Văn Yên (Yên Bái): Dân buồn vì giá quế giảm sâu

BVR&MT – Huyện Văn Yên có diện tích quế nhiều nhất tỉnh và cũng lớn nhất cả nước với trên 52.000 ha. Nếu như vụ quế năm ngoái vào thời điểm từ tháng 8 trở đi, khắp các đồi nương người dân tấp nập khai thác quế, thương lái khắp mọi nơi đến tìm mua thì năm nay cảnh tượng rất vắng lặng.

Lãnh đạo xã Viễn Sơn trao đổi với người dân về phát triển và giữ vững Chỉ dẫn địa lý cây quế.

Huyện Văn Yên có diện tích quế nhiều nhất tỉnh và cũng lớn nhất cả nước với trên 52.000 ha. Cây quế phân bố ở cả 25 xã, thị trấn nhưng tập trung nhiều nhất là 8 xã vùng trọng điểm. Cây quế đã gắn bó lâu đời với người dân Văn Yên và nhờ cây quế mà đời sống người dân không ngừng được nâng cao; bởi vậy, nơi đây nhà nhà trồng quế.

Tuy nhiên, từ cuối năm ngoái đến nay, giá quế xuống thấp, khiến nhiều cơ sở thu mua, chế biến phải sản xuất cầm chừng; quế đến kỳ khai thác mà vẫn không thể bóc vỏ vì giá quế quá rẻ (giảm gần một nửa so với những năm trước đây) khiến nhiều người trồng quế, sản xuất, chế biến quế đứng ngồi không yên.

Nhìn đồi quế hơn 10 ha từ 8 – 10 năm tuổi đã bước vào kỳ khai thác mà vẫn không có thương lái đến hỏi mua khiến ông Triệu Kim Quý, thôn Khe Sán, xã Châu Quế Thượng vô cùng ngao ngán vì năm nay nhà ông có việc lớn cần phải bán quế mà không bán được vì giá thấp.

Ông Quý cho biết: “Tôi cứ nghĩ đến cuối năm giá quế sẽ tăng lên và ổn định trở lại, nhưng hiện giờ giá vẫn thấp. Bởi vậy, việc lớn của gia đình đành gác lại đợi khi nào giá quế ổn định thì tôi tính tiếp”.

Tương tự, năm nay, anh Đặng Tòn Ba, thôn Khe Dứa, xã Viễn Sơn cần số tiền lớn để sửa nhà, mua sắm vật dụng sinh hoạt mà 10 ha quế từ 5 – 20 năm tuổi lại cũng chưa bán được. Anh Ba cho biết: “Trước đây, mỗi năm khai thác bán tỉa, tôi thu khoảng 100 triệu đồng để chi tiêu cho cuộc sống. Nhờ quế mà cuộc sống gia đình tôi khá lên, con cái có điều kiện học hành chu đáo. Năm nay có việc thì quế lại không bán được, vì nếu thuê người khai thác và trừ chi phí thì không có lãi. Vậy nên, các công việc lớn đành phải gác lại”.

Nằm trong vùng trọng điểm trồng quế của huyện Văn Yên, xã Viễn Sơn có trên 2.700 ha quế và trên địa bàn xã có 1 công ty chế biến tinh dầu quế, 1 doanh nghiệp kinh doanh tổng hợp chuyên thu mua, chế biến các sản phẩm từ quế. Trung bình mỗi năm, xã Viễn Sơn bán ra thị trường trên 600 tấn quế vỏ, trên 4.000 m3 gỗ quế, trên 100 tấn tinh dầu quế đem về nguồn thu trên 45 tỷ đồng.

Cây quế đã góp phần không nhỏ trong công cuộc xóa đói giảm nghèo; đồng thời, góp phần xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới; nhiều hộ trở thành triệu phú, tỷ phú từ trồng quế. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, giá quế đã giảm một nửa nên người dân không khai thác; các cơ sở thu mua, chế biến cũng sản xuất cầm chừng.

Ông Bàn Phúc Hín – Chủ tịch UBND xã Viễn Sơn cho biết: “Căn cứ trên văn bản chỉ đạo của UBND huyện, xã vận động bà con tiếp tục chăm sóc, canh tác, ổn định sản xuất, không vì lợi nhuận mà đánh mất thương hiệu quế của huyện. Đồng thời, xã cũng vận động các cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh đẩy mạnh việc bán hàng qua nhiều kênh thông tin và các trang thương mại điện tử; nỗ lực xúc tiến, quảng bá sản phẩm để có nhiều phương thức bán hàng đa dạng hơn..”.

