Xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với chính sách visa mới

BVR&MT – Sau khi Quốc hội thông qua chính sách thị thực (visa) mới nâng thời gian lưu trú khi khách đến Việt Nam, các doanh nghiệp du lịch đón khách quốc tế (inbound) đang xây dựng sản phẩm du lịch để đón luồng khách chi trả cao, lưu trú dài ngày.

Khách quốc tế tham quan Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Nguyễn Ngọc Bích – Chủ tich Rustic Hospitality Group và Giám đốc đổi mới sáng tạo dự án du lịch Thuỵ Sĩ vì sự phát triển bền vững chia sẻ: “Đơn vị chuyên đón khách quốc tế đến từ châu Âu và Mỹ nên việc nới chính sách visa vừa được Quốc hội thông qua đã tháo gỡ một trong những “nút thắt” thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Khi thông báo thông tin này tôi gửi tới các đối tác, họ đều đề nghị thiết kế thêm sản phẩm lưu trú nâng thời gian từ 15 ngày lên 20-25 ngày. Do đó, đơn vị đang khảo sát xây dựng lại tuyến điểm và dịch vụ mới để đáp ứng luồng khách này. Khó khăn nhất là tạo dựng được sản phẩm du lịch cạnh tranh trong bối cảnh giá vé máy bay đang tăng cao, khách lại thắt chặt chi tiêu do tác động của lạm phát”.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Tuấn Linh – Giám đốc Công ty TNHH Du lịch phiêu lưu cùng Mr Linh cho biết: “Là doanh nghiệp chuyên đón luồng khách châu Âu nên với chính sách thị thực nhập cảnh mới như trên sẽ là một “cú hích” giúp ngành du lịch Việt Nam phát triển và lợi thế trong cuộc đua thu hút khách du lịch quốc tế… Bên cạnh đó, việc nâng số thời hạn thị thực điện tử lên 90 ngày sẽ tạo thuận lợi nhiều hơn thị thực giấy và khách có thể dễ dàng sử dụng công nghệ thông tin khi xin thị thực vào Việt Nam để du lịch”.

“Chính sách visa có hiệu lực từ tháng 15/8/2023 sẽ là cơ hội để công ty quảng bá tới các thị trường mục tiêu trong mùa cao điểm thu – đông năm nay. Trước đây, với thời hạn visa ngắn ngày, công ty thường tập trung vào xây dựng các tour ngắn ngày. Còn bây giờ với chinh sách visa mới, công ty đang đưa ra những sản phẩm du lịch dài ngày trải nghiệm kết hợp với nghỉ dưỡng tại các bãi biển; những kỳ nghỉ dưỡng biển dài ngày ở các khu vực biển miền Bắc và miền Trung; sản phẩm du lịch dài ngày kết hợp khu vực biển miền Bắc và Tây Nguyên”, ông Nguyễn Tuấn Linh cho biết.

Theo lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam, chính sách visa mới sẽ tạo điều kiện nâng cao sự cạnh tranh của du lịch Việt Nam và tiếp tục đà phục hồi du lịch. Công bố mới đây của Tổng cục Du lịch cho thấy, về mức độ phục hồi so trước dịch, 5 thị trường đã vượt mức 6 tháng đầu năm 2019 là Campuchia (338%), Ấn Độ (236%), Lào (117%), Thái Lan (108%) và Singapore (hơn 107%), theo dữ liệu từ Tổng cục Du lịch. Hai thị trường phục hồi gần về mức 2019 là Mỹ (95%) và Australia (92%). Một số thị trường khác cũng phục hồi ở mức cao là Hàn Quốc (77%), Anh (gần 79%), Đức (84%). Trung Quốc, thị trường gửi khách lớn nhất trước dịch, phục hồi hơn 22% do mới mở lại tour du lịch theo đoàn đến Việt Nam từ 15/3. Dù vậy kể từ lúc mở cửa trở lại, khách Trung Quốc luôn nằm top đầu những thị trường khách đến Việt Nam đông nhất.

Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đón 5,6 triệu lượt khách quốc tế, gấp 13,5 lần cùng kỳ năm 2022 và bằng 67% so 2019. Trong 10 thị trường khách quốc tế đến Việt Nam nhiều nhất trong nửa đầu năm nay, Hàn Quốc đứng đầu với hơn 1,6 triệu lượt, chiếm 28% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Trung Quốc xếp thứ hai (557.000 lượt), Mỹ thứ ba (374.000).

Ông Phùng Quang Thắng – Phó Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Việt Nam cho rằng, việc nới về chính sách thị thực mới này hướng đến khai thác luồng khách có chi tiêu cao, đi dài ngày. Ở góc độ doanh nghiệp, khách ở dài ngày, chi tiêu nhiều dịch vụ sẽ lợi hơn khách đi đông nhưng ngắn ngày. Từ đó, đơn vị du lịch có hướng xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp để tăng hiệu quả kinh tế. So với dữ liệu khách quốc tế Tổng cục Du lịch mới công bố, chính sách visa mới sẽ là đòn bẩy để tăng tốc phục hồi thị trường xa như châu Âu và Mỹ, qua đó tăng hiệu quả kinh tế.

Trong khi đó, ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: Để đón đầu chính sách visa mới này, sắp tới đây, Hiệp hội sẽ tổ chức hội nghị họp bàn với doanh nghiệp du lịch trên cả nước bàn về xây dựng sản phẩm du lịch, dịch vụ mới để thu khách quốc tế, đẩy mạnh quảng bá, truyền thông để có thể đáp ứng mùa du lịch cao điểm khách quốc tế vào cuối năm nay.

Tại kỳ họp thứ 5, khoá XV, Quốc hội vừa thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, thời hạn thị thực điện tử (e-visa) sẽ được nâng từ 30 lên 90 ngày. Chính phủ quyết định danh sách nước, vùng lãnh thổ có công dân được cấp; danh sách cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng e-visa. Sau khi được cấp thị thực điện tử, trong 90 ngày, người nước ngoài được nhập, xuất cảnh không giới hạn số lần, không phải làm thủ tục cấp thị thực mới. Luật cũng cho phép công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực được cấp tạm trú 45 ngày (quy định trước đó là 15 ngày) và được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định.