BVR&MT – Sau nhiều ngày ăn, nghỉ cùng các chiến sỹ Biên phòng ở biên cương, chứng kiến hàng trăm người nhập cảnh trái phép được phát hiện, đưa đến khu cách ly, từ những trẻ nhỏ, người mang bầu, phụ nữ, nhiều thanh niên xăm trổ… tất cả đều được cách ly theo quy định. Cũng chính vì lẽ đó, mà tại khu cách ly lớn nhất của tỉnh Cao Bằng do Trung đoàn 852, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng quản lý được ví như một “xã hội thu nhỏ” với nhiều câu chuyện từ khó khăn, thiếu thốn cho đến cười ra nước mắt.
Xem thêm:
“Quân hàm xanh” chống dịch ở biên cương
Xuyên đêm cùng các chiến sỹ “Quân hàm xanh”
Đến từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền phòng, chống Covid-19
Cùng Biên phòng phòng, chống Covid ở “lưng trời”
Những chuyện không chỉ có ở ngoài xã hội
Có mặt tại khu cách ly của Trung đoàn 852 sau nhiều ngày di chuyển từ phía Đông sang phía Tây của tỉnh Cao Bằng, chiếc xe đưa chúng tôi vào khu cách ly được phun khử trùng, chúng tôi được yêu cầu rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang trước khi vào cổng. Đây cũng là việc mà phóng viên đã luôn thực hiện trong những ngày cùng Biên phòng ở biên cương.
Tiếp chúng tôi là Thiếu tá Đàm Xuân Hội, Phó Trung đoàn trưởng – Tham mưu trưởng Trung đoàn 852, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng. Thiếu tá Hội cho biết, tại Trung đoàn, từ khi có dịch đến nay luôn duy trì 200-300 người cách ly, lúc cao điểm là gần 500 người, và hơn 5.000 người đã cách ly tại đây, rất may mắn là không có ai bị dương tính với Covid.
Qua trao đổi với Thiếu tá Hội, được biết, do là khu cách ly lớn nhất của tỉnh Cao Bằng nên những người được đưa vào cách ly cũng có đầy đủ các thành phần trong xã hội, nhưng đa phần là công dân trong quá trình nhập cảnh trái phép. “Ở đây như một xã hội thu nhỏ. Nói ngắn một chút gọi là cướp, buôn người, ma túy, truy nã… không thiếu một thành phần nào của xã hội”, Thiếu tá Hội chia sẻ.
Điều khiến Thiếu tá Hội lo lắng cho các chiến sỹ của mình, nhất là đối với chiến sỹ trẻ đó là khi đến lượt vào khu cách ly dọn dẹp vệ sinh có những thành phần làm nghề “nhạy cảm” đã “vồ” lấy chiến sỹ từ phía sau. “Chiến sỹ đi phải cho cán bộ đi kèm không là nó (họ) vồ, dọn dẹp nhà vệ sinh nó đi vào nó vồ đằng sau lưng. Nó vồ chiến sĩ mình làm trong khu ấy. Họ hiểu nỗi khổ của mình đâu, chỉ biết ăn, còn mình thì dọn dẹp vệ sinh cho, phục vụ hàng ngày cơm ăn ba bữa. Có một vụ người dân vu khống hiếp dâm nên là bọn tôi đi dọn dẹp không dám đi một mình, nếu đi là phải 2-3 người đi cùng”.
Không chỉ các thành phần làm nghề “nhạy cảm”, ở trong khu cách ly lúc nào cũng dao động từ 200 – 300 người nên những “thanh niên xăm trổ” cũng không ít. Từ phòng làm việc của Thiếu tá Hội nhìn về những dãy nhà của khu cách ly ở xa khoảng 500m, trên tầng hai nhiều công dân xăm trổ đầy mình, họ tụ tập hút thuốc lá, cởi trần. Thiếu tá Hội cho biết: “Có một vụ là không xảy ra chuyện gì nhưng đối tượng cũng ghê (đáng sợ), 04 người đấy mình đã nắm rồi, mình báo cáo lên ban chỉ đạo không thể cho ở đây vì thứ nhất là nghiện, thứ hai là đã xác định bị AIDS. Nó cũng khai là nó bị nghiện lâu lắm rồi, kiểm tra ra trong hồ sơ Công an thì nó cũng HIV, quê ở Trùng Khánh, là con trai, nó cũng liên quan đến cả đường dây môi giới đưa đón người qua biên giới”.
Qua tìm hiểu của phóng viên thì tại khu cách ly của Trung đoàn 852, Công an và Biên phòng đã phối hợp bắt giữ những trường hợp buôn người, phạm tội bị khởi tố vào đây thì vẫn cách ly bình thường, đến ngày ra thì sẽ bắt, trừ những trường hợp tội phạm quá nguy hiểm thì mới đến đưa đi, chứ vẫn để ăn uống bình thường. Còn những người truy nã là phải bắt luôn tại trận.
Được biết, tại khu cách ly có đối tượng đã “tranh thủ” giờ nghỉ trưa của các chiến sỹ để bỏ trốn nhưng các anh đã xử lý kịp thời. “Bộ đội phải thức để đi tuần chứ không là các đối tượng “chuồn” đi ngay. Họ trốn ra ngoài thì hơi khó, trừ trường hợp là dân ở đây thạo đường chứ còn lên khỏi khu cách ly là không có mạng internet nên định vị không thể ra được. Mạng không có mà chỉ có sóng điện thoại thôi thì đi khó lắm. Chúng tôi có 09 cái camera lắp xung quanh có trực ban theo dõi camera, không thể có chuyện mà đối tượng trốn từ sáng mà đến chiều mình mới biết. Mà đối tượng chỉ cần lên cái, ngay lúc ấy mình chưa bắt được nhưng vừa trốn là mình chỉ cần ra chặn hết các đường ở đây thì chịu, vì trốn chỉ đi được đường ra quốc lộ thôi, mình chặn những ngả ấy là xong. Quân số còn lại đổ lên kia (lên núi), lùng sục là ra ngay”, Thiếu tá Hội nói về những trường hợp bỏ trốn tại khu cách ly bị bắt lại.
