Giúp người dân biên giới Tây Nguyên xóa đói, giảm nghèo

BVR&MT – Vùng biên giới Tây Nguyên đang khởi sắc từng ngày, những vùng chiến địa ngày xưa khốc liệt nay trải dài một mầu xanh cây trái, đời sống của bà con đồng bào các dân tộc ổn định, phát triển. Thành quả đó có công sức đóng góp rất lớn của cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vũ trang các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Quân đoàn 3 và Binh đoàn 15.

Niềm vui của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai khi cây lúa xen canh được mùa.

Đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên có truyền thống đoàn kết, một sức mạnh nội lực to lớn, vượt lên khó khăn, góp phần cùng toàn dân, toàn quân ta chiến thắng kẻ thù xâm lược, bảo vệ quê hương và chiến thắng sự khắc nghiệt của thiên nhiên để chung sức phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Kế thừa và phát huy truyền thống quý báu này, thời gian qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15, Quân đoàn 3, Bộ Chỉ huy quân sự, Biên phòng các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum đã lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị tích cực bám dân, vận động bà con chuyển đổi phương thức canh tác, từ “chặt, đốt, chọc, tỉa”, sang trồng cây lúa nước, cây công nghiệp lâu ngày như: cà-phê, cao-su, điều… theo phương châm trồng cây xen canh, lấy ngắn nuôi dài hiệu quả.

Đại tá Hoàng Văn Sỹ, Tư lệnh Binh đoàn 15 cho biết: Đứng chân trên địa bàn vùng biên giới các tỉnh Tây Nguyên, thời gian qua, Binh đoàn 15 đã quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”…, đã có nhiều sáng kiến, nhiều phong trào và mô hình thực hiện có hiệu quả.

Bên cạnh mô hình “gắn kết hộ” (hộ công nhân người Kinh gắn kết với hộ người dân tộc thiểu số) hiệu quả không chỉ mang lại về kinh tế mà còn cả lĩnh vực chính trị, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh thì gần đây mô hình “cây lúa trên đất tái canh” của Binh đoàn đã đem lại những hiệu quả thiết thực, giúp người dân địa phương phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Đặc biệt, mô hình “hũ gạo gắn kết” của Công ty 72, kết quả không chỉ “tiếp sức” cho các hộ nghèo khó trên vùng biên giới phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, mà còn thắt chặt tình đoàn kết quân dân. Hiệu quả từ các mô hình nêu trên chính là ngọn lửa giữa đại ngàn Tây Nguyên được nhen lên rồi bùng sáng mạnh mẽ, lan tỏa nhanh, củng cố tình đoàn kết quân dân, tình đoàn kết anh em giữa người Kinh với bà con đồng bào dân tộc thiểu số.

Có mặt tại xã biên giới Kla, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, chúng tôi chứng kiến cuộc sống người dân nơi đây đã có những chuyển biến tích cực. Từ một xã nghèo đói, tình hình an ninh chính trị có những lúc diễn biến phức tạp, nhưng đến nay nhờ sự tiếp sức của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện Đức Cơ, Bộ đội Biên phòng Gia Lai và Công ty 74 (Binh đoàn 15), cho nên không còn người vượt biên trái pháp luật, không có người đi theo cái gọi là “Tin lành Đêga”, đời sống kinh tế, xã hội phát triển. Hơn 637ha đất cao-su tái canh đã được Công ty 74 tạo điều kiện để bà con trồng lúa nương, với năng suất 5 tấn/ha, đã góp phần ổn định đời sống cho người dân.

Không giấu được niềm vui trên khuôn mặt, ông Ksor Yom, già làng Ghè mừng vui cho biết: “Nhờ bộ đội vận động, hướng dẫn, trao tặng bò giống sinh sản, lại tạo điều kiện hỗ trợ giống, phân bón để người dân trồng lúa trên đất tái canh cây cao-su, cho nên bà con trong làng có thêm cái ăn, không lo cái đói. Kinh tế phát triển, tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt, hủ tục lạc hậu không còn”.

Nhằm giúp cấp ủy, chính quyền địa phương và đồng bào các dân tộc vươn lên xóa đói, giảm nghèo, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 đã đổi mới và làm tốt công tác dân vận, tập trung vào những nhiệm vụ trung tâm, những địa bàn bà con dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Quân đoàn 3 đã triển khai các đơn vị đầu mối cấp Tiểu đoàn, với hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ về cùng ăn, cùng ở, cùng làm và giúp đỡ người dân các buôn làng ở Ngọc Hồi (Kon Tum), Phú Thiện, Đăk Đoa (Gia Lai), Hoài Nhơn (Bình Định), Ea H’Leo (Đắk Lắk)…, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giúp người dân làm mới và tu sửa hàng nghìn mét đường bê-tông nông thôn, đường liên thôn; di dời, sửa chữa, làm mới 45 ngôi nhà cho các hộ gia đình chính sách, 10 nhà rông, hơn 150 nhà ở; khai hoang và bàn giao 5ha đất cho bà con; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 2.350 lượt người.

Trong chuyến công tác đến làng Le – làng của bà con người Rơ Măm trên vùng biên giới Kon Tum, gặp chúng tôi ông A Thái – Trưởng thôn cho biết: Đồng bào Rơ Măm ở làng Le hiện có gần 178 hộ, với hơn 550 nhân khẩu, chiếm gần 10% số dân của xã Mô Rai.

Những năm qua, bà con dân tộc được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình, nhất là bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình; được Bộ đội Công ty 78 (Binh đoàn 15) ưu tiên tuyển làm công nhân, cho học nghề, hỗ trợ cây giống…, lại được bộ đội biên phòng và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh Kon Tum hướng dẫn trồng, chăm sóc, thu hoạch lúa nước, cao-su, cây mì (cây sắn)…, cho nên đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày được nâng cao.

Theo đồng chí Dương Văn Trang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, thời gian qua, bằng nhiều hình thức sáng tạo, cách làm hay, Binh đoàn 15, Quân đoàn 3, Bộ Chỉ huy quân sự, Biên phòng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng đã phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở; nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức quần chúng; giúp đỡ nhân dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số bài trừ hủ tục, xây dựng nếp sống mới, khắc phục hậu quả thiên tai, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo…

Những việc làm thiết thực, hiệu quả, nghĩa tình của bộ đội đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, tăng cường tình đoàn kết quân dân, làm vẻ vang thêm truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng.