Để rừng Đất Tổ thêm xanh

BVR&MT – Đã thành truyền thống, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, cả nước lại nô nức ra quân thực hiện “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Tết trồng cây không chỉ là truyền thống và nét đẹp văn hóa của dân tộc do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, gây dựng góp phần bảo vệ tài nguyên rừng, mà còn là nhiệm vụ mở đầu của năm mới qua đó nhân rộng phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh ở mọi địa phương, cơ quan, đơn vị ngay từ những ngày đầu Xuân mới.

Lực lượng kiểm lâm cùng học sinh tham gia Tết trồng cây, phủ xanh đất trống, đồi trọc.

Đất ấm tình rừng

Sau những ngày nắng hanh vàng vừa dứt, dưới làn mưa Xuân lất phất bay, chúng tôi ngược huyện vùng cao Tân Sơn rồi quay về Thanh Sơn, rẽ sang Yên Lập, xuôi xuống Cẩm Khê, sang thị xã Phú Thọ rồi về thành phố Việt Trì,… khắp các vùng quê, trên các diện tích đất lâm nghiệp lưng đồi, sườn núi mướt mát những mầm xanh mới đang được người dân vun trồng, chăm sóc. Những rừng cây nguyên liệu xanh ngút ngàn không chỉ giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định, mà còn góp phần tạo nên “lá phổi xanh” cân bằng môi trường sinh thái.Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” và hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Giáp Thìn 2024, Phú Thọ phấn đấu trồng 825ha rừng tập trung, 945 ngàn cây phân tán, góp phần thực hiện mục tiêu Đề án “trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả rừng trồng, ngành Nông nghiệp khuyến khích bà con sử dụng các giống cây sản xuất bằng mô, hom; kết hợp trồng cây gỗ nhỏ mọc nhanh và cây gỗ lớn dài ngày; chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn ở những nơi có điều kiện thích hợp. Nhiều năm nay, trồng cây gây rừng đã trở thành phong trào phát triển sâu rộng, mang lại hiệu quả thiết thực trên địa bàn tỉnh.

Lực lượng kiểm lâm hướng dẫn người dân thực hiện làm bầu cây giống đúng kỹ thuật.

Năm vừa qua, toàn tỉnh đã trồng gần 9.400ha rừng tập trung, đạt 102,7% so với kế hoạch (trong đó: Trồng mới 57ha rừng phòng hộ, đặc dụng; 2.240ha rừng cây gỗ lớn…), gần 2.400 cây phân tán, chăm sóc 28.000ha rừng trồng. Các địa phương đã trồng hơn 443ha quế tập trung, chuyển hoá trên 423ha gỗ lớn, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững hơn 3.900ha. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt hơn 771 nghìn m3. Sản xuất khoảng 75 triệu cây giống các loại để phục vụ trồng rừng tập trung và trồng cây phân tán, đảm bảo trên 90% cây giống có nguồn gốc xuất xứ đưa vào trồng rừng trên địa bàn tỉnh. Cây giống chủ yếu được sản xuất bằng phương pháp cấy hạt, giâm hom và nuôi cấy mô.

Trên thực tế, kinh tế đồi rừng đã tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho hàng nghìn lao động, thiết thực góp phần giúp bà con ổn định cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Không còn đất trống, đồi trọc, toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp đã được phủ xanh. Rừng tự nhiên được phục hồi sinh trưởng tốt. Môi trường sinh thái, đa dạng sinh học được bảo vệ, góp phần hạn chế lũ lụt, xói mòn đất, điều tiết nguồn nước.

Màu xanh trù phú

Lấy “lâm” làm “nghiệp”, có cuộc sống sung túc từ kinh tế rừng, ông Nguyễn Xuân Hồng ở khu Gò Làng, xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê chia sẻ: “Ngay khi được giao đất, gia đình tôi bắt đầu khai hoang trồng keo phủ xanh đất trống, đồi trọc. Thời gian đầu, chúng tôi tận dụng tán rừng thưa để chăn nuôi theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Sau một chu kỳ từ 5-7 năm, mỗi héc ta rừng cũng cho thu hoạch trung bình 80 triệu đồng. Với tổng diện tích 20ha trồng rừng kết hợp chăn nuôi, gia đình tôi có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Sau nhiều năm gắn bó với rừng, kinh tế gia đình cũng ngày một khấm khá”. Những hộ vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ trồng rừng như gia đình ông Hồng xuất hiện ngày càng nhiều trên khắp các địa phương trong tỉnh.

Cán bộ kiểm lâm vận động hộ ông Nguyễn Xuân Hồng, khu Gò Làng, xã Văn Khúc (Cẩm Khê) thực hiện chuyển hoá rừng cây gỗ lớn.

Toàn tỉnh hiện có gần 188 nghìn ha đất lâm nghiệp; trong đó có hơn 169 nghìn ha rừng, hơn 32 nghìn ha rừng phòng hộ và khoảng 16 nghìn ha rừng đặc dụng, gần 121 nghìn ha rừng sản xuất. Đất trống, đồi trọc được phủ xanh, môi trường sống được bảo vệ, đời sống người trồng rừng ngày càng được cải thiện, nâng cao. Tận dụng tán rừng, nhiều địa phương còn khuyến khích bà con chăn nuôi gà thả vườn, nuôi dê, nuôi lợn rừng, nuôi ong lấy mật… cho hiệu quả kinh tế cao. Các địa phương cũng chú trọng công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến cáo bà con lựa chọn giống cây trồng phù hợp thổ nhưỡng địa phương cùng với các chính sách hỗ trợ cây giống. Việc chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai đầy đủ, kịp thời cũng đã giúp người dân chủ động hơn trong công tác trồng, chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng. Nhận thức được hiệu quả kinh tế cũng như lợi ích về môi trường do rừng mang lại, người dân khai thác đến đâu, chuẩn bị trồng lại ngay đến đó, không có tình trạng bỏ đất trống, đồi núi trọc.

Cơ sở cây giống Hùng Dung, thị trấn Yên Lập ươm 3 triệu cây các loại đảm bảo chất lượng cho mùa trồng rừng năm nay.

Trải qua 65 mùa Xuân, Tết trồng cây do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động vẫn vẹn nguyên giá trị, lan tỏa sâu rộng trong đời sống cộng đồng, trở thành nét đẹp trong văn hóa của người Việt. Trồng cây, gây rừng đầu năm đã trở thành ngày hội, nhiệm vụ mở đầu của năm mới thiết thực góp phần bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững.

NGUỒNbaophutho.vn
Tags:
CHIA SẺ