Tổng kết Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

BVR&MT – Ngày 12/8, tại TP. Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Tổng kết Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 – 2020.

Tổng kết Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Tham dự Hội nghị có ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương; Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ Mặt trận tổ quốc Việt Nam; Đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban ngành Trung ương và địa phương; Các doanh nghiệp địa phương và cùng các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Hội nghị nhằm tổng kết, chia sẻ các kinh nghiệm trong triển khai thực hiện Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2014. Đồng thời, đề xuất thực hiện nhiệm vụ phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động trong giai đoạn mới.

Xem thêm:

Hội nghị Tổng kết Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020

Xây dựng chiến lược chống dịch hiệu quả cả về kinh tế và y tế

Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng nhờ phát triển thị trường trong nước, các nhóm hàng các nhóm hàng lương thực, thực phẩm vẫn có mức tăng trưởng ấn tượng. Theo báo cáo của Bộ Công thương, mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng bán lẻ hàng hóa vẫn tăng trưởng khoảng 3,6%, chủ yếu nhờ các nhóm hàng lương thực, thực phẩm và trang thiết bị gia đình.

Bộ Công thương đánh giá thị trường trong nước thực sự là bệ đỡ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước và ngành phân phối là một trong những động lực để phát triển kinh tế trong thời kỳ mới vừa chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế – xã hội đồng thời bảo đảm phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.

Đối với các địa phương cũng có những sáng kiến để đẩy mạnh khả năng cạnh tranh và các mặt hàng Việt Nam với sản phẩm nhập khẩu. Tổ chức hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm các địa phương, ưu tiên hàng nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, được nuôi trồng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP.

Thanh long ruột đỏ miền Tây được giới thiệu tại Big C.

Xây dựng hướng đến thương hiệu các mặt hàng nông sản, đặc sản ở từng địa phương, vùng, miền; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống phân phối phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Trong khi đó, Hà Nội lại hỗ trợ các tỉnh, thành tổ chức khoảng 30 tuần hàng trái cây, nông sản tại Thủ đô hay hỗ trợ quảng bá, giới thiệu trên 3.000 sản phẩm trên Trang thông tin nông sản an toàn của thành phố.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Sau 6 năm thực hiện, Đề án phát triển thị trường trong nước đã mang lại những kết quả tích cực góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội phục vụ đời sống của gần 100 triệu người dân Việt Nam.

Theo kết quả điều tra dư luận xã hội của Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương năm 2019 cho thấy có 88% người tiêu dùng được hỏi cho biết họ quan tâm tới Cuộc vận động, 67% người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng hoá sẽ ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam và 52% người được hỏi cho biết luôn khuyên người thân, bạn bè của mình nên sử dụng hàng Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Trương Thị Ngọc Ánh – Phó Chủ tịch UBTW Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đánh giá: Từ đầu năm đến nay, đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Trong khi nhiều chỉ số kinh tế suy giảm hoặc tăng chững lại thì bán lẻ hàng hóa trong nước 7 tháng qua vẫn tăng. Đặc biệt, với sự xuất hiện dịch bệnh Covid-19 trở lại tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Nội.

Phiên chợ quảng bá, tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản, thực phẩm an toàn tại Hà Nội Tháng 5 năm 2020.

Trong thời gian Covid-19 vừa qua, Từ trung ương đến địa phương đã có nhiều phương án thiết thực để hỗ trợ cho hàng Việt Nam, đặc biệt là nông sản tiếp cận thị trường trong và xuất khẩu nước ngoài. Trong đó, nhãn TP. Chí Linh, vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) xuất khẩu chính ngạch sang nước ngoài. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh đã có chương trình trợ giá nông sản, vừa giúp người tiêu dùng có thực phẩm sạch, vừa giúp doanh nghiệp sản xuất nông sản tăng được sản lượng tiêu thụ trong mùa Covid.

Các đại biểu, diễn giả tại hội nghị cũng đã đề xuất nhiều ý kiến, phương hướng, mục tiêu  và giải pháp thực hiện nhiệm vụ Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động trong giai đoạn mới.

Trước bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, đặc biệt là việc tham gia và ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) chất lượng cao như: CPTPP và EVFTA, sẽ mở ra nhiều cơ hội về thị trường và bạn hàng, nhưng đồng thời cũng là áp lực cạnh tranh gay gắt. Các chuyên gia cũng khuyến nghị, việc xây dựng một chiến lược kinh doanh phù hợp, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các FTA đã ký là tiền đề quan trọng để giúp doanh nghiệp thích ứng, cũng như nâng tầm thương hiệu Việt trên trường quốc tế.

Văn Trì