Năm lý do lùi thời gian hoàn thành dự án kết nối giao thông Tây Nguyên

BVR&MT – Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên. Theo đó, thời gian thực hiện dự án được điều chỉnh từ năm 2017 đến ngày 31/12/2024 so với hạn đích năm 2023 như phương án được phê duyệt trước đó.

Dự án cao tốc Pleiku (Gia Lai) – Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: Quang Thái/TTXVN

Theo Ban Quản lý dự án 2 (chủ đầu tư dự án), tại tờ trình gửi Bộ Giao thông vận tải ngày 30/6/2023 về việc xem xét thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, đơn vị này đã đưa ra 5 lý do của việc đề xuất điều chỉnh.

Nguyên nhân đầu tiên do độ trễ chính sách công tác giao vốn bị chậm hơn một năm. Hiệp định vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) cho dự án được ký kết ngày 27/12/2017, có hiệu lực từ ngày 22/5/2018. Tuy nhiên, đến cuối năm 2019, trên cơ sở Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 của Quốc hội bổ sung danh mục cho dự án, Quyết định điều chỉnh và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn của Thủ tướng Chính phủ và văn bản triển khai kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải mới có quyết định giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 (đợt 1) cho dự án là gần 236 tỷ đồng (vốn nước ngoài) để thực hiện.

Nguyên nhân thứ hai là do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Dự án bắt đầu thực hiện khảo sát, thiết kế kỹ thuật từ 30/8/2019 – 7/8/2021, bắt đầu giải phóng mặt bằng từ tháng 11/2020; khởi công tháng 7/2021. Ảnh hưởng bởi dịch bệnh, việc khảo sát thiết kế, huy động tư vấn giám sát quốc tế, thi công xây lắp có những lúc phải tạm dừng do quy định hạn chế đi lại để phòng dịch (tạm dừng lần 1 từ tháng 3 – 6/2020 và lần 2 từ tháng 5 – 7/2021). Về giải phóng mặt bằng cũng không đáp ứng được yêu cầu do địa phương (thành phố Pleiku, huyện Đak Pơ, huyện Đak Đoa và thị xã An Khê) tạm dừng tất cả các hoạt động tập trung nhiều người, dẫn đến không thể triển khai tham vấn người dân cho từ tháng 11/2020 – 7/2021.

Lý do thứ ba là tác động của thời tiết. Nếu thông thường mùa mưa kéo dài từ tháng 5 – 11 hàng năm với lượng mưa trung bình là 315 mm/tháng thì mùa mưa năm 2022 kéo dài từ tháng 5 đến hết tháng 12 với lượng trung bình tăng lên là 372 mm/tháng. Có những thời điểm số ngày mưa kéo dài 28/30 ngày, lượng mưa trung bình là 476 mm.

Nguyên nhân thứ tư là do ảnh hưởng của tiến độ thiết kế kỹ thuật. Cuối cùng là do những khó khăn phát sinh trong quá trình thi công.

Điển hình là gói thầu XL01 nằm trên đoạn đèo An Khê có địa hình, địa chất phức tạp nên trong quá trình thiết kế kỹ thuật. WB đã đề nghị có các giải pháp kỹ thuật đặc thù để xử lý mái taluy, đảm bảo ổn định, an toàn nên việc xem xét, thống nhất phê duyệt thiết kế kỹ thuật kéo dài, thời gian thực hiện cho đến khi đóng hiệp định chỉ còn 13 tháng. Việc triển khai gói thầu XL01 với các yêu cầu kỹ thuật đặc thù, phức tạp nên cần phải gia hạn thời gian thực hiện.

“Ngoài ra, việc cấp phép khai thác đất đắp kéo dài hơn dự kiến do công tác quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản (đất đắp) được siết chặt. Đặc biệt, từ ngày 8/3/2023, Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản tạm thời chưa xem xét cấp phép, gia hạn khai thác đất san lấp đối với một số mỏ đất để rà soát thủ tục cấp phép liên quan và xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền trước khi tiếp tục cấp phép lại. Một số gói thầu xây lắp trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện đang thiếu nguồn đất đắp nên không đáp ứng được tiến độ thi công phần nền đường”, Ban Quản lý dự án 2 cho hay.

Thông tin thêm về tình hình triển khai dự án, Ban Quản lý dự án 2 cho biết, tính đến cuối tháng 6/2023, sản lượng thi công dự án đạt 59% giá trị hợp đồng (không tính dự phòng), chậm 38% so với tiến độ hợp đồng được chấp thuận lần đầu và chậm 11% so với tiến độ điều chỉnh.

Tính đến hết tháng 6/2023, diện tích mặt bằng địa phương đã bàn giao cho dự án là 143 km đạt 99,6%. Còn lại 0,5 km chưa bàn giao do phát sinh vướng mắc về mặt bằng thi công thuộc gói thầu XL01, XL02; trong đó, gói XL01 (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) đã bàn giao 100% mặt bằng nhưng thực tế còn vướng khoảng 2,5 km dân chưa cho thi công.

Gói thầu XL02 chưa bàn giao mặt bằng 500 m, gồm: 300 m trên địa bàn huyện Đăk Pơ, Gia Lai do mới phê duyệt phương án đền bù và đang tiến hành chi trả cho các hộ dân; 10 vị trí trụ điện, 1 trạm biến áp chưa di dời; 200 m thuộc địa bàn thị xã An Khê.

Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên đặt mục tiêu nâng cấp 127 km Quốc lộ 19 và xây dựng mới khoảng 27 – 35 km tuyến tránh trên địa bàn hai tỉnh: Bình Định và Gia Lai. Tổng vốn đầu tư gần 155,8 triệu USD; trong đó, vốn vay Hiệp hội Phát triển quốc tế của WB là 150 triệu USD; vốn đối ứng tương đương 3,7 triệu USD; viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia cho công tác thiết kế kỹ thuật là 2,1 triệu USD.

Theo phương án thiết kế, đối với đoạn thông thường, dự án được đầu tư với bề rộng mặt đường là 11 m, hai làn xe cơ giới. Đoạn qua khu đông dân cư dài gần 15 km (thuộc đoạn Km 51+152 – Km 90+000 và Km 131+300 – Km 160+000) được đầu tư quy mô hai làn xe, bề rộng mặt đường 13 m.

Đoạn tuyến qua khu đông dân cư khác dài khoảng 21km (thuộc đoạn Km 180+000 – Km 241+000) được đầu tư quy mô hai làn xe, mặt đường rộng 11 m. Riêng đoạn nối thị trấn Đắk Đoa và thành phố Pleiku (Km 155+000 – Km 160+000) được đầu tư quy mô 4 làn xe cơ giới, bề rộng mặt đường 14 m. Đối với đoạn qua đèo An Khê, quy mô mặt đường được thiết kế với hai làn xe cơ giới, bề rộng mặt đường là 8 m.