Doanh nghiệp lưu ý nguy cơ tranh chấp thương mại với đối tác Ấn Độ

BVR&MT  – Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã nhận được phản hồi từ một số doanh nghiệp Việt Nam về khó khăn trong giao dịch với đối tác Ấn Độ, bao gồm việc kiểm tra uy tín đối tác, việc giao nhận hàng hóa…

Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Việt Nam và Ấn Độ có tiềm năng lớn về phát triển quan hệ thương mại song phương. Ấn Độ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam, song kim ngạch thương mại giữa hai nước chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả hai bên. Điều này cho thấy còn nhiều cơ hội và tiềm năng để hai nước cùng tăng cường hợp tác thương mại.

Thời gian gần đây, khi thương mại song phương Việt Nam-Ấn Độ tăng nhanh, các giao dịch thương mại ngày càng nhiều, cũng xuất hiện nhiều tranh chấp thương mại.

Theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ, ông Bùi Trung Thướng, các vụ việc tranh chấp xảy ra do nhiều yếu tố, có vụ việc do yếu tố khách quan như đại dịch COVID-19, xung đột, bất ổn, nhưng có những nguyên nhân chủ quan do các doanh nghiệp còn thiếu kinh nghiệm trong đàm phán, ký kết hợp đồng thương mại quốc tế.

Trong các tranh chấp thương mại gần đây, hầu hết phần thua thiệt nghiêng về phía doanh nghiệp Việt Nam. Có trường hợp đối tác mới lần đầu tiên ký kết hợp đồng mua bán, nhưng cũng có trường hợp đã hợp tác kinh doanh nhiều lần.

Khi xảy ra tranh chấp, hàng hóa phải lưu kho trong thời gian dài, chi phí lưu kho, thuê container ngày một lớn, nhiều trường hợp doanh nghiệp thiếu kiên trì trong đàm phán đã phải chịu thiệt hại lớn.

Gần đây, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã nhận được phản hồi từ một số doanh nghiệp Việt Nam về khó khăn trong giao dịch với đối tác Ấn Độ, bao gồm việc kiểm tra uy tín đối tác, việc thực hiện giao nhận hàng hóa và thanh toán tiền mặt, cũng như các tranh chấp xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, một trong những yếu tố quan trọng là thiếu hiểu biết về đối tác, điều khoản hợp đồng, đặc biệt là điều khoản thanh toán. Nhiều trường hợp, việc trao đổi thông qua tin nhắn dẫn đến rủi ro cho doanh nghiệp Việt Nam khi xảy ra tranh chấp.

Từ những trường hợp thực tế này, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ Bùi Trung Thướng khuyến nghị các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu kỹ thông tin của đối tác và kiểm chứng mức độ uy tín của đối tác trước khi ký kết hợp đồng; nên trực tiếp đến Ấn Độ để gặp gỡ đối tác, khảo sát hoạt động kinh doanh của công ty và tìm hiểu các thông tin quan trọng như tên công ty, địa chỉ, số điện thoại, email, website, đại diện pháp nhân, mã số doanh nghiệp, mã số thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) và mã số xuất nhập khẩu (IEC).

Về quá trình thương thảo hợp đồng, Tham tán Thương mại Bùi Trung Thướng khuyên các doanh nghiệp cần hết sức thận trọng và làm từng bước. Việc trao đổi thông tin giữa hai phía cần được thể hiện bằng văn bản hoặc email. Đây cũng là một cách để tránh các tranh chấp sau này.

Nên lựa chọn phương thức thanh toán L/C (thanh toán theo thư tín dụng) để đảm bảo an toàn trong giao dịch. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, các doanh nghiệp cần bình tĩnh đánh giá tình hình, trao đổi trực tiếp với đối tác và các đơn vị trung gian như hải quan, đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển, hậu cần và cần sớm gửi khiếu nại lên Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ.

Ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cùng đoàn quan chức và doanh nghiệp Đắk Lắk quảng bá sản phẩm tại Hội chợ Thương mại Quốc tế ở Ấn Độ. (Ảnh: Ngọc Thúy/TTXVN)

Tuy nhiên, để tránh những trường hợp tranh chấp khiếu nại có thể xảy ra, ông khuyến cáo các doanh nghiệp nên tìm kiếm một đơn vị trung gian uy tín, chuyên nghiệp để hỗ trợ từ khâu liên hệ, soạn thảo hợp đồng và tư vấn luật.

Theo ông Thướng, các doanh nghiệp Việt nam cần lưu ý thêm một số điều như sau khi tiếp xúc và giao dịch với doanh nghiệp Ấn Độ: duy trì liên lạc thường xuyên với đối tác; nghiên cứu kỹ quy trình chuyển hàng và chuyển giao trách nhiệm dựa trên bộ nguyên tắc thương mại Incoterms 2020 cũng như yêu cầu xác nhận bằng văn bản để đảm bảo sự rõ ràng và tránh những tranh chấp không cần thiết.

Ngoài ra, ông Thướng khuyến nghị doanh nghiệp mua bảo hiểm hàng hóa và hàng hải để giảm thiểu rủi ro trong quá trình giao dịch. Điều này rất quan trọng để bảo vệ tài sản và đảm bảo an toàn cho các doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh với đối tác Ấn Độ.

Chất lượng hàng hóa và các tiêu chuẩn cũng là một nội dung quan trọng được ông Thướng nhấn mạnh. Hàng hóa công nghiệp và hàng tiêu dùng cần đáp ứng tiêu chuẩn của Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ (BIS), trong khi hàng thực phẩm cần chứng nhận của Cục tiêu chuẩn và an toàn thực phẩm Ấn Độ (FSSAI). Điều này nhằm đảm bảo rằng các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng và an toàn hàng hóa khi xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ.

Ấn Độ đã áp dụng quy định mới về chứng nhận xuất xứ từ năm 2020 và ưu tiên các mặt hàng có xuất xứ từ các quốc gia đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Ấn Độ.

Để hưởng ưu đãi từ Hiệp định thương mại ASEAN-Ấn Độ (AIFTA), các doanh nghiệp Việt Nam cần khai báo chứng nhận xuất xứ theo Giấy chứng nhận xuất xứ Mẫu AI.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong việc phát triển thương mại với Ấn Độ và giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã và đang tích cực tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, tư vấn thông tin cũng như cảnh báo doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Thương vụ Việt Nam còn cung cấp những trang web, cổng thông tin như https://www.mca.gov.in; www.dgft.gov.in;www.indiantradeportal.in; www.agriexchange.apeda.gov.in … để các doanh nghiệp có thể tìm hiểu về yêu cầu và quy định của thị trường, thuế, đối tác và các thông tin khác liên quan. Điều này rất quan trọng để các doanh nghiệp có thể nắm bắt thông tin cần thiết và chuẩn bị tốt hơn cho quá trình kinh doanh với đối tác Ấn Độ./.