Hà Giang: Nhân rộng các mô hình kinh tế nông, lâm nghiệp hiệu quả ở Quang Bình

BVR&MT – Những năm qua, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huyện Quang Bình đã xây dựng đa dạng các chương trình, mô hình phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp. Cũng từ đây, nhiều mô hình sản xuất được đánh giá khá hiệu quả, mang tính liên kết, tạo ra sản phẩm hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân.

Nhờ việc áp dụng mạ khay, máy cấy, năng suất lúa của huyện Quang Bình đạt 59,8 tạ/ha.

Trước đây, theo tập quán canh tác cũ, bà con các xã Tân Nam, Tiên Nguyên, Bản Rịa, Yên Thành, Nà Khương và Xuân Minh chỉ gieo cấy duy nhất 1 vụ lúa Mùa trong năm, đất để hoang nên rất lãng phí. Trên cùng thửa đất đó, nay đã thành 2 vụ, vào vụ Xuân, người dân gieo trồng cây lạc, ngô, Bí đỏ, Dưa hấu. Khi bắt đầu triển khai vào năm 2017, chương trình trồng cây trên đất 1 vụ lúa mới đạt 1,07 ha nhưng đến năm 2022 tổng diện tích thực hiện lên đến gần 100 ha. Với tín hiệu tích cực dựa trên năng suất, giá trị thu nhập mà các loại cây trồng đem lại, đặc biệt như cây Dưa hấu đạt 120 – 130 triệu đồng/ha, một số xã đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển cây trồng trên đất 1 vụ. Đây là tiền đề tiến tới sản xuất hàng hóa theo chuỗi liên kết, giúp người dân các xã vùng khó khăn giảm nghèo bền vững.

Đến các xã trọng điểm trồng lúa, kể từ khi áp dụng chương trình mạ khay, máy cấy trên đồng ruộng, người dân vừa giảm được chi phí mua giống, vừa tiết kiệm thời gian, công sức lao động. Việc ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trên các cánh đồng mẫu lớn thực hiện theo 5 cùng, giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển đồng đều, cho năng suất, sản lượng tăng lên đáng kể. Để đáp ứng yêu cầu mạ khay, máy cấy cho nông dân ngày càng mở rộng, các xã Vĩ Thượng, Tiên Yên, Bằng Lang, Tân Trịnh hình thành 4 tổ sản xuất, dịch vụ nông nghiệp. Vụ Xuân năm nay, dù không còn nguồn hỗ trợ của huyện nhưng các tổ vẫn duy trì ổn định, sản xuất được 43.280 khay mạ, gieo cấy 193 ha lúa, hứa hẹn mùa vàng bội thu.

Bên cạnh lĩnh vực trồng trọt, sau 3 năm thực hiện chương trình phát triển kinh tế dựa trên kết quả, toàn huyện có 34 trang trại, gia trại chăn nuôi trâu, lợn, gà, vịt, cá thương phẩm. Các hộ đã chủ động mở rộng quy mô chăn nuôi và liên kết với nhau để tiêu thụ sản phẩm làm ra. Việc triển khai chương trình tạo nên phong trào thi đua phát triển kinh tế trong nhân dân. Nhiều gia trại cho thu nhập hàng năm trên 200 triệu đồng, điển hình như: Mô hình nuôi gà của gia đình anh Hoàng Xuân Nhất, Hà Văn Thung xã Vĩ Thượng, ông Hoàng Văn Pháo xã Xuân Giang.

Để thúc đẩy phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm, ngoài việc triển khai theo chính sách chung của tỉnh, UBND huyện Quang Bình đã chủ động xây dựng cơ chế đặc thù triển khai các chương trình, mô hình phù hợp với điều kiện của địa phương. Đến nay, có 8 chương trình, 4 mô hình được triển khai và phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, một số chương trình trồng cây vụ Đông, khảo nghiệm cây Sa nhân chưa khuyến khích người dân tham gia, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn chậm, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Đồng chí Tăng Trung In, Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình cho biết: “Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, đẩy mạnh phát triển chuỗi giá trị với quy mô ngày càng lớn, đi đôi sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn mác, thương hiệu các sản phẩm chủ lực của huyện. Trên cơ sở đánh giá thực trạng, những khó khăn, ngành Nông nghiệp và các xã, thị trấn đưa ra các giải pháp, cách làm hay duy trì, phát triển các chương trình, mô hình đảm bảo thực chất, chiều sâu, không dàn trải, phù hợp với điều kiện tự nhiên, lợi thế của từng vùng, ưu tiên xây dựng sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch”.