Trám đen – Thức quả dẻo thơm của vùng trung du xứ Nghệ nhộn nhịp vào mùa

BVR&MT – Thanh Chương (Nghệ An) – “thủ phủ” của trám đen đang bắt đầu vào mùa thu hoạch. Tuy giá đầu mùa khá cao, giao động từ dao động từ 110 – 140.000 đồng/kg song thương lái vẫn kém vui vì trám mất mùa, kém năng suất.

Theo thời gian, từ một loại quả hoang dại, quả trám đen đã trở thành một thứ đặc sản hấp dẫn, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, lạ và được nhiều người biết tới. Cây trám cũng đã được người dân tại đây nhân rộng diện tích nhằm thu quả để bán. Quả trám đen từ đây đã mang lại những nguồn thu nhập mới cho người dân các xã miền núi Nghệ An.

Trám ở Thanh Nho là trám bản địa, lâu năm nên quả trám ngon, thơm, bùi được người tiêu dùng ưa chuộng. Với nhiều gia đình, cây trám là nguồn thu nhập chính.

Trám đen là loại cây cho thu hoạch quả sau 7 – 8 năm trồng. Mỗi năm loại quả này chỉ cho thu hoạch duy nhất vào mùa tháng 7 – 8. Quả trám có màu đen, vị bùi xen lẫn chát và được chế biến thành các món om, đồ xôi, kho cá… Huyện Thanh Chương được xem là ” thủ phủ” cây trám đen ở Nghệ An. Tại đây, nhiều hộ dân sở hữu những cây trám đen cổ thụ có tuổi đời hàng chục năm, tập trung nhiều ở các xã Thanh Nho, Thanh Hòa, Phong Thịnh…

Vào mùa thu hoạch, “đội quân” đi hái trám thuê được hình thành. Họ đi theo nhóm từ 2 – 5 người. Tuy nhiên khác với mọi năm có thể dễ dàng mua với số lượng lớn, năm nay các thương lái đã phải “chật vật” khắp nơi mới gom đủ sản lượng trả khách trong và ngoài tỉnh. Chị Phạm Thị Phương ở xã Thanh Nho (Thanh Chương) đã bỏ ra gần cả trăm triệu để mua trám khi còn hoa. “Năm nay, trám mất mùa, năng suất giảm mạnh. Có những cây, năm ngoái được 1 tạ quả chín thì năm nay, chỉ được khoảng 40-60kg”, chị Phương cho biết.

Gia đình anh Tuấn (xã Phong Thịnh) cho biết: “Đầu mùa, lúc trám còn hoa, quả non 130 triệu đồng không bán thì nay, bán trám chín cũng chỉ được khoảng 50-70 triệu đồng.

Khác với các loại quả, trám được thương lái đặt mua khi còn ra hoa, kết trái. Nghề buôn trám này lãi hay lỗ phụ thuộc nhiều vào sự may rủi và một ít kinh nghiệm. May rủi ở đây là khi mua trám đang hoa, có khi hoa sai nhưng lại ít đậu quả, hoặc có khi quả non lúc lỉu trên cây nhưng chẳng may thời tiết không thuận, chỉ cần trận giông lốc, trám gãy cành, rụng quả thì coi như lỗ. Ngược lại, nếu năm trám được mùa, được giá thì có lãi, thậm chí lãi đậm.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Phương cho biết: “Tùy cây, tùy độ tuổi, tùy dự kiến sản lượng trám quả mà định giá. Có những cây chỉ dăm bảy trăm đến 1 triệu đồng nhưng có những cây thì lên đến 15-20 triệu đồng. Năm nay trời mưa trái mùa nên hoa rụng, quả non rụng dẫn đến lượng quả chín không còn nhiều. Thương lái thất thu thậm chí là lỗ. Ngược lại, đối với hộ gia đình trồng trám, giá bán trám đầu mùa tương đối cao, so với năm ngoái tăng từ 20.000 – 30.000đồng/kg”.

Trám đen còn gọi cây bùi màu tím thẫm. Đặc biệt, loại quả này rất tốt cho sức khỏe. Trong Đông y, trám là vị thuốc trị nhiều bệnh, đặc biệt là bệnh đường hô hấp.

Trám đen Thanh Chương là loại quả sạch, béo, bùi mang hương vị đặc trưng có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, là đặc sản được nhiều người ưa thích. Những năm qua, giá trám đen quả tươi tăng liên tục, dao động từ 80.000 – 160.000 đồng/kg. Trám đen được giá bởi sạch, ngon và hiếm. Sản lượng trám quả của huyện Thanh Chương ước đạt 300 tấn/năm, được trồng nhiều ở các xã: Cát Văn, Thanh Nho, Thanh Hương, Hạnh Lâm, Thanh Hòa…

Năm nay, trám mất mùa, không chỉ người buôn trám kém vui mà cũng ảnh hưởng đến thu nhập của các lao động “ăn theo” nghề buôn trám. Được biết, tiền công của người hái trám là 300.000 – 500.000 đồng/ngày, còn người nhặt trám là 200.000 – 250.000 đồng/ngày. Trám được mùa, nhiều quả, kéo dài thời gian thu hoạch thì lao động nghề trám có thêm thu nhập và ngược lại, mất mùa, thời gian thu hoạch ngắn thì lao động nghề trám mất đi nguồn thu nhập từ nghề.

Thời gian gần đây, trám đen trở thành đặc sản, là loại thực phẩm sạch, ngon, được nhiều người ưa chuộng, bán “đắt như tôm tươi”, giúp người trồng trám ở huyện Thanh Chương, Tân Kỳ, Đô Lương có thêm nguồn thu nhập khá, góp phần xây dựng phát triển nền kinh tế địa phương.

Hà Linh