Hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia ở huyện vùng cao Đà Bắc

BVR&MT – Huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) là một trong 22 huyện nghèo của cả nước, có giao thông đi lại khó khăn, dân cư sinh sống không tập trung, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 89,72% dân số.

Công trình cứng hóa đường nội xóm Tân Sơn, xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) được triển khai từ Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội đồng bào thiểu số và miền núi (ảnh tư liệu).

Địa phương hiện có 12/17 xã, thị trấn thuộc khu vực III trong diện đặc biệt khó khăn. Đến nay, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Đà Bắc đã tập trung nguồn lực, thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước để cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Giai đoạn 2021-2025, huyện Đà Bắc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với tổng số vốn giao các chương trình trên 484 tỷ đồng. Đến nay, 100% đường giao thông đến trung tâm các xã; 99% đường đến các thôn bản; 84% đường trục thôn, xóm; 79% đường ngõ xóm và 50% đường trục chính nội đồng được cứng hóa. Hệ thống trạm y tế được xây dựng tương đối khang trang, có 15/17 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới tiếp tục phát huy hiệu quả và lan rộng trong nhân dân. Các phong trào thi đua như: “Huyện Đà Bắc chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Nhà sạch – Vườn đẹp – Môi trường trong lành – Ngõ xóm văn minh”; “5 không, 3 sạch”; xây dựng khu dân cư kiểu mẫu và vườn mẫu tiếp tục được phát động. Tại các xã người dân tích cực tham gia các hoạt động chung của cộng đồng nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống và điều kiện sinh hoạt, từng bước chuyển hóa phong trào từ tự phát thành tự giác, từ chăm lo cho gia đình, cá nhân sang chăm lo việc chung của cộng đồng, thôn xóm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc Bàn Thị Quy cho biết, trên địa bàn có 5 dân tộc chủ yếu cùng chung sống, gồm: Tày, Mường, Dao, Thái, Kinh. Hiện nay, công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống kinh tế, tạo việc làm, tăng thêm nguồn thu nhập để giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức thấp nhất theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, HĐND huyện đề ra.

Bà Bùi Thị Quy nhấn mạnh, công tác giảm nghèo có tác động tích cực về xã hội, nâng cao ý thức người dân trong việc tham gia các phong trào, cuộc vận động, đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng gia đình văn hóa, nông thôn mới, khơi dậy tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế – xã hội của địa phương.

Chính sách giảm nghèo, nhất là chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở, hỗ trợ sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động… được huyện chú trọng triển khai. Công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo được thực hiện thường xuyên, bằng nhiều hình thức thiết thực. Thông qua các lớp tập huấn nghiệp vụ, các buổi truyền thông cho cán bộ lãnh đạo, công chức văn hóa – xã hội, cộng tác viên công tác xã hội các xã, thị trấn, trưởng thôn, xóm, tiểu khu và các đối tượng thụ hưởng chính sách đã giúp nâng cao năng lực giảm nghèo bền vững trong cộng đồng.

Trong năm 2023, huyện được bố trí trên 162 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương cho công tác giảm nghèo. Qua đó, huyện hỗ trợ xây dựng mới 11 công trình giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa; duy tu, bảo dưỡng 260 công trình, xây dựng 16 mô hình giảm nghèo; hỗ trợ kinh phí cho 37/93 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ xây mới, sửa chữa cho 749 hộ khó khăn về nhà ở… Với những nỗ lực trong triển khai, thực hiện chương trình, mục tiêu tăng thu nhập của hộ nghèo, cận nghèo đạt được những kết quả nhất định. Thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 41,3 triệu đồng, tăng 3,8 triệu đồng so với năm 2022; tỷ lệ hộ nghèo còn 25,77%, giảm 9,17%, tương đương giảm 1.355 hộ nghèo, đạt 146,72% kế hoạch.

Hưởng lợi từ chương trình nhân rộng mô hình giảm nghèo, nhiều hộ gia đình ở xã Tú Lý tham gia dự án chăn nuôi dê sinh sản đã vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế bền vững. Bà Lường Thị Ón, xã Tú Lý cho biết: “Chương trình rất phù hợp điều kiện vùng cao với phương thức chăn thả và nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có. Nhờ được Nhà nước hỗ trợ con giống, tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh nên người dân tự tin trong công việc chăn nuôi, các gia đình đều phấn khởi vì đàn dê sinh trưởng, phát triển tốt và nhân lên hàng chục dê con. Nhờ đó, các gia đình từng bước cải thiện nguồn thu từ việc bán dê thương phẩm”.

Từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Đà Bắc đã hỗ trợ téc chứa nước sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân tại các địa bàn khó khăn. Bà Lường Thị Hòa, xã Toàn Sơn (Đà Bắc) chia sẻ: “Trước kia vào mùa khô gia đình phải tích nước bằng chum, chậu, xô… do vậy, nước không đủ dùng, cũng như không đảm bảo vệ sinh. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, gia đình được hỗ trợ một téc chứa nước nên rất phấn khởi, yên tâm lao động và sản xuất”.

Thời gian tới, huyện Đà Bắc đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội gắn với giảm nghèo bền vững, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp nông thôn, tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân; tổ chức thực hiện kịp thời, đồng bộ và hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo về nhà ở, đất sản xuất, tín dụng, dạy nghề. Huyện đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong công tác dân tộc, chính sách dân tộc, công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nông thôn mới; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số.

NGUỒNbaotintuc.vn
Tags:
CHIA SẺ