Xây dựng Huế – đô thị xanh: Từ trào lưu đến trách nhiệm

BVR&MT – Là “thành phố xanh quốc gia” có tốc độ đô thị hóa không quá nhanh, mức độ tác động môi trường thấp, thành phố Huế (Thừa Thiên – Huế) có nhiều lợi thế phát triển thành đô thị xanh bền vững của Việt Nam. Với mục tiêu đó, người dân Huế cần chung tay với chính quyền địa phương, xây dựng một cộng đồng sống thân thiện với môi trường. Mỗi cá nhân phải là những “đại sứ” của lối sống xanh.

Toàn cảnh Cố đô Huế trên cao. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN

Trào lưu sống xanh

Với hệ thống cây xanh dày đặc, năm 2016, Huế là thành phố đầu tiên của cả nước được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên WWF vinh danh là “Thành phố xanh quốc gia”; tiêu chuẩn về không khí ở đây luôn được đảm bảo. Huế cũng là Cố đô còn nguyên vẹn nhất tại Việt Nam, gìn giữ văn hóa tiêu biểu của đất nước và nhân loại với nhiều di tích văn hóa, lịch sử. Hai bên bờ sông Hương, các trạm xe đạp chia sẻ cộng đồng không chỉ phát huy được tiêu chí thân thiện môi trường mà còn là giải pháp giao thông đô thị mới cho thành phố.

Vừa qua, Dự án “Huế – Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” (do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên WWF-Na Uy tài trợ thông qua WWF-Việt Nam) khởi động triển khai ứng dụng công nghệ phân loại rác tại nguồn và thu gom rác tái chế trên địa bàn thành phố Huế. Ứng dụng mGreen là sáng kiến đoạt giải thưởng tại Cuộc thi sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa Huế 2023 giúp kết nối trực tiếp giữa người bán và người thu mua rác tái chế. Ngoài ra, người dân khi thu gom rác tái chế có thể được tích điểm, nhận quà thông qua ứng dụng.

Thông qua sự hỗ trợ từ Dự án, Hội Nông dân thành phố cùng những Cửa hàng Nông dân, Cửa hàng Liên minh Xanh và một số doanh nghiệp cho ra mắt mô hình các trạm tái nạp đầy (refill station). Chỉ với hành động tái sử dụng các chai, hũ, hộp, người dân đã có thể trở thành những người tiêu dùng thông thái, góp phần giảm thiểu lượng rác thải nhựa cho địa phương.

Là người nội trợ trong gia đình, chị Trần Thị Phương Dung (phường An Đông) đã sớm cài đặt ứng dụng mGreen và sẵn sàng thay đổi thói quen mua sắm. Chị Dung cho hay, việc sử dụng ứng dụng khá dễ dàng, tiết kiệm chi tiêu trong gia đình. Chị mong rằng, ngày càng có nhiều người lựa chọn cài đặt ứng dụng vì một thành phố Huế xanh.

Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên WWF đánh giá, Huế là thành phố hình mẫu trong quản lý rác thải; lãnh đạo địa phương có những cam kết cụ thể để phát triển địa phương theo hướng xanh, bền vững. Những năm qua, hưởng lợi từ các dự án phi Chính phủ, tổ chức quốc tế về bảo vệ môi trường, trên các tuyến phố công cộng, khu dân cư, điểm du lịch của thành phố Huế đã xuất hiện nhiều thùng chứa, phân loại rác, các trạm tiếp nước sạch… Các dự án đã góp phần tăng cường năng lực cho các tổ chức xã hội và cộng đồng trong việc hình thành thói quen, ý thức xanh, chuẩn hóa quy trình xử lý rác. Những hoạt động thiết thực của các dự án tạo giúp người dân và chính quyền địa phương tiếp tục xây dựng đô thị Huế theo hướng xanh, bền vững.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế đã mở cuộc vận động toàn dân xây dựng địa phương sáng – xanh – sạch, không rác thải. Đây được xem là hành động đi sâu, tạo tính lan tỏa không chỉ về quy mô mà còn mở rộng phạm vi xây dựng nếp sống xanh của người dân từ thành phố đến các địa bàn của tỉnh. Từ đây, các cuộc vận động, phong trào bảo vệ môi trường nói chung đến phong trào “nói không với túi nylon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần” nói riêng được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị… hưởng ứng tích cực.

