Nhận diện sớm các nguy cơ sạt lở, sụt lún đất

BVR&MT – Những ngày qua, tại một số địa phương khu vực miền núi phía bắc, Tây Nguyên liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở, sụt lún đất gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản cũng như ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất và đời sống của người dân. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên được xác định là do các yếu tố như: mưa lớn, địa chất và các hoạt động nhân sinh gây ra.

Báo cáo của Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy: Trong tháng 7 và những ngày đầu tháng 8/2023, tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã xảy ra 5 đợt mưa diện rộng. Riêng khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ liên tục xảy ra mưa diện rộng gây mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Tổng lượng mưa phổ biến tại khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An từ 100 đến 250 mm, một số nơi thuộc Bắc Bộ có lượng mưa lên tới hơn 300 mm. Tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, tổng lượng mưa từ 200 đến 400 mm, có nơi hơn 500 mm, đặc biệt tại Phước Long (Bình Phước) tổng lượng mưa lên đến 870 mm.

Nguyên nhân dẫn đến những vụ sạt lở ở các địa phương thời gian gần đây do nhiều yếu tố như: mưa lớn, địa chất, các hoạt động nhân sinh. Cụ thể, trong tháng 7 và những ngày đầu tháng 8/2023, tại các tỉnh Tây Nguyên tổng lượng mưa phổ biến từ 300 đến 500 mm. Lưu ý, mưa chỉ là yếu tố kích hoạt sạt lở đất, ngưỡng kích hoạt này tùy thuộc vào yếu tố địa hình, địa chất.

Phó Tổng cục trưởng Khí tượng Thủy văn, Hoàng Đức Cường

Do mưa lớn, đã xảy ra một số vụ thiên tai gây sạt lở, ngập lụt ở một số khu vực. Tại tỉnh Lâm Đồng đã ghi nhận ba vụ, gồm: sạt lở tại Hẻm 36, đường Hoàng Hoa Thám, Phường 10, thành phố Đà Lạt; sạt lở tại đèo Bảo Lộc; sạt trượt, sụt lún đất tại xã Đông Thanh (huyện Lâm Hà). Từ đầu tháng 8 đến nay, tại khu vực miền núi phía bắc tiếp tục ghi nhận các vụ sạt lở nghiêm trọng tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái…

Phó Tổng cục trưởng Khí tượng Thủy văn, Hoàng Đức Cường cho rằng: Nguyên nhân dẫn đến những vụ sạt lở ở các địa phương thời gian gần đây do nhiều yếu tố như: mưa lớn, địa chất, các hoạt động nhân sinh. Cụ thể, trong tháng 7 và những ngày đầu tháng 8/2023, tại các tỉnh Tây Nguyên tổng lượng mưa phổ biến từ 300 đến 500 mm. Lưu ý, mưa chỉ là yếu tố kích hoạt sạt lở đất, ngưỡng kích hoạt này tùy thuộc vào yếu tố địa hình, địa chất.

Thực tế vụ sạt lở đất ở Phường 10 (TP Đà Lạt) lượng mưa tích lũy 12 giờ trước khi xảy ra sạt lở khoảng 50 mm, trước 24 giờ khoảng 100 mm. Trong khi đó, vụ sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc, lượng mưa 12 giờ trước đó đạt 170 mm, 24 giờ trước đó 232 mm. Như vậy, dù lượng mưa không đáng kể những vẫn xảy ra sạt lở. Điều này cho thấy vấn đề sạt trượt phụ thuộc lớn vào đặc điểm địa hình, địa chất ở mỗi vị trí, khu vực.

Nguyên nhân tiếp theo là do yếu tố địa chất. Khu vực đồi núi cao, phân cắt mạnh về địa chất, có nhiều loại đất đá cổ bị đập vỡ nứt nẻ, tạo ra lớp vỏ phong hóa dài, nhiều lớp đất sét là điều kiện bất lợi có thể gây sạt lở đất, đá. Tiếp đến là hoạt động nhân sinh dẫn đến việc sạt lở, sụt lún do việc mở đường, san ủi để có mặt bằng nhà ở, trường học… sẽ phải thực hiện cắt ta-luy, tạo ra cắt mất chân sườn dốc là nguyên nhân kích hoạt thiên tai.

