Dân vận khéo ắt thành công

BVR&MT – Cấp ủy, chính quyền xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ) luôn đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, sáng tạo và hiệu quả. Từ một xã nghèo, đặc biệt khó khăn, Sin Suối Hồ từng bước “thay da đổi thịt”; đời sống Nhân dân cải thiện rõ rệt; an ninh trật tự đảm bảo.

Vượt chặng đường hơn 30km từ thành phố Lai Châu, sau gần 2 tiếng đồng hồ chạy xe máy với những khúc cua dốc lên cao ngoằn ngoèo, chúng tôi có mặt tại trung tâm xã Sin Suối Hồ. Không khí ở nơi đây trong lành, mát mẻ; đường vào các bản được bêtông hóa, khang trang, sạch đẹp. Cổng bản, đường bản được trang trí bằng những chậu hoa, cây địa lan… rất ấn tượng.

Được biết, xã có 10 bản, 912 hộ, gần 5 nghìn nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Dao và Mông sinh sống. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Văn Đại – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Sin Suối Hồ cho biết: Xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, quần chúng Nhân dân tham gia vào phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Trong đó, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, công chức ở xã và người đứng đầu ở bản trong việc xây dựng các mô hình kinh tế mới, hiệu quả nâng cao thu nhập. Tuyên truyền, vận động bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đưa cây, con giống có giá trị kinh tế cao vào gieo trồng, chăn nuôi.

Tổ dân vận khéo bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ) tuyên truyền, vận động dân bản khai thác tiềm năng phát triển kinh tế gắn với làm du lịch cộng đồng.

Xã chú trọng xây dựng các tổ dân vận khéo ở bản. Tổ chức cho các tập thể, cá nhân đăng ký thực hiện mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh – quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Hiện nay toàn xã có 3 tổ dân vận khéo ở các bản: Sin Suối Hồ, Căn Câu và Chí Sáng; 3 mô hình phát triển kinh tế, 1 mô hình “Tổ tự quản an ninh, trật tự”, 1 mô hình về bảo vệ môi trường, 1 mô hình “Tổ tự quản đường biên mốc giới”. Mỗi đoàn thể, chính trị xã hội ở xã chủ động triển khai xây dựng mô hình riêng, như: Mặt trận Tổ quốc xã với mô hình “Dân vận khéo” trong công tác hòa giải; Hội Liên hiệp Phụ nữ xã với mô hình “Câu lạc bộ không sinh con thứ 3”; Đoàn thanh niên có mô hình “Vệ sinh môi trường”. Được biết, mỗi mô hình, mỗi tổ dân vận khéo ở bản đều có những cách làm hay, sáng tạo và đem lại hiệu quả thiết thực.

Đồng chí Sùng A Phùa – Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân vận khéo bản Sin Suối Hồ chia sẻ: Bản có 141 hộ, 100% là người dân tộc Mông. Năm 2016, bản thành lập Tổ dân vận khéo có 6 thành viên, gồm: bí thư chi bộ, trưởng bản, trưởng ban công tác mặt trận, chi hội phụ nữ, thanh niên, người có uy tín. Để tổ hoạt động hiệu quả, các thành viên phát huy vai trò, trách nhiệm của mình; nhiệt tình, gương mẫu, đi đầu trong các phong trào, nhất là phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa mới. Phát huy sức mạnh đoàn kết, thống nhất nội bộ trong bản theo tinh thần “có lợi cùng làm, có sai đồng gánh trách nhiệm”, không đổ lỗi cho nhau. Mỗi lần họp tổ, chúng tôi mời đại diện các dòng họ cùng tham gia để thống nhất nội dung công việc. Tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong bản tham gia hiến đất, góp công làm đường nội bản, ngõ bản; gìn giữ vệ sinh chung; khai thác tiềm năng sẵn có để làm du lịch cộng đồng; trồng địa lan, cây ăn quả nâng cao thu nhập. Vận động Nhân dân giữ gìn phát huy truyền thống dân tộc; làm trang phục, đồ dùng sinh hoạt thu hút khách du lịch tham quan. Hiện nay, trong bản có 11 hộ làm du lịch.

Nói về thành quả của phong trào thi đua “Dân vận khéo”, đồng chí Hoàng Văn Đại – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Sin Suối Hồ phấn khởi: Từ việc người dân chỉ biết cấy lúa, trồng ngô để đảm bảo đời sống hàng ngày thì nay bà con đã tích cực trồng chè, sơn tra, địa lan, làm du lịch để nâng cao thu nhập. Tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất lúa hàng hóa tập trung với diện tích 16ha; khai thác nguồn nước lạnh nuôi cá giá trị kinh tế cao. Hiện nay, xã đang chỉ đạo, đôn đốc Nhân dân các bản tập trung cấy và chăm sóc lúa mùa với diện tích 390ha; chăm sóc 200ha chè, cây ăn quả… Tuyên truyền, hướng dẫn bà con phòng bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa thị trường; hiện tổng đàn gia súc, gia cầm của xã đạt trên 7 nghìn con. Mỗi năm, xã đón hơn 6 nghìn lượt khách du lịch. Năm 2020, xã đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 32,51%. 10 bản duy trì được đội văn nghệ bản, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân.