Nhìn lại 10 năm tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở tỉnh Phú Thọ được UNESCO ghi danh

BVR&MT – Năm nay vừa tròn 10 năm tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở tỉnh Phú Thọ được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên Hợp Quốc công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 10 năm là một khoảng thời gian không quá dài, nhưng chúng ta cũng đủ cảm nhận về niềm tự hào, những kết quả đạt được khi di sản đặc biệt quan trọng của quốc gia được thế giới vinh danh.

Người Dao treo tranh thờ và bày lễ vật lên bàn thờ Tổ tiên.

Truyền thuyết vượt biển thì kể khi đoàn người được ông Hành, ông Hội cho lên bẩy chiếc thuyền để vượt biên đi tìm đất chẳng may gặp sóng to, gió lớn bốn thuyền bị nhấn chìm, còn ba thuyền trong lúc lâm nguy, họ ngửa mặt lên trời kêu trời đất thương tình cứu giúp và hứa nếu được để cho sống thì hàng năm sẽ làm tết nhảy tạ ơn, lời kêu được linh ứng, họ chạy được vào bờ. Để tạ ơn Trời – Đất và giữ lời hứa, số người Dao này đi đến đâu cũng dựng miếu thờ ông Hành, ông Hội, tôn hai ông là thành hoàng làng và hàng năm đều tổ chức tết nhảy để cúng Bàn Vương. Trong quá trình sinh sống trên đất Phú Thọ, được cưu mang, có nơi sinh sống và thông qua giao tiếp với người bản địa qua nhiều năm, người Dao biết được Vua Hùng là Quốc Tổ của người Việt nên họ cũng đã tôn thờ Vua Hùng là Tổ tiên của mình. Vì vậy, mỗi khi lễ Tết, khi thắp hương viếng Bàn Cổ (người theo quan niệm của họ là đã sinh ra Trời – Đất) và Bàn Hồ (ông Tổ của người Dao) đồng thời người Dao cũng thành kính dâng hương cúng viếng Vua Hùng, cúng viếng vua Lê.

Người Dao thờ Thành Hoàng ở miếu và bàn thờ Tổ tiên của dòng tộc. Miếu thờ được làm đơn giản bằng 4 cọc, buộc cây bắc ngang làm sàn và phía trên đặt tấm phên đan bằng nứa đủ để đặt bát hương và mâm cỗ cúng. Mái miếu thờ thì được lợp bằng lá. Miếu thường được dựng dưới gốc cây to, nơi cao ráo hoặc trong hang đá. Bàn thờ của gia đình người Dao không to, rất đơn giản nhưng tính riêng, dấu tích nguyên sơ, bản sắc Dao thì rõ nét. Bàn thờ được làm theo hình khối lập phương có 4 chân, 3 tầng. Tầng Thượng đặt bát hương, chén nước, tầng Trung (tầng giữa) có thưng gỗ 3 mặt, trong đó để các đồ làm lễ như chuông, âm dương, xập xèng, hương, tranh (hình con chó đen, Tô tem); Tầng Hạ (tầng dưới cùng) có đôi gậy thờ, một ống bằng nứa cắm cờ đuôi nheo để dùng trong những ngày đại lễ. Ngày lễ, Tết người Dao cúng Thành Hoàng cũng là ngày người Dao cúng Vua Hùng, nội dung bài cúng đơn giản, lời lẽ nôm na:

“Trần gian có lễ dâng nhang
Tổ tiên, thần thánh, thiên đàng nhận cho
Tuy rằng nghi lễ không to
Cầu mong thần thánh đừng lo lòng thành”

Trong năm, người Dao có những ngày tiệc: Lễ xí xóa vào ngày 6 tháng Giêng (Điểm lại công việc làm ăn năm cũ, xem ai là người thực hiện tốt công việc, ai là người vi phạm những điều dân làng cấm kỵ và kê khai nhân khẩu); Rằm tháng 5; Rằm tháng 8; Cúng cơm mới; Lễ Lập tĩnh (lễ đặt tên cho nam giới); Lễ giải hạn; Đám cưới; Đám ma; Tết Nguyên đán…

Trong các bài hát cúng, người Dao đều thành kính nhắc tới Vua Hùng, vua Tổ và tự nhận mình là con dân đất Việt. Bài hát cúng của người Dao đã thể hiện điều đó khi có bài cúng Vua Tổ như sau:

“Gặp được Vua Tổ tốt lòng
Hướng dẫn người Dao biết làm đồng nương
Hai tay con lạy Vua Tổ Hùng Vương
Cho con bông lúa chín đỏ đầy nương
Ngô bắp đầy vườn, gia súc đầy sân
Người người sinh sôi, bản làng đông vui
Kính lạy Vua Tổ tối linh!”

Tấm lòng của người Dao với Tổ tiên thật sâu nặng. Vua Hùng được người Dao tôn thờ như tổ tiên của mình nên trong các ngày lễ tế cho đến cưới hỏi, tang ma…họ đều cúng trình báo tới Vua Hùng và cũng cầu mong được Vua Hùng ban phước, phù hộ cho dân làng, cho gia đình no đủ, hạnh phúc…

Trong phong tục, người Dao không làm giỗ cúng người đã chết vì cho rằng người chết “Đã về Dương Châu” (theo quan niệm của họ là nơi yên nghỉ vĩnh hằng, tươi đẹp và lý tưởng nhất cho các linh hồn), họ chỉ mời Tổ tiên “về dự” những ngày vui, ngày lễ lớn để ban phước cho con cháu.

Vua Hùng được người Dao tôn thờ như Tổ tiên của mình. Trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng Ba âm lịch), người Dao ai có điều kiện thì về Đền Hùng dự lễ. Còn ai không có điều kiện thì làm lễ bái vọng Vua Hùng ở miếu làng, ở bàn thờ gia đình.

Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. “Ăn quả nhớ người trồng cây”, biết ơn Tổ tiên đã thấm đậm trong tâm thức người Dao. Vua Hùng – Quốc Tổ của Người Việt cũng là Tổ tiên người Dao .Trong tâm tưởng, người Dao ở Phú Thọ luôn có Quốc Tổ Hùng Vương!