Quảng Ninh: Chung tay bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc

BVR&MT – Nhằm chung tay bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, các cấp hội phụ nữ Quảng Ninh đã đẩy mạnh nhiều hoạt động thiết thực góp phần thực hiện thành công mục tiêu này.

Phụ nữ Dao Thanh Y thôn Khe Bốc, thị trấn Bình Liêu (huyện Bình Liêu) thêu thổ cẩm truyền thống của dân tộc.

Hội LHPN huyện Bình Liêu là một trong những cơ sở hội triển khai nhiều mô hình, hoạt động góp phần phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Bà Trần Thị Thoan, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Bình Liêu, cho biết: Xác định các giá trị văn hóa dân tộc, nhất là dân tộc thiểu số đóng vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH địa phương, những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa được các cấp hội tích cực triển khai. Dưới sự hỗ trợ của các cấp hội, đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều CLB thêu thổ cẩm cũng như CLB văn nghệ giữ gìn, phát triển các làn điệu dân tộc như hát then, đàn tính của dân tộc Tày, hát soóng cọ của dân tộc Sán Chỉ…

Trực tiếp tham gia buổi sinh hoạt của CLB Thêu thổ cẩm dân tộc Dao Thanh Y ở thôn Khe Bốc (thị trấn Bình Liêu) mới thấy rõ được niềm say mê của chị em nơi đây với nghề thêu thùa truyền thống. Mỗi lần tổ chức sinh hoạt, các chị em trong thôn lại quây quần về nhà văn hóa để cùng nhau giao lưu, học hỏi kinh nghiệm thêu thổ cẩm. Vừa nhanh tay thêu nốt những mũi chỉ cuối cùng cho tấm khăn đội đầu, chị Dường Tài Múi chia sẻ: Không chỉ những buổi sinh hoạt của CLB, công việc thêu may trang phục đã trở thành thói quen của chúng tôi. Những hôm rảnh rỗi, chị em chúng tôi lại rủ nhau ra hiên nhà ngồi thêu áo. Chúng tôi còn dạy thêu cho con, cháu để nghề truyền thống không bị mai một.

Không riêng Hội LHPN huyện Bình Liêu, nhằm chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát huy vai trò chủ lực của phụ nữ trong việc tham gia giữ gìn văn hóa dân tộc. Ở các địa phương, tùy vào tình hình thực tế từng đơn vị, các cấp hội đã có những cách làm hiệu quả để tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ hiểu và yêu mến, tự hào về những giá trị trong kho tàng văn hóa của dân tộc. Cũng như phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến của phụ nữ trong việc gìn giữ văn hóa.

Nhiều món ăn truyền thống vẫn đang được các hội viên phụ nữ xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên giữ gìn, truyền dạy cho con cháu.

Các cấp hội phụ nữ trong tỉnh cũng tích cực vận động hội viên thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”… Đồng thời, các cấp hội phụ nữ cũng tích cực hướng cho chị em tham gia những hoạt động gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống thông qua các lễ hội, hoạt động văn hóa, văn nghệ và từ chính hoạt động trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Qua đó, góp phần định hướng cho thế hệ trẻ trong tiếp thu các giá trị hiện đại, phù hợp với truyền thống, rèn luyện đạo đức, lối sống và làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc.

Cùng với đó, các đơn vị, địa phương còn quan tâm nhân rộng những mô hình phát triển kinh tế, phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trong gia đình, cộng đồng ở các lĩnh vực như: Nghề truyền thống, ẩm thực dân gian… tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia. Từ đây, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, vừa tạo kênh quảng bá, giới thiệu văn hóa truyền thống địa phương một cách hiệu quả..

Văn hoá truyền thống chính là hồn cốt của quốc gia, dân tộc, nền tảng tinh thần to lớn tạo nên sự phát triển của xã hội. Bằng những việc làm cụ thể, ý nghĩa, mỗi hội viên, phụ nữ Quảng Ninh đã và đang trở thành nhân tố tiếp nối các giá trị văn hóa của dân tộc.