Thưởng thức món bánh Cooc mò của người Tày ở Bình Liêu

BVR&MT – Nhắc đến những món ăn ẩm thực, những loại bánh nổi tiếng của Bình Liêu thì không thể bỏ qua món bánh “Cooc mò”. Sự đặc biệt tạo nên hương vị của bánh Cooc mò đó là gạo bản, lá gói bánh, và lá cơm lông. Nét riêng chỉ có ở người Tày ở Bình Liêu.

Những nguyên liệu, cần phải có để tạo nên món bánh Cooc mò thơm ngon.

Bánh Cooc mò của người Tày có 2 loại bánh, một loại có nhân và một loại không có nhân. Bình thường bánh có nhân sẽ được mọi người gói phổ biến hơn bánh không có nhân (bánh không có nhân sẽ được gói vào những dịp đặc biệt như ngày lễ, ngày tết, vì bánh không có nhân sẽ để được lâu hơn, không sợ hỏng mà vẫn giữ được sự thơm ngon của bánh).

Để làm bánh Cooc mò chúng ta phải chuẩn bị nguyên liệu, gạo nếp và lá chít, nhân thịt lợn kèm lá cơm lông để bánh dậy mùi thơm, đằm vị và đỡ ngán. Gạo nếp để làm bánh phải là gạo nếp bản được lựa chọn kỹ càng, hạt tròn đều, mẩy được sàng sẩy kỹ lưỡng. Gạo rửa qua nhiều lần nước cho thật sạch, rồi ngâm khoảng 2 đến 3 tiếng cho gạo nở đều và đạt dược độ mềm. Nhân bánh được chuẩn bị với thịt lợn ba chỉ, lá cơm lông để tạo nên màu đỏ của nhân bánh.

Thịt lợn với lá cơm lông để tạo màu sắc đặc trưng của bánh, độ ngậy, thơm bùi của bánh.

Công đoạn gói Cooc mò có quyết định không nhỏ tới độ thơm ngon, dẻo mềm, đượm vị của chiếc bánh. Cách gói bánh, đầu tiên lá chít được cuộn lại thành hình chiếc phễu, dùng chén nhỏ múc gạo đổ đầy. Một tay giữ phần dưới phễu lá để không bị tuột, một tay vỗ nhẹ bên ngoài cho nếp lèn chặt, thêm nhân thịt lợn và lá cơm lông rồi gấp mép lá và dùng lạt mềm buộc lại. Độ khéo léo, tinh tế của người gói Cooc mò quyết định chất lượng bánh thể hiện ở khâu buộc lạt. Dù nhìn đơn giản nhưng nếu buộc lỏng tay, bánh sẽ dễ bị vào nước, nhũn và làm nhạt bánh. Còn nếu siết quá chặt, gạo nếp sẽ khó nở đều, bánh dễ bị sượng và không ngon.

Những chiếc sau khi được gói xong sẽ được xếp vào nồi để ngâm nước.

Những chiếc bánh Cooc mò sau khi được gói cẩn thận xong cho vào nồi xếp ngập nước và cho bánh lên luộc từ 2 đến 3 giờ đồng hồ, tùy vào kích cỡ to nhỏ của bánh. Theo kinh nghiệm gói bánh lâu năm của người dân vùng cao, để bánh mau chín và không bị vỡ khi luộc, sau khi gói xong nên ngâm vào nước lạnh khoảng 1 giờ đến lúc mặt nước không sủi tăm là bánh đã “no” nước. Bánh Cooc mò luộc xong có màu giống với bánh chưng, phả hương thơm đặc trưng của gạo nếp, vị ngậy bùi của thịt lợn và lá cơm lông.

Vị dẻo, thơm ngon của nếp mới, vị bùi của lá cơm lông, béo ngậy của thịt lợn.

Bánh Cooc mò đã trở thành một món ăn, đặc sản của người Tày và từ lâu đã trở thành món quà không thể thiếu của du khách mỗi lần về với Bình Liêu. Thưởng thức bánh Cooc mò để thấy được vị dẻo, thơm ngon của nếp mới, quyện trong vị bùi bùi của lá cơm lông, béo ngậy của thịt lợn. Cảm nhận cái trọn vẹn, mộc mạc, bình dị của con người nơi đây.

La Trưởng – Hoàng Tôn