BVR&MT – Từng là loại cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho hàng nghìn hộ nông dân, nhưng mấy năm nay, diện tích mía nguyên liệu của tỉnh Tuyên Quang giảm mạnh, hiện chỉ còn 4.540 ha so với những năm 2015, 2016 có gần 11.000 ha. Năng suất thấp, giá giảm, tiêu thụ lại khó khăn đã khiến nhiều hộ nông dân bỏ mía, chuyển sang các loại cây trồng khác, dẫn đến nguy cơ phá vỡ vùng nguyên liệu cho ngành mía đường.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, năm 2019, UBND tỉnh giao kế hoạch phát triển vùng mía là 8.228 ha, trong đó trồng mới 729 ha; trồng lại 1.475 ha; mía lưu gốc 6.024 ha. Tuy nhiên, diện tích thực hiện chỉ đạt 4.546,9 ha, bằng 55,3% kế hoạch (trong đó: Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương ký hợp đồng liên kết sản xuất 4.180,9 ha; diện tích trồng mới 19,4 ha; trồng lại 133,8 ha, diện tích mía lưu gốc 4.393,7 ha). Diện tích mía phế canh tới 3.636,1 ha, trong đó nhiều nhất là huyện Sơn Dương 1.070,3 ha; Chiêm Hóa 1.230,4 ha; Yên Sơn 871,5 ha; Hàm Yên 297,6 ha; TP Tuyên Quang 123,9 ha; Lâm Bình 23,8 ha; Na Hang 18,6 ha.
Có nhiều nguyên nhân khiến diện tích mía nguyên liệu tại Tuyên Quang giảm, trong đó nguyên nhân chính là do Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, lượng đường tồn kho lớn, dẫn đến chậm thanh toán tiền mua mía nguyên liệu cho người dân. Chưa kể, việc Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương đơn phương giảm giá thu mua mía nguyên liệu theo hợp đồng đã ký, đã khiến người dân không đồng tình. Ngoài ra, tại thời điểm hiện tại, do năng suất thấp, hiệu quả thu nhập của cây mía giảm và thấp hơn một số cây trồng khác, do vậy nhiều hộ dân đã phá bỏ mía chuyển sang trồng các loại cây ăn quả hoặc cây nguyên liệu giấy có thu nhập cao hơn. Một nguyên nhân nữa là do thiếu lao động cục bộ ở thời điểm thu hoạch và trồng mới, trồng lại mía nguyên liệu cho nên chi phí thuê lao động cao.
Vụ mía trước, xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương, có 71 ha mía nguyên liệu để cung cấp cho Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương, nhưng sang vụ này, diện tích mía của xã đã giảm xuống chỉ còn 31 ha. Nhiều hộ dân đã phá bỏ cây mía, chuyển sang trồng các loại cây màu, cây ngắn ngày hoặc cây ăn quả có múi. Ông Trương Ngọc Khởi, Chủ tịch UBND xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương cho biết, từ trước đến nay, cây mía vẫn luôn là loại cây được xã xác định là cây chủ lực để giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Thế nhưng, do giá mía nguyên liệu của công ty mía đường đột ngột giảm 100 đồng/kg so với giá đã ký hợp đồng thu mua với người dân (từ 900 xuống còn 800 đồng/kg), nhiều gia đình đã bỏ cây mía chuyển sang các cây trồng khác. Tình trạng này cũng diễn ra ở nhiều xã trên địa bàn tỉnh. Ở xã Bình Yên, huyện Sơn Dương, từ năm 2011 cây mía đã là cây trồng chủ lực của người dân để phát triển kinh tế với 300 hộ dân trồng hơn 140 ha mía. Những năm trước đây, nhờ trồng mía, nhiều hộ dân của xã có cuộc sống ổn định, có thể thoát nghèo. Nay, nhiều hộ dân ở xã Bình Yên đang cảm thấy lo lắng khi giá mía nguyên liệu do Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương thu mua đã giảm hơn 100 đồng/kg so với năm trước. Theo ông Lô Chung Khẩn, ở thôn Cao Tuyên, xã Bình Yên, giá thu mua giảm nhưng chi phí về vật tư, phân bón lại tăng, vì thế, khi hạch toán ra thì thu nhập từ cây mía không đủ chi trả công lao động. Gia đình bà Nguyễn Thị Ngâm, ở thôn Hoàng Lâu, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương cũng vậy. Nhà bà trước trồng hơn 1 ha mía nhưng nay một phần hai diện tích đã được bà chuyển sang trồng cây keo.
