Thủ tướng: Không gian mạng đã trở thành không gian chiến lược

BVR&MT – Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, không gian mạng đã trở thành không gian chiến lược; phải chủ động ứng phó với thách thức từ không gian mạng, không để bị động, bất ngờ.

Chiều 25/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo an toàn, an ninh mạng quốc gia đã chủ trì phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo (BCĐ). Phiên họp đã đánh giá toàn diện kết quả hoạt động của BCĐ thời gian qua, đề ra phương hướng thời gian tới. Cũng tại phiên họp, BCĐ đã công bố quyết định của Thủ tướng về kiện toàn BCĐ.

Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực, trách nhiệm và kết quả hoạt động của thành viên BCĐ, Văn phòng BCĐ, các tiểu ban và các thành viên, đã bám sát 4 nhiệm vụ trọng tâm (an ninh mạng; an toàn thông tin mạng; thực hiện nhiệm vụ quốc phòng trên không gian mạng; đấu tranh xử lý thông tin xấu, độc), hoàn thành một số công việc quan trọng.

Thủ tướng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP

Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế. Bên cạnh hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, theo người đứng đầu Chính phủ, công tác quản lý Nhà nước về an toàn, an ninh mạng chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, đặc biệt đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch xuyên biên giới.

Trong khi, hoạt động tấn công mạng gia tăng, vẫn còn tình trạng lộ bí mật Nhà nước qua môi trường mạng của một số bộ, ngành, địa phương. Tình hình thu thập trái phép, mua bán thông tin, dữ liệu cá nhân vẫn diễn biến phức tạp.

Tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục diễn ra phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó lường, có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Thủ tướng đề nghị Bộ Công an nghiên cứu, đề xuất ban hành chỉ thị của Thủ tướng về vấn đề này.

Phân tích yêu cầu đối với an toàn, an ninh mạng thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh không gian mạng đã trở thành không gian chiến lược; phải chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng, không để bị động, bất ngờ.

Người đứng đầu Chính phủ phân tích: an toàn, an ninh mạng phải là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, lâu dài nhằm duy trì môi trường mạng an toàn, lành mạnh, tin cậy cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, song hành với phát triển kinh tế – xã hội.

Theo Thủ tướng, đầu tư cho an toàn, an ninh mạng là đầu tư cho phát triển bền vững và tạo ra giá trị. Ảnh: VGP

Để bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia có hiệu quả trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu BCĐ cần thống nhất một số nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, Thủ tướng quán triệt nhiệm vụ bảo vệ an toàn, an ninh mạng cho Đảng, Nhà nước, cho nhân dân, cho doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng trong điều kiện, bối cảnh hiện nay.

Ông lưu ý phải thực hiện công việc này một cách thường xuyên, liên tục, đầu tư thỏa đáng các hạ tầng thiết yếu; xây dựng cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt trong thu hút nguồn lực, cơ sở vật chất, hạ tầng và đẩy mạnh hợp tác công tư.

Thí điểm chế độ ưu đãi, đặc thù với lực lượng bảo vệ an ninh mạng

Nhấn mạnh nhiệm vụ hoàn thiện chính sách pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về an ninh mạng, Thủ tướng yêu cầu cần tổ chức thực hiện nghiêm Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng, Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước và văn bản hướng dẫn thi hành; quản lý chặt chẽ các loại hình dịch vụ viễn thông.

Theo Thủ tướng, cần có chiến lược quốc gia về an ninh dữ liệu; đồng thời, phải có kế hoạch tích hợp, khai thác, chia sẻ, phân tích, xử lý thông tin, dữ liệu phục vụ công tác phát triển kinh tế, xã hội.

Song song với đó, là tăng cường giải pháp bảo đảm an ninh mạng và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng; đấu tranh ngăn chặn sớm hoạt động tấn công mạng, âm mưu, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng.

Thủ tướng và các thành viên BCĐ an toàn, an ninh mạng quốc gia, các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: VGP

Đặc biệt, lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo tập trung đào tạo nguồn nhân lực an ninh mạng và nghiên cứu, đề xuất thí điểm một số chế độ ưu đãi, đặc thù với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng, nhân sự làm về an toàn thông tin mạng.

Thủ tướng cũng yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng; tham khảo kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và mô hình an toàn, an ninh mạng trên thế giới.