Phát triển nghề nuôi yến bền vững ở Kiên Giang

BVR&MT – Nghề nuôi chim yến lấy tổ ở Kiên Giang thời qua mang lại nguồn lợi đáng kể cho người nuôi, nhưng hiện tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, cần có giải pháp đồng bộ để phát triển hiệu quả, bền vững.

Nhân viên phòng tinh chế Cơ sở yến sào Du Long (thành phố Rạch Giá) chế biến sản phẩm.

Kiên Giang hiện có 2.450 hộ nuôi với 2.995 nhà nuôi chim yến, tổng diện tích sàn nuôi hơn 730.630 m², tập trung ở thành phố Rạch Giá, thành phố Hà Tiên, các huyện Châu Thành, Hòn Ðất, Kiên Lương.

Nghề… “hái lộc trời”

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Kiên Giang, với số lượng 2.995 nhà nuôi chim yến (1.721 nhà kiên cố và 1.274 nhà cải tạo), Kiên Giang là tỉnh đứng đầu cả nước về nghề này. Năm 2022, sản lượng yến sào của Kiên Giang đạt hơn 17,5 tấn; riêng sáu tháng đầu năm 2023 đạt 7 tấn. “Giá trị thương mại từ tổ yến góp phần phát triển kinh tế hộ, đóng góp vào giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, cung cấp nguồn thực phẩm bổ dưỡng và dần khẳng định thương hiệu yến sào xuất xứ Kiên Giang”, Phó Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Kiên Giang Nguyễn Đình Xuyên cho biết.

Tại Kiên Giang, hiện nhiều hộ nuôi yến đầu tư thiết bị, công nghệ, kỹ thuật theo hướng chuyên nghiệp trong dẫn dụ chim yến vào nhà để cho sản phẩm tổ yến hiệu quả. Theo một số hộ nuôi, hiện tổ yến thô có giá 16-17 triệu đồng/kg, tổ yến sơ chế từ 24-25 triệu đồng/kg, tổ yến cao cấp từ 30-35 triệu đồng/kg.

Chị Hoàng Đức Nhã, chủ cơ sở yến sào Du Long, thành phố Rạch Giá cho biết: “Gia đình có tám nhà dẫn dụ chim yến. Trung bình thu hoạch khoảng 20 kg tổ yến/tháng. So với năm 2021, sản lượng tổ yến đã giảm khoảng 30%, nguyên nhân do số lượng nhà yến tăng nhanh trong khi thức ăn của chim đang giảm, thiếu thức ăn trong tự nhiên dẫn đến việc chim yến di đàn. Mặc dù vậy, nghề nuôi chim yến vẫn mang lại lợi nhuận đáng kể cho gia đình tôi và nhiều hộ khác, nhất là hộ nuôi lâu năm”.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang, nghề nuôi chim yến chủ yếu phát sinh tự phát. Việc nuôi, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ yến chưa hình thành chuỗi giá trị để nâng cao giá trị yến sào, chưa được truy xuất nguồn gốc. Hiện, không ít nhà yến không có chim vào làm tổ, hoặc có nhưng sản lượng, thu hoạch rất thấp, số lượng nhà yến tăng mất cân đối so với tổng đàn, đàn yến có dấu hiệu giảm, rất khó khăn trong thống kê hiệu quả, bởi phần lớn các chủ nuôi thường không công bố thật số lượng. Mặt khác để một nhà yến có hiệu quả thì phải trải qua 5-7 năm mới có thể đánh giá chính xác hơn.

Ngoài ra, nghề “hái lộc trời” này còn một số bất cập như nhiều nhà yến nằm trong khu vực nội thành, khu dân cư tập trung; gần 1/2 nhà yến sử dụng không đúng công năng, được cải tạo, cơi nới từ nhà ở. Việc phát triển nuôi yến một cách ồ ạt đã phát sinh ô nhiễm tiếng ồn từ loa dẫn dụ.

Anh Nguyễn Quốc Bình (46 tuổi), ngụ phường Vĩnh Lạc, thành phố Rạch Giá về chung cư 444 Ngô Quyền, phường Vĩnh Lạc ở được hơn bảy năm nay. Đó cũng là thời gian anh phải chịu đựng tiếng ồn từ âm thanh dẫn dụ của hàng chục nhà yến chung quanh. Anh Bình than thở, nhiều lần đi công tác về khuya, mệt mỏi, chợp mắt chút thì khoảng 4-5 giờ sáng tiếng loa dẫn dụ yến rền vang và thế là không ngủ được, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Để nghề nuôi yến phát triển bền vững

Ngày 5/8/2022 HĐND tỉnh Kiên Giang ban hành Nghị quyết số 22/2022/NQ-HĐND quy định khu vực không được phép chăn nuôi, chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi và vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh. Sau đó, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định số 2297/QĐ-UBND ngày 14/9/2022 Phê duyệt “Đề án phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 tỉnh Kiên Giang”.