Thời kỳ kinh doanh tốt, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với khoảng 30 nghìn hộ dân trồng mía, tạo công ăn việc làm cho hơn 30 nghìn lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và hơn 800 lao động trong sản xuất công nghiệp. Thế nhưng, số lượng này hiện chỉ còn một phần hai. Nguyên nhân là do việc phát triển vùng nguyên liệu mía ở Tuyên Quang mới tập trung phát triển về diện tích mà chưa thật chú trọng tới chất lượng cho nên việc áp dụng khoa học kỹ thuật để thâm canh còn chậm; giá thu mua mía thấp; 80% diện tích trồng mía nguyên liệu là đồi đất dốc gây khó khăn cho việc cơ giới hóa các khâu: thu hoạch, vận chuyển… Một nguyên nhân khác là do cơ cấu giống mía chưa phù hợp khả năng ép và kế hoạch ép của nhà máy, nhóm giống chín sớm, chín chính vụ chiếm tới 87,3%; nhóm giống chín muộn chỉ có 12,7% diện tích toàn vùng… vì thế khi vào mùa thu hoạch thì bị ứ đọng. Việc thu mua chậm dẫn đến chất lượng đường của mía nguyên liệu giảm, mía bị hư hao dẫn đến chi phí sản xuất cao gây thiệt hại cho người nông dân. Ðây là nguyên nhân khiến nhiều nông dân trồng mía buộc phải quay lưng lại với cây mía.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Ðại Thành cho biết, nhu cầu của Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương phải cần hơn 10.000 ha mía nguyên liệu để đáp ứng công suất dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên, với diện tích mía như hiện nay chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất. Trước mắt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương và các huyện, thành phố thực hiện hướng dẫn người dân thâm canh tăng năng suất để bù vào diện tích và sản lượng thiếu hụt. Thời gian tới, để tiếp tục duy trì phát triển vùng mía nguyên liệu thì trước tiên Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương phải bảo đảm việc tiêu thụ mía cho nhân dân, với giá thu mua ổn định, tìm kiếm các thị trường để tiêu thụ sản phẩm đường nhanh gọn. Cùng với đó, phối hợp các xã, huyện rà soát lại vùng trồng mía, bố trí các vùng thuận lợi cho đầu tư thâm canh và vận chuyển. Ðồng thời, công ty phải tập trung thâm canh tăng năng suất mía, để tăng thu nhập tạo ra vùng nguyên liệu vững chắc; đưa nhanh những tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất về giống, máy móc, đầu tư thâm canh, giảm chi phí sản xuất để giữ được giá thu mua ổn định cho người dân trên địa bàn.
Để ổn định vùng mía nguyên liệu, tỉnh Tuyên Quang đã có chính sách tăng mức vay vốn cho người trồng mía. Theo đó, người dân sẽ được vay 40 triệu đồng/ha hỗ trợ lãi suất 100% để trồng mới hoặc trồng lại mía. Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cũng đang rà soát lại diện tích trồng mía để làm căn cứ đề nghị điều chỉnh lại quy hoạch, kế hoạch vùng nguyên liệu mía của tỉnh. Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy lợi thế vùng chuyên canh cây mía cao, trọng tâm thực hiện dồn điền, tích tụ ruộng đất để xây dựng cánh đồng mía lớn, giảm dần diện tích mía manh mún đồi dốc cao; ứng dụng khoa học kỹ thuật, tạo đột phá về giống, cơ giới hóa, phân bón, tưới tiêu… nhằm tăng năng suất, giảm tổn thất sau thu hoạch.