Quảng Ninh: Để người dân vùng DTTS nắm vững kiến thức pháp luật

BVR&MT – Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được các sở, ban, ngành, địa phương coi trọng, luôn thực hiện xuyên suốt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh.

Quảng Ninh có 56 xã thuộc vùng đồng bào DTTS, phân bố ở 11/13 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Việc cập nhật kiến thức pháp luật của bà con vùng này còn nhiều hạn chế. Bởi vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được các cấp, các ngành quan tâm. Ngay từ đầu năm, Ban Dân tộc tỉnh đã ban hành một số kế hoạch, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo để thực hiện về công tác PBGDPL với nội dung, cách thức thực hiện phù hợp.

Ban Dân tộc tỉnh tập huấn kỹ năng tuyên truyền về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS tại xã Đông Hải, huyện Tiên Yên.

Các ban, ngành, địa phương, tổ chức chính trị – xã hội đều đã tích cực tuyên truyền đến bà con vùng đồng bào DTTS về đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2025”(Giai đoạn II); công tác phòng, chống dịch Covid-19; vận động người dân thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới; phát hiện tố giác tội phạm, người nhập cảnh trái phép; tuyên truyền về bầu cử trưởng thôn, bản, khu phố nhiệm kỳ 2022-2025; các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về công tác dân tộc; nghị quyết đại hội đảng các cấp…

Hoạt động PBGDPL vùng đồng bào DTTS được các ngành, địa phương thực hiện với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với người dân, như: Thông qua lớp tập huấn, hỗ trợ pháp lý, sân khấu hóa, thông qua hòa giải cơ sở, tủ sách pháp luật, thông qua đội ngũ trưởng thôn, bản; người có uy tín… 8 tháng năm 2022, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức chức 8 hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nâng cao kỹ năng tuyên truyền vận động, kỹ năng xử lý tình huống trong giải quyết các vụ việc liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống năm 2022 cho hơn 700 đại biểu là cán bộ xã, thôn, bản; phối hợp với địa phương tổ chức 4 hội nghị bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới tại huyện Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà cho 300 đại biểu là đồng bào DTTS…

Ông Choóng Sau Quay, người có uy tín thôn Khe Mươi, xã Đại Thành (huyện Tiên Yên), trò chuyện với người dân về việc giữ gìn ANTT ở địa phương. Ảnh: Công Thành

Cùng với đó, Ban Dân tộc tỉnh còn tổ chức 8 hội nghị phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm; Bộ luật Lao động; Bộ luật Dân sự; Bộ luật Hình sự; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Tiếp cận thông tin; Luật An ninh mạng; Luật khiếu nại; Luật Tố cáo; Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia; Luật Lâm nghiệp, Luật Nhà ở, Luật Biên phòng năm 2020… cho hơn 800 đại biểu. Đồng thời tổ chức 3 hội nghị tuyên truyền ATGT vùng DTTS và miền núi với nội dung chuyên đề về Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt và những điểm mới của nghị định khi xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia… tại huyện Đầm Hà và Tiên Yên.

Ban Dân tộc tỉnh và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cũng thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp số 02/TTr-BDT-BCHBĐBP ngày 1/4/2022 giữa Ban Dân tộc và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh giai đoạn 2022-2025; qua đó tập trung phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân vùng đồng bào DTTS về các nội dung có liên quan trực tiếp, cần thiết được quy định trong Luật Biên phòng hiện hành và một số vấn đề về tình hình ANTT, văn hóa, KT-XH khu vực biên giới 2 nước Việt Nam – Trung Quốc nói chung…

Ông Nềnh A Thít (bên phải), người có uy tín thuộc thôn Nà Thổng, xã Quảng An, Đầm Hà, tuyên truyền người dân tham gia bảo đảm an toàn địa bàn. Ảnh: Hoàng Giang

Bên cạnh việc tổ chức các hội nghị tuyên truyền PBPL, các ngành, địa phương còn tích cực biên soạn tờ gấp, sổ tay, các bộ tài liệu, tờ rơi, áp phích, đĩa DVD… cung cấp kiến thức về pháp luật. 6 tháng đầu năm, đã có hàng nghìn tài liệu như vậy được phát đến bà con vùng DTTS, miền núi, biên giới trên địa bàn tỉnh. Riêng Ban Dân tộc tỉnh cấp phát 48 cuốn sách, trong đó 24 cuốn sách pháp luật về tố cáo, thẩm quyền, trình tự giải quyết, 24 cuốn Sổ tay pháp luật về công tác đấu tranh, xử lý phòng, chống tham nhũng cho 24 xã tại các địa phương: Móng Cái, Hải Hà; Bình Liêu và Tiên Yên để các xã sử dụng trong công tác tuyên truyền, PBGDPL trên địa bàn.

Với việc tăng cường công tác tuyên truyền PBGDPL đến vùng đồng bào DTTS của các ngành, địa phương trong tỉnh đã giúp nhận thức của cán bộ, người dân nơi đây trong việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có chuyển biến. Từ đó, người dân tích cực tham gia chương trình phát triển KT-XH của địa phương.