Hải Dương: Chăm sóc rừng đặc dụng, phòng hộ tươi xanh

BVR&MT – Ban Quản lý rừng tỉnh Hải Dương và các đơn vị trồng rừng đang chủ động chăm sóc, bảo vệ hơn 8 ha rừng đặc dụng, phòng hộ tại xã Hoàng Hoa Thám và phường Văn An (Chí Linh).

Cán bộ Ban Quản lý rừng tỉnh Hải Dương kiểm tra việc chăm sóc diện tích trồng rừng phòng hộ trên đỉnh núi Tam Ban, ở thôn Thanh Mai, xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh)

Cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt

Từ đầu tháng 3 này, ông Lục Văn Minh và những người dân trong thôn Thanh Mai, xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh) bắt đầu lên khu vực đỉnh núi Tam Ban ở cùng thôn để tiến hành chăm sóc hơn 6 ha rừng phòng hộ mới trồng. Đây là khu vực có địa hình sỏi đá, núi cao, dốc, đi lại khó khăn nên việc chăm sóc rừng trồng mất nhiều thời gian, công sức. Muốn lên đỉnh núi Tam Ban cao gần 600 m chỉ có cách duy nhất là đi bộ theo đường mòn nhỏ hẹp. Công việc chăm sóc cây trồng gồm phát dọn thực bì, dây leo, cây bụi, cỏ dại xâm lấn và vun xới gốc.

“Làm thuê cho đơn vị thi công, mỗi ngày chúng tôi chỉ làm được khoảng 5 giờ vì thời gian lên xuống núi mất tới 3 giờ và còn phải đem theo dụng cụ, đồ ăn, nước uống, chưa kể thời gian nghỉ ngơi. Từ đầu tháng 3 đến nay chúng tôi mới lên núi được 5 ngày, do nhiều ngày trời mưa, đường trơn không đi được. Nếu thời tiết thuận lợi, phải mất từ 10-15 ngày nữa 5 người chúng tôi mới chăm sóc xong toàn bộ diện tích”, ông Minh chia sẻ.

Diện tích rừng mới trồng này thuộc Dự án trồng rừng thay thế do Ban Quản lý rừng tỉnh Hải Dương làm chủ đầu tư, triển khai từ tháng 3/2021, với tổng mức đầu tư hơn 1,1 tỷ đồng từ nguồn kinh phí trồng rừng thay thế do các chủ dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Dự án trồng hơn 13.500 cây thông mã vĩ với diện tích 8,03 ha gồm hơn 6 ha đất trống, đồi trọc, đá lộ đầu trên đỉnh núi Tam Ban và 2 ha chuyển đổi từ trồng cây ăn quả sang trồng rừng đặc dụng trên núi Phượng Hoàng thuộc phường Văn An (Chí Linh).

Qua 3 năm trồng, chăm sóc, cây thông đạt tỷ lệ sống hơn 90% và đang sinh trưởng, phát triển tốt. Có những cây đạt chiều cao trên 1 m, thậm chí 2,5 m. Đơn vị trồng rừng đang thực hiện việc chăm sóc năm thứ 3 lần 1. Sau 4 năm, Ban Quản lý rừng tỉnh sẽ nghiệm thu, nếu bảo đảm mật độ, tiêu chuẩn theo đúng hồ sơ thiết kế, đơn vị tiếp tục giao cho các hộ nhận khoán rừng trông coi, bảo vệ.

Ông Nguyễn Văn Tuyến, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng tỉnh Hải Dương cho biết mục tiêu của dự án nhằm nâng cao chất lượng rừng, bảo đảm chức năng phòng hộ và bảo vệ cảnh quan môi trường của hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trên địa bàn TP Chí Linh. Đồng thời tuyên truyền hộ nhận khoán cũng như nhân dân địa phương chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng trồng thay thế này.

Nhiều tiềm năng phát triển rừng

Hải Dương hiện có 11.161,2 ha rừng và đất quy hoạch phát triển lâm nghiệp. Trong đó có 1.543,4 ha rừng đặc dụng, 4.662,7 ha rừng phòng hộ, 4.955,1 ha rừng sản xuất. Đất có rừng là 9.250 ha, gồm 2.241 ha rừng tự nhiên và 7.009 ha rừng trồng. Đất quy hoạch phát triển rừng là 1.911,2 ha.
Mỗi năm, đơn vị trồng rừng tổ chức chăm sóc cây mới trồng 2 lần vào các tháng 3-4 và 9-10

Cùng với việc bảo vệ ổn định diện tích rừng hiện có, Hải Dương luôn quan tâm công tác phát triển rừng. Trong đó chú trọng phủ xanh đất trống, đồi trọc để tăng độ che phủ rừng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 6/2024/QĐ-UBND ngày 14/3/2024 về ban hành đơn giá trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đơn giá 1 ha trồng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng trồng sang mục đích khác là 134.258.000 đồng. Đối với chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên, đơn giá trồng rừng thay thế được tính bằng 3 lần đơn giá rừng trồng.

Dự án trồng rừng thay thế góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc

Đây là căn cứ tính số tiền nộp vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh để tổ chức thực hiện trồng rừng thay thế trong trường hợp chủ dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác mà không có điều kiện tự thực hiện trồng rừng thay thế.

Trước đây, đơn giá trồng rừng thay thế được thực hiện theo Quyết định số 20/2018/QĐ-UBND ngày 17/9/2018 của UBND tỉnh. Nhưng đến ngày 25/9/2023, UBND tỉnh ra Quyết định số 31 bãi bỏ Quyết định số 20 vì đơn giá trồng rừng thay thế được xây dựng từ năm 2018 không còn phù hợp với hiện tại.

Việc ban hành đơn giá mới cũng là căn cứ để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan, đơn vị và các chủ dự án có căn cứ để tiếp tục triển khai các dự án trồng rừng thay thế mới phù hợp quỹ đất quy hoạch phát triển rừng nhằm bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Tags: ,
CHIA SẺ