Thái Nguyên: Tăng cường quản lý lâm sản

BVR&MT – Những năm qua, cùng với việc quản lý, bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản. Theo đó, số vụ vi phạm quy định của pháp luật về lĩnh vực lâm nghiệp giảm rõ rệt, tạo môi trường thuận lợi cho các cơ sở hoạt động, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động và thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Võ Nhai kiểm tra tang vật tịch thu từ các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp.

Là một trong những đơn vị sản xuất đồ gỗ có uy tín trên địa bàn tỉnh, Công ty CP gỗ Phượng Anh, ở phường Tân Thành (TP. Thái Nguyên) hiện đang tạo việc làm ổn định cho 30 lao động, với mức thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng.

Trao đổi với chúng tôi, anh Hà Vạn Thọ, Giám đốc Công ty, cho biết: Chúng tôi chuyên sản xuất đồ gỗ cao cấp phục vụ các công trình, dự án, căn hộ. Hiện nay, gỗ đưa vào chế biến tại Công ty chủ yếu có nguồn gốc nhập khẩu. Mỗi lô hàng đều có hóa đơn, bảng kê khối lượng, hồ sơ nguồn gốc lâm sản. Ngoài ra, chúng tôi có ghi chép đầy đủ sổ theo dõi tình hình nhập – xuất lâm sản.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, bên cạnh các cơ sở chấp hành tốt quy định của Nhà nước, có đầy đủ hồ sơ nguồn gốc nguyên liệu gỗ đưa vào chế biến, thì vẫn còn một số cơ sở chưa chú trọng việc kê khai sổ nhập, xuất lâm sản, chưa quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường và phòng cháy, chữa cháy.

Do vậy, để nâng cao nhận thức của người dân, Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên đã phối hợp với các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Lâm nghiệp, cũng như các quy định mới về sản xuất, kinh doanh, chế biến lâm sản, lồng ghép với các buổi họp xóm, tổ dân phố.

Hàng năm, Chi cục còn xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra định kỳ, thường xuyên, đột xuất các cơ sở chế biến gỗ. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc chấp hành pháp luật về hồ sơ lâm sản, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào; việc ghi chép vào sổ nhập, xuất lâm sản và kê khai lâm sản của các cơ sở…

Trong năm 2022, Chi cục đã tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất – kinh doanh – chế biến lâm sản đối với 7 tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Kết quả, có 5/7 cơ sở chấp hành tốt các quy định; 2 cơ sở vi phạm về thủ tục trong quản lý, kinh doanh và chế biến lâm sản, số tiền xử phạt là hơn 5,2 triệu đồng.

Năm 2023, Chi cục đã xây dựng kế hoạch và đang tiến hành thanh tra, kiểm tra 18 cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản ngay trong tháng 8. Thông qua kiểm tra, đơn vị yêu cầu một số cơ sở hoàn thiện các nội dung còn thiếu như: cam kết bảo vệ môi trường, phương án phòng chống cháy nổ…

Cùng với công tác thanh, kiểm tra, Chi cục còn chỉ đạo hạt kiểm lâm các huyện, thành phố phổ biến, hướng dẫn các quy định về quản lý lâm sản và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở hoạt động sản xuất – kinh doanh lâm sản phát triển, góp phần giải quyết việc làm, thúc đẩy kinh tế địa phương.

Đặc biệt, thực hiện nội dung tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên tiếp tục khuyến khích các cơ sở đẩy mạnh đầu tư máy móc, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, nâng cao trình độ tay nghề để sản xuất các mặt hàng chất lượng, có giá trị kinh tế cao. Năm 2022, giá trị sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 649 tỷ đồng, tăng hơn 42 tỷ đồng so với năm 2021…

Nhờ quản lý, giám sát chặt chẽ, nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh không có “điểm nóng” về khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp giảm từ 535 vụ (năm 2013) xuống còn 99 vụ (năm 2022).

Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 600 cơ sở sản xuất – kinh doanh lâm sản, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương.