Mặn vào vùng ngọt Cà Mau, dân thiếu nước sản xuất

BVR&MT – Nước mặn luồn qua cống ngăn mặn, tiến sâu hàng km vào vùng sản xuất ngọt hóa của tỉnh Cà Mau. Nguy cơ thiếu nước ngọt tưới cho đồng ruộng là khó tránh khỏi.

Cống Trùm Thuật gặp sự cố rò rỉ mặn vào vùng ngọt.

Chiều 17/1, khoảng 80 lực lượng trong Trung đội cơ động và Dân quân tự vệ của xã Khánh Hải (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) tiếp tục tham gia đắp con đập nằm phía sau cống Trùm Thuật (ấp Trùm Thuật A, xã Khánh Hải), nhằm ngăn nước mặn tiến sâu vào vùng nội đồng của xã này. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp, lực lượng nêu trên cùng các thiết bị chuyên dụng tham gia đắp đập.

Trước đó, vào tối 14/1, nước mặn từ sông Ông Đốc chảy luồn qua đáy cống Trùm Thuật, tiến vào nhiều con kênh vùng nước ngọt của xã Khánh Hải. Đây là vùng sản xuất hệ ngọt, thuộc Tiểu vùng 3 phía bắc tỉnh Cà Mau. Ông Nguyễn Tuấn Kiệt, hộ dân đầu kênh Trùm Thuật, kể: “Nước mặn tràn vô, cá vùng nước ngọt bị sốc nước mặn, nổi đầu hàng loạt. Người dân phát hiện nên hè nhau đi vớt cá đồng dưới kênh, một người bán cả triệu đồng, ước có hàng chục tấn cá”.

Lực lượng chức năng đắp đập tạm phía sau cống Trùm Thuật để ngăn mặn tiến sâu vào nội đồng.

Ngành chức năng Cà Mau chưa có thống kê cụ thể sự cố cống Trùm Thuật khiến nước mặn vào vùng ngọt bao xa, nhưng qua ghi nhận của chúng tôi, ước tính từ đầu cống Trùm Thuật vào tuyến kênh Trùm Thuật hơn 4 km, cây lục bình đã bị héo úa và chết. Theo lời người dân, cây lục bình là loại chuyên sống vùng ngọt và chỉ bị chết khi gặp nước mặn. Điều đó cũng đồng nghĩa, nước mặn đã luồn vào ít nhất chừng ấy km.

Ông Nguyễn Văn Nỉ, hộ dân có đồng lúa Đông Xuân gần cống Trùm Thuật, lo lắng: Trong ấp còn nhiều đồng lúa đang trổ bông, người dân phải bơm nước bổ sung vào đồng lúa, nếu mặn vào sâu thì không có nước cấp cho lúa, ảnh hưởng năng suất là điều khó tránh khỏi, thậm chí có thể thất thu.

Theo đại diện Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau cho biết: Thực trạng nước mặn xâm nhập qua cống Trùm Thuật mới làm chết cá đồng ngoài kênh, chưa ảnh hưởng đến sản xuất của bà con. Tuy nhiên, ngành chức năng cũng đang lo lắng cho việc nước mặn lắng đọng có thể ảnh hưởng tới vụ mùa tiếp theo nên sau khi khắc phục xong sự cố sẽ tính tới giải pháp rửa mặn cho tuyến kênh Trùm Thuật.

Cũng theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, không riêng gì cống Trùm Thuật mà phần lớn hệ thống cống ngăn mặn, giữ ngọt dọc tuyến đê Sông Đốc trên địa bàn huyện Trần Văn Thời, đa phần được thiết kế theo công nghệ cống vùng thủy triều thấp, khoảng 1,2 m. Do nắng hạn gay gắt nên kênh rút nước nhanh chỉ còn khoảng 0,3 m, trong khi nước mặn bên ngoài lên cao, chênh lệch mực nước có lúc hơn 2 m, gây áp lực làm nước chảy xoáy, xói lở phần dưới đáy cống. Vị trí xói lở ngày càng khoét rộng hơn phía dưới bản đáy cống gây nên tình trạng mặn xâm nhập vào vùng ngọt.

Nhiều tuyến kênh vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời cạn nước ngọt.

Giám sát lực lượng chức năng xử lý sự cố cống Trùm Thuật vào chiều 17/1, ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết: Trước mắt, ngành nông nghiệp tỉnh chỉ đạo lực lượng chuyên trách cho đóng các cống tiểu vùng trên địa bàn xã Khánh Hải, đồng thời huy động phương tiện, lực lượng đắp đập tạm phía sau cống Trùm Thuật nhằm ngăn nước mặn tràn vào, và dùng máy bơm nước mặn ra bên ngoài để mặn không tiến sâu hơn. Song hành với đó, chúng tôi cũng tiến hành rà soát tất cả hệ thống cống ngăn mặn, trữ ngọt trên địa bàn các vùng ngọt hóa của tỉnh xem còn cái cống nào gặp sự cố để có giải pháp can thiệp, không để mặn xâm vào vùng ngọt, phương hại sản xuất người dân.

Dự báo của cơ quan chức năng, mùa khô 2019-2020, hạn-mặn sẽ rất khốc liệt không thua gì năm 2016. Vì thế, tỉnh Cà Mau đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, bên cạnh các giải pháp kỹ thuật và giải pháp công trình, tỉnh này đang thực hiện việc chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp trong điều kiện thiếu nước vì hạn-mặn.

Lộ nông thôn trên địa bàn xã Khánh Hải bị sụp lún, hư hỏng vì khô hạn sớm.

Nhà nông Cà Mau đang lo lắng bởi hạn, mặn đến sớm hơn mọi năm. Mặn sớm và độ mặn tăng cao đã khiến hơn 13 nghìn ha trong tổng số hơn 36 nghìn ha lúa gieo trồng trên đất nuôi tôm của người dân Cà Mau bị thiệt hại, mức độ ảnh hưởng năng suất từ 30 đến 70%. Nhà nông tỉnh này cũng đang đứng ngồi không yên bởi hơn 30 nghìn ha vụ lúa đông xuân trước nguy cơ thiếu nước sản xuất vì hạn hán đến sớm. Cũng vì lý do trên mà đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 16 nghìn ha lúa của vụ đông xuân tại Cà Mau bị thiệt hại, mức độ từ 30 đến 70%.

Ngoài cây trồng, vật nuôi hệ sinh thái ngọt bị ảnh hưởng, tình trạng hạn-mặn sớm còn khiến nhiều tuyến kênh, rạch trữ nước ngọt trên địa bàn tỉnh Cà Mau bị cạn nước, không đủ nước ngọt phục vụ tưới tiêu cho đồng ruộng. Tình trạng trên cũng làm sụp, lún và hư hỏng lộ giao thông nông thôn. Đây cũng là điều đã được ngành chức năng tỉnh dự báo từ trước bởi trận hạn-mặn lịch sử năm 2016, tình trạng tương tự đã xảy ra, khiến hàng chục nghìn km đường ở Cà Mau bị sụp lún, hư hỏng.