Các lực lượng chức năng đang khẩn trương khắc phục sạt lở trên tuyến giao thông huyết mạch nối Sơn La-Lai Châu. (Ảnh MINH NGUYỄN)

Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết: Những sườn núi, sườn đồi tự nhiên thì sự phong hóa đất đá xảy ra từ từ và đất đá cũng trượt lở một cách từ từ để tạo nên các sườn dốc tự nhiên và ổn định. Khi chúng ta cần không gian để phát triển, có các hoạt động thay đổi bề mặt như chuyển đất rừng thành đất để trồng cây hay san gạt đất để làm nhà, làm đường, xây dựng các hồ chứa nước, đập, thủy điện, khi có lượng mưa lớn thì nguy cơ sạt lở sẽ lớn hơn.

Do vậy, cách để chúng ta phát hiện và cảnh cáo được những điểm sạt lở này là có những dấu hiệu như: vết nứt, cây cối trên những sườn đồi, sườn núi nghiêng theo một hướng, hay có những tiếng nổ trong lòng đất thể hiện vết nứt đang phát triển. Khi phát hiện những dấu hiệu này, người dân và các lực lượng ở địa phương cần theo dõi, nếu thấy nguy cơ lớn thì phải di dời. Ngoài ra, hiện các cơ quan chỉ đạo phòng chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ tại các địa phương đều đã có những tài liệu, bản đồ về các điểm nguy cơ sạt lở cao tại địa phương mình…

hững sườn núi, sườn đồi tự nhiên thì sự phong hóa đất đá xảy ra từ từ và đất đá cũng trượt lở một cách từ từ để tạo nên các sườn dốc tự nhiên và ổn định. Khi chúng ta cần không gian để phát triển, có các hoạt động thay đổi bề mặt như chuyển đất rừng thành đất để trồng cây hay san gạt đất để làm nhà, làm đường, xây dựng các hồ chứa nước, đập, thủy điện, khi có lượng mưa lớn thì nguy cơ sạt lở sẽ lớn hơn.

Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành

Để giảm nguy cơ sạt lở, sụt lún tại một số địa phương, từ năm 2022, Việt Nam đã tiếp nhận Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét Đông Nam Á. Đây là hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét đầu tiên sử dụng dữ liệu dự báo cực ngắn và được tích hợp một lượng lớn nhiều nguồn dữ liệu khác nhau. Tổng cục Khí tượng Thủy văn cũng đã xây dựng được các bản đồ mưa giờ trên lưới 1 km x 1 km dựa trên quan trắc tự động, radar và mô hình số.

Trên cơ sở đó sẽ tính toán đưa ra các cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất trong 6 đến 24 giờ tiếp theo. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã chỉ đạo Tổng cục Khí tượng Thủy văn thực hiện cảnh báo chi tiết hóa tới các xã hoặc các điểm đối với các tỉnh đã có điều tra xác định điểm nóng về lũ quét, sạt lở đất; phối hợp các cơ quan truyền thông, báo chí để nâng cao nhận thức của cộng đồng trong ứng phó lũ quét, sạt lở đất.

Trong đó, chú trọng cung cấp cho người dân biết về các dấu hiệu, nguy cơ, nhạy cảm đối với lũ quét, sạt lở đất để có thể chủ động phòng tránh. Tổng cục Khí tượng Thủy văn cũng đề xuất tổ chức các đoàn kiểm tra tình trạng sạt lở đất, sụt lún tại hai tỉnh Hà Giang và Đắk Nông để nắm bắt cụ thể tình hình địa phương và đề xuất giải pháp xử lý sát với thực tế. Về lâu dài, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ phối hợp các địa phương thực hiện điều tra, khảo sát thực, khoanh vùng nguy cơ để thực hiện quy hoạch dân cư phù hợp, bảo đảm an toàn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Tân Văn (nguyên Viện trưởng Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng: Khi xuất hiện những dấu hiệu của sạt lở, sụt lún, chính quyền các địa phương cần thực hiện ngay việc di dời người dân ra khỏi khu vực này; kịp thời cử cán bộ kỹ thuật đến quan trắc, giám sát, theo dõi diễn biến của các vết nứt.

Chính quyền, các cơ quan chuyên môn cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng để người dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm của việc san gạt, làm mất chân sườn dốc lấy mặt bằng xây dựng. Mặt khác, đối với các dự án làm đường ngay từ đầu cần khảo sát, thiết kế, thi công các sườn dốc “nhân tạo” cẩn thận, có tính toán các hệ số an toàn và có giải pháp gia cường, phòng tránh, giảm nhẹ nguy cơ sạt lở trên các trục đường giao thông, nhất là khu vực miền núi phía bắc và Tây Nguyên, nơi dễ xảy ra hiện tượng sạt lở, sụt lún đất.

NGUỒNnhandan.vn
Tags:
CHIA SẺ