BVR&MT – Từ sự đồng lòng, chung sức của người dân, huyện biên giới Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) đã và đang gặt hái được nhiều kết quả đáng tự hào. Đến cuối năm 2022, huyện đã có 3/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới; các xã còn lại đều đạt từ 12-16 tiêu chí.
Đặc biệt, huyện đã có 20 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 5 làng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới. Nét mới trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở huyện biên giới Đức Cơ chính là nhờ vào sức – lòng và ý chí của nhân dân.
Để mở lối cho kinh tế vùng biên phát triển, nâng cao đời sống người dân… trong suốt tiến trình phát triển, huyện Đức Cơ đã xác định được tầm quan trọng của các công trình điện – đường. Vì thế, khi triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, những phần việc này được chính quyền và nhân dân huyện chú trọng. Đường lối thực hiện rõ ràng cùng sự ủng hộ, đóng góp công sức, vật chất của người dân, những công trình điện – đường đã dần mọc lên, thắp sáng diện mạo nông thôn mới ở nhiều xã, làng.
Xã Ia Dom là xã biên giới đầu tiên ở Tây Nguyên hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thành quả đó có được là nhờ tinh thần đoàn kết của cả hệ thống chính trị và sự đóng góp rất lớn của người dân. Nổi bật là những công trình giao thông nông thôn. Xuất phát từ nhu cầu đi lại, sản xuất kinh doanh, cuối năm 2018, các hộ dân tại khu vực đường tuyến 2 làng Mook Đen 1 đã tình nguyện hiến đất để làm đường. Bà con đã đóng góp 25 triệu đồng thuê máy san ủi làm con đường dài hơn 500 m, rộng 6 m. Tại xã Ia Din, chỉ trong 2 năm (2019-2020), chính quyền địa phương đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa và làm mới hàng chục km đường giao thông nông thôn. Kết quả này có được là nhờ sự đóng góp tích cực của người dân thông qua phong trào “Hiến đất làm đường”.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ia Din Phùng Văn Cường cho hay: Khi xã triển khai chủ trương làm đường giao thông nông thôn, người dân đồng tình hưởng ứng. Vì thế, trong hơn 1 năm, xã đã huy động được 6 tỷ đồng để bê tông hóa nhiều tuyến đường. Ngoài đóng góp ngày công, hiến đất, hiến cây, người dân ở các thôn Đoàn Kết, Thống Nhất, Đồng Tâm 1 còn đóng góp 450 triệu đồng để làm đường giao thông. Tại thôn Đoàn Kết, hai tuyến đường chính đều đã được cứng hóa, một tuyến trải nhựa, một tuyến đổ bê tông.
Khi những tuyến đường bê tông phẳng lì đã trải dài khắp những bản làng, ánh sáng của điện dần được kéo về để tô điểm thêm cho những con đường. Từ mô hình “Công trình đường điện thắp sáng đường giao thông nông thôn”, nhiều tuyến đường ở các xã đã được người dân tự bỏ tiền của, công sức thắp sáng. Người dân các thôn dọc quốc lộ 19B gồm xã Thanh Tân, Thanh Giáo đã đồng thuận đóng góp hơn 83 triệu đồng lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng công cộng trên tuyến đường dài gần 3 km. Các hộ dân thôn Thanh Tân đã triển khai lắp đặt thêm 150 bóng điện trên toàn bộ tuyến đường tại các cụm dân cư. Tuyến đường dài hơn 20 km từ Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đến cổng chào xã Ia Din đã có điện thắp sáng. Những công trình này là sự chung tay, góp sức của người dân, qua đó không chỉ thắp sáng đường quê, còn góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và giảm thiểu tai nạn giao thông.
Bên cạnh nỗ lực mở đường, thắp sáng các bản làng, việc hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập được chính quyền huyện Đức Cơ đặc biệt quan tâm. Để đạt được mục tiêu hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, thay đổi suy nghĩ – cách làm, Ủy ban nhân dân huyện Đức Cơ đã triển khai kế hoạch và phân công cụ thể cho các cơ quan trực tiếp giúp làng tùy thuộc vào điều kiện thực tế của mỗi cơ quan, đơn vị. Chính từ tinh thần “tương thân tương ái” của các cơ quan, đoàn thể tại cơ sở…, dân làng đã nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tích cực phát triển sản xuất tăng thu nhập và nâng cao đời sống.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đức Cơ Siu Luynh vui mừng cho rằng, những kết quả tích cực từ chương trình xây dựng nông thôn mới của ngày hôm nay là sự nỗ lực của các cấp, ngành và đặc biệt là sự tự lực, tự cường của chính người dân. Qua đó, diện mạo nông thôn của huyện Đức Cơ đã đổi mới từng ngày. Qua từng xã, làng, việc nhiều gia đình đã xây dựng được nhà cửa khang trang, kiên cố. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng cao, cảnh quan môi trường từng bước cải thiện chính là những minh chứng rõ nhất cho kết quả của phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Có thể nói, từ những phần việc nhỏ do chính bàn tay, sức người – sức của của người dân đã thắp sáng đường quê, mở lối cho buôn làng kết nối, thông thương.