Bản thân học hết lớp 12, qua mai mối Hà yêu thật lòng một người đàn ông Trung Quốc, sau đó tiến tới hôn nhân và có với nhau một người con nay lên 3 tuổi. Khi đang có dịch thì vợ chồng muốn có đứa con thứ hai nên đã vượt biên trái phép sang với chồng. Khi sang đến nơi ở của chồng một thời gian thì phát hiện có chửa  em về Việt Nam em đẻ. Vì đứa đầu đẻ ở Trung Quốc thấy vất vả, đứa này bố mẹ khuyên em về Việt Nam đẻ”.

Nguyễn Thị Hà được kiểm tra nhiệt độ trươc khi lên xe về khu cách ly.

Hà kể: “Để trở về đến đây em đi quá vất vả. Khi đi sang đã vất vả rồi nhưng khi đó chưa có bầu nên đỡ mệt hơn. Lúc về em có bầu một tháng rồi nên trước khi đi em hỏi kỹ họ nói đi không vất vả, nhưng hôm nay em phải đi bộ 3 tiếng đồng hồ, không ai dẫn em đi cả, em tìm biên phòng để biết chỗ cách ly, em đi với bạn nhưng không biết bạn ấy là ai vì mới gặp. Khi về em biết thông tin là sẽ cách ly 14 ngày, giờ gặp được các anh, em cảm thấy rất biết ơn khi đến Việt Nam được các anh biên phòng đón”.

“Em rất xúc động khi em bước từ núi xuống gặp một anh, anh ấy nói anh là biên phòng. Em đi cách xa anh khoảng 2m, em thấy anh ấy gọi điện về chốt bảo người khác đun nước pha mỳ tôm. Khi đến nơi em được ăn mỳ luôn, em cảm thấy rất ấm áp, em rất biết ơn. Giờ em chỉ mong hoàn thành cách ly 14 ngày rồi đi về nhà với con” – Hà rưng rưng nước mắt xúc động.

Sẽ không bao giờ xuất cảnh trái phép nữa

Anh Nguyễn Thế Lương, người huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, cùng con trai 17 tuổi mới vượt biên trái phép sang Trung Quốc từ ngày 4/7/2020 nhưng do sang đó công việc không thuận lợi, và đúng dịp có dịch bùng phát nên phía Trung Quốc truy quét nên đã vượt biên trái phép về Việt Nam và bị các chiến sỹ biên phòng phát hiện, làm thủ tục đưa đi cách ly.

Anh Lương kể: “Có người đi trước họ làm manh mối cho mình thì sang, sang đó làm thấy không được nên về, vì biết đằng nào cũng cách ly nên về. Khi bước chân đến Việt Nam thấy thật sung sướng, trước khi xuất phát về Việt Nam tôi lo lắng vì không biết họ đưa mình về có an toàn không vì mình không biết đường đi lối lại. Về đến đây có các anh biên phòng đón, mình cũng xác nhận là về đi cách ly cho xã hội yên tâm, và mình cũng yên tâm về phần mình chứ mình không trốn tránh gì cả”.

Điều đáng nói là anh Lương biết rõ “xuất cảnh trái phép là sai, nhưng cứ đi xem bên đó như thế nào, đi đúng một tháng lại về. Lúc đi thấy bên mình hết cách ly thì bạn ở bên đấy điện về bảo sang một lần xem có làm được không, giờ về thì sẽ không đi nữa”.

Cậu con trai anh Lương mới 17 tuổi tên Nguyễn Thế Anh đã vượt biên cùng bố sang Trung Quốc với hi vọng có công ăn việc làm ổn định. Thế nhưng, một tháng qua thực sự là một tháng khó khăn nhất đối với cậu. Khi các chiến sỹ lấy thông tin Thế Anh nói với giọng run run, không dám ngẩng mặt, và lý nhí vài câu hứa hẹn sẽ không bao giờ vượt biên trái phép nữa. Nhìn đôi chân lấm lem bùn đất, đầu gối ứa máu, tay xách chiếc ba lô cũ rách lôi từng bộ quần áo nhăn nheo mới thấy một chặng đường gian nan mà người con trai 17 tuổi đã trải qua.

Ngoài Hà và hai bố con anh Lương còn 3 công dân khác quê ở Thanh Hóa, Bắc Giang cũng đi theo đoàn nhập cảnh trái phép, tất cả đều được các chiến sỹ lấy thông tin, phát khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, đo nhiệt độ, cho ăn mỳ tránh đói, sau đó được phun khử trùng rồi bàn giao cho cán bộ Trung tâm y tế đưa đến khu cách ly bằng ô tô để cách ly theo quy định.

Khi các thủ tục được hoàn tất, chiếc xe chở công dân nhập cảnh trái phép về khu cách ly lăn bánh, cũng là lúc những tiếng kêu của ếnh, nhái và các loài côn trùng ở biên cương dần vắng lặng, thay vào đó là những tiếng gà vỗ cánh, cất tiếng gáy báo hiệu một ngày mới nữa đến với bà con dân bản nơi đây. Còn các chiến sỹ biên phòng vẫn tiếp tục công việc cũ của mình đã đảm nhiệm suốt 6 tháng qua…

Khi xe đưa công dân nhập cảnh trái phép về khu cách ly, các chiến sỹ biên phòng lại trở lại trạng thái trực chốt 24/24h.

(Còn nữa)

Văn Hoàng

Bà 3: Đến từng ngõ, gõ từng nhà tuyền truyền phòng chống dịch Covid-19