Theo đó, chim yến được xác định là một trong những đối tượng nuôi chính, có thế mạnh, đặc thù; phấn đấu sản lượng yến sào đạt từ 30-35 tấn vào năm 2025 và từ 35-40 tấn vào năm 2030. Từ đó, vừa định hướng, phát huy lợi thế đặc thù để phát triển, vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực nuôi chim yến, được tổ chức tuyên truyền, phổ biến và đa số nhân dân đồng tình.

Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Đình Xuyên, khó khăn là đến nay tỉnh Kiên Giang chưa có quy định vùng nuôi chim yến cụ thể. Bởi nhiệm vụ quy hoạch vùng nuôi chim yến đặt ra nhiều vấn đề do đây là loài sống tự do, phụ thuộc vào điều kiện sinh thái, nguồn thức ăn, trình độ thiết kế nhà yến, kỹ thuật dẫn dụ… Vì vậy, thời gian qua tỉnh chỉ tập trung phổ biến, hướng dẫn, chấn chỉnh để các tổ chức, cá nhân hoạt động nuôi yến chấp hành đúng quy định, nhất là quy định về thời gian, cường độ âm thanh dẫn dụ…

Để phát triển bền vững, hiệu quả nghề nuôi chim yến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thực hiện quy hoạch vùng nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái môi trường tự nhiên; nghiêm cấm phát triển trong nội ô đô thị, khu dân cư; kết hợp từng bước di dời cơ sở nuôi ra khỏi địa bàn đô thị; không cho xây mới, cơi nới, mở rộng quy mô trong khu vực không được phép chăn nuôi. Đề nghị ngành chuyên môn tỉnh tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các cơ sở, hộ nuôi, nhân rộng mô hình hiệu quả, triển khai giải pháp bảo vệ đàn chim yến tự nhiên tránh bị xâm hại, kết hợp với bảo vệ môi trường để phát triển bầy đàn. Có cơ chế quản lý và thúc đẩy liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm tổ yến để nâng cao giá trị, hạn chế tình trạng phát triển nuôi chim yến ồ ạt dẫn đến dư thừa, không nơi tiêu thụ, làm hạ giá thành tổ yến…

Ngoài ra, tỉnh mời gọi đầu tư nhà máy sản xuất chế biến các sản phẩm từ tổ yến, xây dựng thương hiệu yến sào Kiên Giang, chứng nhận sản phẩm yến sào bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngành chức năng tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nuôi chim yến, sản xuất chế biến, kinh doanh tham gia các hội chợ thương mại, hội thảo khoa học… để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm cơ hội, mở rộng thị trường cho mặt hàng yến sào, xuất khẩu tổ yến.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch tổ yến sang Trung Quốc. Chủ tịch Chi hội Yến sào Kiên Giang Trần Phước Ninh cho biết, việc chính thức ký Nghị định thư cho thấy Việt Nam đã hoàn tất quy trình đưa một trong những thực phẩm đắt giá sang thị trường Trung Quốc sau nỗ lực đàm phán giữa hai bên; mở ra cơ hội phát triển cho ngành nuôi yến. Các doanh nghiệp chế biến cần tìm hiểu kỹ, tuân thủ đầy đủ các yêu cầu, điều kiện về quản lý cơ sở nuôi chim yến, chế biến để bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Tỉnh Kiên Giang vừa phối hợp Cục Thú y tổ chức phổ biến, hướng dẫn Chi hội Yến sào Kiên Giang thực hiện Nghị định thư về xuất khẩu yến sào sang Trung Quốc. Trọng tâm là yêu cầu giám sát dịch bệnh cúm gia cầm và đăng ký định danh nhà yến.

Từ tháng 3/2023 đến nay, đã có 61 nhà yến trên địa bàn tỉnh được giám sát dịch bệnh trong thời gian 12 tháng để cung cấp yến sào cho chín doanh nghiệp đầu mối đăng ký xuất sang Trung Quốc, sản lượng khoảng từ 2-3 tấn/năm. Nếu thuận lợi, dự kiến hết tháng 3/2024 có thể xuất khẩu chính ngạch yến sào sang thị trường Trung Quốc.

Theo đề xuất của các chủ cơ sở nuôi yến, Liên minh Hợp tác xã tỉnh sẽ xem xét hỗ trợ thành lập, Hợp tác xã nuôi-xuất khẩu yến sào; đồng thời xây dựng, phát triển nhãn hiệu tập thể Yến sào Kiên Giang đạt sản phẩm OCOP 4-5 sao. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh hỗ trợ nguồn lực, kinh phí để doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu yến sào sang Trung Quốc xây dựng, chứng nhận quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn Haccp, ISO2000…

NGUỒNnhandan.vn
Tags: ,
CHIA SẺ