Một băng nhóm săn trộm có thể đã xóa sổ 10% số tê giác Java kể từ năm 2019

BVR&MT – Tòa án quận Pandeglang, Indonesia đang xét xử một đường dây săn trộm được cho là đã giết chết 7 cá thể tê giác Java (Rinoceros sondaicus) và có thể nhiều hơn nữa từ năm 2019 – 2023 để lấy sừng, có khả năng xóa sổ 10% toàn bộ quần thể loài cực kỳ nguy cấp trên toàn cầu.

Vườn quốc gia Ujung Kulon của Indonesia hiện là nơi duy nhất trên trái đất còn tồn tại quần thể tê giác Java với ước tính khoảng 70 cá thể.

Các nhà chức trách chưa xác nhận chính xác có bao nhiêu cá thể tê giác bị giết trong khi chờ điều tra các vật chứng thu giữ được từ nghi phạm duy nhất bị bắt cho đến nay -Sunendi.

Sunendi bị bẫy camera ghi lại hình ảnh xâm nhập vào Vườn quốc gia hồi tháng 4 năm ngoái và bị bắt vào tháng 11/2023 với cáo buộc săn trộm, tàng trữ vũ khí trái phép và trộm 4 bẫy camera. Cảnh sát đang truy lùng ba nghi phạm khác được cho là liên quan đến đường dây này.

Cá thể tê giác Java đực tên là Luther cùng mẹ vào năm 2020. Hình ảnh do Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia cung cấp.

Sunendi khai rằng sau lần đi săn hồi tháng 5/2022, nhóm đồng phạm đã giết tê giác và bán sừng cho một đại lý ở Jakarta với giá 280 triệu rupiah, tương đương khoảng 19.000 USD ở thời điểm đó.

Được biết, cuộc đột kích vào tháng 10/2023 dẫn đến việc bắt giữ Sunendi cũng giúp tịch thu 345 vũ khí từ những người được cho là đang vào Ujung Kulon để đi săn. Lô hàng này bao gồm các loại súng tự động mà ở Indonesia chỉ hạn chế sử dụng cho quân đội.

Hình phạt cho tội săn trộm ở Indonesia là 5 năm nhưng nếu súng được chứng minh là bị tàng trữ trái phép, bản án có thể tăng thêm 20 năm.

Hoạt động tuần tra bảo vệ tê giác bằng đường thuỷ tại Vườn quốc gia Ujung Kulon. Hình ảnh của Rhett Butler / Mongabay.

Chính quyền Indonesia từ lâu tin rằng việc bảo vệ mạnh mẽ Ujung Kulon là một trong những yếu tố giúp quần thể tê giác Java ổn định và ngày càng tăng. Tuy nhiên, vấn nạn săn trộm vẫn tồn tại dai dẳng trong nhiều năm, đặc biệt năm ngoái tổ chức phi chính phủ Auriga Nusantara công bố một báo cáo nhấn mạnh sự gia tăng hoạt động săn trộm ở Ujung Kulon và sự thiếu minh bạch đối với dữ liệu về tê giác. Theo tổ chức này, 18 cá thể tê giác  (9 cá thể cái và 9 cá thể đực) vẫn được tính vào số lượng quần thể tê giác Java dù chúng không được nhìn thấy trong ba năm và ít nhất 3 cá thể trong số đó được xác nhận đã chết.

Đáng chú ý là đại diện Vườn quốc gia thi thoảng thông báo cái chết của những cá thể tê giác nhưng họ viện dẫn các nguyên nhân tự nhiên hoặc xung đột giữa các cá thể tê giác và khẳng định sừng tê giác vẫn còn nguyên vẹn.

Năm 2021, chính phủ Indonesia công bố quần thể tê giác Java có 76 cá thể, tuy nhiên, bẫy ảnh cùng năm đó chỉ xác nhận được 34 cá thể tê giác.

Một nhân viên kiểm lâm của Vườn quốc gia kiểm tra một cá thể tê giác Java đực được phát hiện đã chết vào ngày 23/4/2018. Hình ảnh được cung cấp bởi Vườn quốc gia Ujung Kulon

Câu hỏi được đặt ra là tại sao hoạt động tuần tra tại Vườn quốc gia diễn ra thường xuyên, bẫy ảnh cũng được đặt khắp nơi nhưng các đường dây săn trộm vẫn hoạt động mạnh mẽ?

Trong nhiều thập kỷ, các nhà bảo tồn đã kêu gọi chính phủ Indonesia thành lập địa điểm thứ hai để di dời một số loài tê giác Java trong nỗ lực thúc đẩy triển vọng sống sót của loài này bởi ngôi nhà hiện tại của chúng – Ujung Kulon – dễ bị ảnh hưởng bởi các thảm họa như sóng thần và động đất cũng như những kẻ săn trộm và sự xâm nhập của các loài vật nuôi có thể khiến tê giác mắc bệnh. Tuy nhiên, kế hoạch xây dựng địa điểm mới chưa bao giờ vượt quá những cuộc thảo luận, bất chấp tình thế bấp bênh của loài tê giác.

Cũng có ý kiến cho răng Indonesia nên thiết lập một quần thể tê giác Java được nuôi nhốt, tương tự như những gì đang làm đối với tê giác Sumatra, để bảo vệ chúng tốt hơn và tăng tỷ lệ sinh.

Tê giác Java là một trong những loài động vật có vú lớn có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên trái đất và là một trong những loài động vật cỡ lớn cuối cùng còn sót lại trên đảo Java. Indonesia đã mất hổ Java và hổ Bali.

PV (Theo Mongabay)