Làm rõ trách nhiệm nhiều cán bộ trong quy hoạch 3 loại rừng

BVR&MT – Sau 2 quyết định về quy hoạch 3 loại rừng, tỉnh Lâm Đồng vẫn còn hàng ngàn ha rừng thuộc diện đưa vào – đưa ra quy hoạch không phù hợp.

UBND TP Đà Lạt, Bảo Lộc và các huyện Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Đức Trọng, Cát Tiên vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khắc phục các tồn tại, hạn chế, yêu cầu xem xét trách nhiệm, tổ chức họp kiểm điểm các cá nhân và đơn vị liên quan đối với các tồn tại, hạn chế được kết luận Thanh tra số 22/KL-TTr của Thanh tra tỉnh Lâm Đồng chỉ ra. Riêng TP Đà Lạt đã ban hành quyết định thành lập tổ công tác theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận này.

Kết luận Thanh tra số 22/KL-TTr đề cập những tồn tại, hạn chế trong việc đề xuất UBND tỉnh ban hành 2 quyết định điều chỉnh 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh.

Một khu vực rừng thuộc phường 3 và phường 4, TP Đà Lạt

Theo đó, năm 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tham mưu UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 2016/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đất sản xuất lâm nghiệp và 3 loại rừng giai đoạn 2016-2025 định hướng 2030 với tổng diện tích rừng là 596.476 ha. Sau 3 năm rà soát, sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định điều chỉnh số 503/QĐ với tổng diện tích quy hoạch 3 loại rừng là 596.642 ha (tăng 166 ha).

Theo Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, đối với Quyết định 2016/QĐ-UBND có 669 ha đất rừng được đưa ra khỏi quy hoạch không phù hợp. Còn đối với Quyết định điều chỉnh số 503/QĐ-UBND, có hơn 835 ha đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng không phù hợp. Quá trình sử dụng đất và các tài liệu liên quan hoặc quá trình rà soát đưa vào lại quy hoạch nhưng không rõ căn cứ đưa vào.

Thanh tra tỉnh cũng phát hiện tại các địa phương thuộc tỉnh có gần 1.115 ha đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng hiện nay vẫn còn nằm trong quy hoạch 3 loại rừng.

Bên cạnh đó, tại 6 địa phương gồm TP Bảo Lộc, các huyện Đức Trọng, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên có gần 3.265 ha có khả năng xem xét đưa vào quy hoạch 3 loại rừng nhưng UBND các địa phương chưa rà soát nguồn gốc, quá trình sử dụng đất và hồ sơ liên quan để xem xét.

Thanh tra tỉnh kết luận nguyên nhân các tồn tại, hạn chế là do Sở NN-PTNT chưa phối hợp chặt chẽ, thống nhất về tài liệu, số liệu; việc phối hợp giữa các đơn vị, địa phương liên quan chưa chặt chẽ, chưa làm hết trách nhiệm.

Do vậy, kết quả rà soát quy hoạch 3 loại rừng vẫn không giải quyết được thực trạng diện tích đất sản xuất nông nghiệp còn nằm trong lâm nghiệp, một số diện tích đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng còn trong quy hoạch lâm nghiệp… cùng nhiều tồn tại khác.

Trách nhiệm thuộc giám đốc, phó giám đốc phụ trách, tổ công tác của Sở NN-PTNT qua các thời kỳ trong việc tham mưu trực tiếp cho UBND tỉnh; chủ tịch, phó chủ tịch phụ trách UBND các địa phương liên quan, Công ty Cổ phần Tư vấn Lâm – Nông nghiệp Lâm Đồng cùng các đơn vị chủ rừng chịu trách nhiệm liên đới.

Từ đó, Thanh tra tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với UBND các địa phương và đơn vị phân tích tồn tại hạn chế, rà soát lại hồ sơ pháp lý để tham mưu lãnh đạo tỉnh xử lý các bất cập trong công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp trên địa bàn.