Duy trì sức sống các phong trào

Một góc thành phố Huế. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN

Hợp tác với Dự án “Huế – Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam”, thành phố Huế cam kết cùng phấn đấu mục tiêu năm 2024 giảm 30% lượng rác nhựa thất thoát ra môi trường và trở thành đô thị giảm nhựa với 70% chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom, xử lý. Để đạt được mục tiêu này và phát triển bền vững Huế thành đô thị xanh của Việt Nam, ngay từ lúc này, những trào lưu, xu thế thân thiện với môi trường cần sớm được ý thức hóa trong mỗi người dân và việc bảo vệ môi trường, xây dựng thành phố xanh phải được nhận thức là trách nhiệm chung của cả cộng đồng.

Từ các em nhỏ, bạn trẻ đến phụ nữ xứ Huế đã dần quen với những sự kiện, cuộc thi tái chế vào dịp cuối tuần như hoạt động thu gom rác đổi quà, dự án “Mì tôm xanh”… Em Tôn Nữ Ngọc Linh (thành phố Huế) chia sẻ sự ngạc nhiên, thích thú vì lần đầu được tự tay làm sống lại những bao bì mì tôm trong một hình hài mới, ý nghĩa hơn là chiếc dây đeo cổ. Được dự án hướng dẫn, khi về nhà, em sẽ thử làm nên nhiều sản phẩm khác cho bản thân, gia đình.

Cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các phong trào nói không với túi nylon, sản phẩm nhựa đã trở thành nếp văn hóa chốn công sở. Trên các bàn họp, sự xuất hiện các chai nước thủy tinh đã hoàn toàn được thay thế cho nước đóng chai. Khách hàng được khuyến khích mang túi cá nhân, dùng làn, túi sử dụng nhiều lần khi đi mua sắm tại các siêu thị. Bà con tiểu thương cũng “bắt trend” pha chế nước bằng cốc inox, gói hàng bằng túi giấy.

Thực tế hiện nay, sau khi các dự án tài trợ từ nguồn vốn phi Chính phủ, tổ chức quốc tế kết thúc, tác động của chúng dần mờ nhạt. Một bộ phận lớn người dân Huế không còn mặn mà với các thói quen phân loại rác, tái chế, tái sử dụng. Nhiều phong trào dọn vệ sinh, giảm rác thải nhựa, túi nylon giảm bớt sức nóng, không được duy trì đều đặn ở nhiều địa bàn, cơ quan, đơn vị.

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế chỉ rõ, nguyên nhân là do sự thiếu đồng bộ trong cách tổ chức, duy trì các hoạt động của các dự án. Người dân phân loại rác tại nhà nhưng công tác thu gom lại không đồng bộ, gộp chung các loại rác lại. Như vậy, ý nghĩa việc phân loại xem như vô nghĩa. “Mô hình hay nhưng không có tính lan tỏa thì không có sức sống. Chúng ta không chỉ tận dụng hiệu quả các dự án mà cần phải đồng bộ trong các khâu tổ chức phong trào để duy trì được sức sống của chúng. Đồng bộ từ chế tài xử phạt vi phạm môi trường đến việc lồng ghép các phong trào của đoàn thể vào mục tiêu chung mà tỉnh đặt ra nhằm hướng tới sự chuyên nghiệp trong lối sống xanh văn minh của toàn dân” – ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.

Là một thành phố di sản, con đường phát triển của Huế sẽ không giống như các đô thị khác. Song song với việc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, chính quyền địa phương nỗ lực giải quyết bài toán bảo tồn di sản, gìn giữ văn hóa đặc sắc với bảo vệ môi trường sinh thái. Như vậy, khi du khách đến Huế không chỉ được trải nghiệm những tiện nghi hiện đại của cuộc sống mà còn được tận hưởng thiên nhiên trong lành của thành phố cổ kính, nên thơ.

NGUỒNbaotintuc.vn
Tags:
CHIA SẺ