Gia Lai gỡ khó cho hợp tác xã nông nghiệp

BVR&MT – Hiện nay, các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động; chưa phát huy hết được tiềm năng và lợi thế.

Do đó, để các hợp tác xã nông nghiệp phát huy hiệu quả, tỉnh Gia Lai đã định hướng nhiều giải pháp, gỡ khó từ cơ chế chính sách đến hỗ trợ kỹ thuật và tài chính.

Mô hình trồng rau thủy canh của Công ty Hương Đất An Phú, thành phố Pleiku, Gia Lai. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN

Hoạt động hạn chế, thiếu hiệu quả

Thông tin từ Liên minh Hợp tác xã tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh hiện có 329 hợp tác xã nông nghiệp trong tổng số 411 hợp tác xã, chiếm 80% với hơn 10.000 thành viên. Các hợp tác xã nông nghiệp chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực như: trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp chưa như mong muốn, vẫn hiện hữu những hạn chế nhất định do quy mô nhỏ; cơ sở vật chất, trình độ khoa học công nghệ, tiềm lực tài chính yếu; mối quan hệ giữa hợp tác xã và các thành viên còn thiếu sự gắn kết; đội ngũ cán bộ quản lý chưa được đào tạo cơ bản và ít được cập nhật kiến thức mới…

Điển hình là Hợp tác xã Nông nghiệp Tiên Phong Kbang (thị trấn Kbang, huyện Kbang) với 14 thành viên đầu tư mô hình trồng vải VietGAP để cung cấp cho các siêu thị và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tiên Phong Kbang, từ khi được thành lập vào năm 2021 đến nay, hoạt động của hợp tác xã gặp rất nhiều khó khăn do vốn đóng góp của các thành viên ít; chưa tiếp cận được nguồn vốn vay; thị trường không ổn định, giá cả bấp bênh khiến cho đầu ra sản phẩm không hiệu quả. Đây chính là nút thắt khiến cho hợp tác xã khó thu hút thêm được thành viên tham gia để phát triển.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Mậu Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Liên minh Hợp tác xã tỉnh Gia Lai cho rằng, hoạt động kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh chưa có chuyển biến mang tính đột phá, còn nhiều hạn chế. Trong 5 tháng đầu năm 2023, việc vận động các thành viên và người lao động tham gia hợp tác xã chưa nhiều; các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các hợp tác xã với nhau và giữa hợp tác xã với doanh nghiệp còn ít, nội dung nghèo nàn. Bên cạnh đó, việc quản lý và điều hành của các cấp quản lý hợp tác xã còn yếu kém, thiếu sự quan tâm của các cấp chính quyền và các ngành chức năng. Việc xây dựng thương hiệu sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm rất hạn chế.

Định hướng nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển

Những nông trại cà phê trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện đã được sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN

Để khắc phục những khó khăn trên, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn phát triển. Nhờ đó, thời gian qua, đã khuyến khích được nhiều hợp tác xã chủ động gắn sản xuất với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ. Đến nay, đã có 8 sản phẩm của 4 hợp tác xã được chứng nhận OCOP 4 sao (Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”) và 24 sản phẩm của 15 hợp tác xã được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Ông Lê Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang cho biết: Địa phương đã chỉ đạo các ngành chuyên môn hỗ trợ 13 hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn xây dựng phương án sản xuất kinh doanh – dịch vụ; lựa chọn, xác định ngành nghề, lĩnh vực hoạt động phù hợp; quan tâm hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật; xây dựng thương hiệu, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc trưng thông qua các kênh hội chợ, cửa hàng OCOP – Nông sản tiêu biểu, sàn giao dịch thương mại điện tử… Ngoài ra, địa phương sẽ tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp, nhà đầu tư để có giải pháp hỗ trợ các hợp tác xã liên kết, phát triển vùng nguyên liệu; đầu tư, bao tiêu sản phẩm đầu ra của hợp tác xã theo chuỗi giá trị.

Riêng đối với huyện Đức Cơ, những năm gần đây, địa phương đã tập trung hỗ trợ pháp lý, hồ sơ, cũng như hướng dẫn các hợp tác xã nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương. Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng thương hiệu, sản phẩm OCOP, các ngành chức năng của địa phương còn chỉ ra những khiếm khuyết để các hợp tác xã nông nghiệp định hướng phát triển hiệu quả hơn.

“Huyện Đức Cơ đã có kế hoạch tổ chức các phiên chợ nhằm tạo điều kiện cho bà con có môi trường giới thiệu, quảng bá sản phẩm với thị trường, các nhà đầu tư, cũng như tìm kiếm cơ hội đầu tư cho các sản phẩm của mình”, ông Siu Luynh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ cho biết thêm.

Thông qua hội nghị gặp mặt các hợp tác xã thành viên năm 2023, lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai cho biết, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách để hợp tác xã phát triển như: cơ chế hỗ trợ kinh phí cho cán bộ hợp tác xã đi đào tạo, học tập; hỗ trợ cho trí thức trẻ về làm việc tại các hợp tác xã, được hưởng lương từ nguồn ngân sách… Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ hợp tác xã; đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể; hướng dẫn, hỗ trợ thông tin, thủ tục cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu thành lập mới hợp tác xã và phương án sản xuất kinh doanh cho các hợp tác xã.

Tỉnh cũng đã ưu tiên nhiều chương trình cho vay vốn, hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Tuy nhiên, để tiếp cận được nguồn vốn vay này, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế, các hợp tác xã cần linh động nắm bắt thông tin, kịp thời thông qua các cơ quan, ban ngành địa phương và vận động các thành viên vay vốn thì mới có nguồn vốn hoạt động. Bên cạnh đó, muốn phát triển, bản thân các hợp tác xã, nhất là người đứng đầu cần nâng cao trình độ, năng lực quản trị; phải chủ động, sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu; tiếp cận cách quản lý mới để nâng cao năng lực cạnh tranh.

“Các hợp tác xã trong quá trình hoạt động cần mạnh dạn và thường xuyên kết nối với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố phản ánh, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc để kịp thời giải quyết. Các hợp tác xã thành viên cần đồng thuận, đoàn kết, minh bạch trong phương án sản xuất kinh doanh, chia sẻ rủi ro với nhau để cùng phát triển”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh thêm.

Với những giải pháp căn bản trên, hy vọng rằng các hợp tác xã nói chung, hợp tác xã nông nghiệp nói riêng sẽ từng bước tháo gỡ được những vướng mắc, giúp hoạt động hiệu quả hơn, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh Gia Lai.