Không riêng gì xã Châu Quế Thượng, hầu hết các địa phương đều chung tình trạng này và nếu như vụ quế năm ngoái vào thời điểm từ tháng 8 trở đi, khắp các đồi nương người dân tấp nập khai thác quế, thương lái khắp mọi nơi đến tìm mua thì năm nay cảnh tượng rất vắng lặng.

Ông Lý Hai – Giám đốc Hợp tác xã Bình An, xã Đại Sơn cho biết: “Trung bình mỗi năm, hợp tác xã thu mua chế biến, xuất bán khoảng 150 tấn vỏ quế tươi và sau khi trừ chi phí cũng thu về 500 – 700 triệu đồng. Đồng thời, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho khoảng 15 lao động thường xuyên, 5 lao động thời vụ với mức lương trung bình 5 – 7 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, năm nay thị trường quế ảm đạm do giá quế xuống thấp nên chúng tôi phải sản xuất cầm chừng và phải nghe ngóng thị trường, bởi nếu cứ tiếp tục sản xuất thì sẽ lỗ nhiều hơn”.

Vùng quế Văn Yên hình thành từ lâu đời và gắn liền với cuộc sống của người Dao. Tháng 1 năm 2010, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã có quyết định chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Quế Văn Yên. Từ đó, các sản phẩm của quế đã được khẳng định thêm uy tín, thương hiệu trên thị trường.

Trên địa bàn huyện có khoảng 60 cơ sở thu mua, chế biến các sản phẩm từ quế; 212 cơ sở chưng cất tinh dầu quế và trên 200 cơ sở sản xuất, kinh doanh quế giống. Bình quân mỗi năm, huyện xuất bán ra thị trường khoảng 6.000 tấn quế vỏ khô các loại, trên 300 tấn tinh dầu quế, tổng giá trị các sản phẩm từ quế hàng năm đạt trên 800 tỷ đồng.

Cây quế đã góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động và có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, giá quế giảm mạnh khiến vụ quế trở lên ảm đạm hơn.

Hiện tại, giá tinh dầu quế trung bình từ 600 triệu đồng/tấn giảm còn 300 triệu đồng; giá quế vỏ khô các loại từ 115.000 đồng/kg giảm còn 55.000 đồng/kg. Giá quế giảm sẽ kéo theo thu nhập của người dân và cơ sở sản xuất, thu mua, chế biến các sản phẩm từ quế giảm theo. Qua đó, kéo theo tổng giá trị từ các sản phẩm quế của toàn huyện giảm xuống một nửa, đời sống, thu nhập người trồng quế cũng giảm theo đáng kể.

Trước thực trạng này, UBND huyện Văn Yên đang có các giải pháp chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn có kế hoạch cụ thể nhằm ổn định tâm lý, tinh thần cho người dân, các cơ sở sản xuất chế biến quế. Bà Nguyễn Bích Thảo – Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Văn Yên cho biết: đơn vị đã tham mưu với UBND huyện để phối hợp với các phòng, ban chuyên môn chỉ đạo các xã tập trung tuyên truyền người dân, doanh nghiệp áp dụng Chỉ dẫn địa lý để bảo vệ, nâng cao thương hiệu quế Văn Yên; xây dựng quy hoạch vùng sản xuất quế có trọng tâm, trọng điểm, không phát triển tràn lan; tìm hiểu, xây dựng thêm các sản phẩm OCOP từ quế; phối hợp với Sở Công thương đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để tiếp tục quảng bá các sản phẩm quế đến người tiêu dùng.

Đơn vị cũng đề xuất với UBND huyện lập đề tài khoa học nâng cao chất lượng tinh dầu quế. Bên cạnh các giải pháp của huyện, các cơ sở, doanh nghiệp chế biến các sản phẩm từ quế cũng cần đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản lý, bám vào quy hoạch phát triển quế của huyện để có chiến lược sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Có như vậy, việc giá quế giảm mới không ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh cũng như đời sống của người dân”.