Ngoài những thành phần vừa kể trên thuộc diện cần “để mắt”, thì tại khu cách ly như phụ nữ có bầu, có con nhỏ còn đang cho bú sữa, những đứa bé choai choai … được ưu tiên, tạo điều kiện cho ở tầng dưới, gần nhà vệ sinh, và đều tuân thủ rất tốt quy định ở khu cách ly..
Còn muôn vàn khó khăn, thiếu thốn
Để đảm bảo an toàn cho các chiến sỹ cũng như giảm thiểu tối đa sự lây lan, nếu không may một trong số người đang cánh ly dương tính với Covid. Trung đoàn 852 đã tìm hiểu và phát minh ra nhiều cách để hạn chế những khó khăn. Đơn cử như việc ăn uống của công dân trong khu cách ly, để hạn chế tiếp xúc bằng cách “ làm 02 tầng cách ly, có nghĩa là đưa cơm đến bên này làm một tầng ngoài rồi xong đội hình phục vụ trong kia mới ra bàn này lấy cơm đặt ở bàn bên trong rồi công dân ra lấy một tầng nữa. Là cơm hộp nên không cần rửa bát. Công dân ăn là 80.000 đồng/ ngày thì mình có cơm, thức ăn là 73.000 đồng, còn 7.000 đồng tiền đũa các thứ, ăn xong thì hủy luôn mấy cái đó”.
“Không đưa cơm trực tiếp thì người buổi sáng có người ngủ, người khác vào lấy hai ba xuất cơm, người sau đi lấy thì lại bảo không có cơm. Về sau thì để lên bàn rồi đọc tên cho mọi người đến tận nơi lấy. Có các biện pháp luôn, theo đầu phòng, theo đầu người”, Tham mưu trưởng Trung đoàn 852 cho biết.
Được biết, hết 14 ngày cách ly Bộ đội động viên, hỗ trợ cả kinh phí cho công dân về quê. Trước đây hết cách ly là hỏi ai có không có tiền xe sẽ hỗ trợ nên ai cũng giơ tay. Hiện giờ là các chiến sỹ đưa ra bến xe rồi cho công dân lên xe, thấy ai không lên và không có tiền mới hỗ trợ.
Ngoài ra, rất nhiều trường hợp ban đầu vào khu cách ly khai không đúng tên và địa chỉ. Vậy nhưng, Bộ đội bảo là những trường hợp không khai đúng thì lúc về địa phương thì những cái giấy ấy không tác dụng gì hết, mất công ở đây 14 ngày rồi mà lúc ra cầm cái giấy vô tác dụng thì không về được là phải tự cách ly tiếp nên bắt buộc phải khai thật. Trung đoàn còn phối hợp với Công an địa phương liên hệ về địa phương, nhờ đó mà nhiều công dân nhận biết được đã khai thật. Mới đầu trường hợp không giấy là 70-80% khai không trung thực.
Thiếu tá Hội cho biết thêm: “Ngoài những khó khăn do công dân chưa hợp tác thì giai đoạn đầu khẩu trang, găng tay còn thiếu. Đến mức mà chúng tôi còn bảo anh em phục vụ bộ phận trong kia là bây giờ cả người phục vụ, dọn dẹp trong kia 10 người là không được ra khỏi khu vực này, ở trực tiếp trong đó để tiết kiệm đồ bảo hộ. Ngoài ra ngày thu gom rác hai lần để đi đốt, mỗi lần đi chỉ dám cho 03 người đi vì không đủ khẩu trang, gang tay, không đủ đồ bảo hộ”.
Được biết những người xuất cảnh trái phép sang bên kia biên giới đa phần phải chịu cuộc sống khổ cực, tù tội, không nơi ở… Khi trở về Việt Nam đến biên giới có Biên phòng đón, rồi đưa về khu cách ly, “ngày cơm bưng nước rót cho họ mới thấy cái giá trị của Tổ quốc mình thế nào”, Thiếu tá Đàm Xuân Hội kết thúc cuộc chia sẻ với phóng viên.
Chú trọng công tác vệ sinh môi trường khu cách ly “Công tác vệ sinh là hầu như mình làm chứ mình nhắc rồi họ có chịu làm đâu. Mỗi bên nữ thì còn chịu khó dọn phòng, quét ra cửa thì mình hót đi cho họ chứ còn các anh nam hút thuốc các thứ vứt lung tung ra. Mình mà không dọn đến lúc đoàn kiểm tra đến lại bảo mình không làm nhưng đúng ra là họ phải làm. Những người có ý thức thì tự làm nhưng đây mình không thể chế áp họ được. Bộ đội thì có quy củ nhưng đây là người dân. Tôi cũng bảo anh em là động viên nhắc nhở không thì chịu khó vất vả một tí để còn hài hòa. Đảm bảo công tác vệ sinh môi trường”, Thiếu tá Đàm Xuân Hội nói. |
Văn Hoàng
Kỳ cuối: Nhận thức sâu sắc nhiệm vụ phòng, chống dịch ở biên cương