Đà Nẵng: Hội thảo Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác và bảo quản hải sản đánh bắt xa bờ

BVR&MT – Sáng 25/7, Sở Khoa học Công nghệ thành phố Đà Nẵng đã tổ chức buổi hội thảo “Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác và bảo quản hải sản đánh bắt xa bờ”.

Tham gia buổi hội thảo có bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở KH-CN thành phố Đà Nẵng, Bà Ngô Thị Kim Cương, Phó giám đốc Trung tâm khuyến ngư nông lâm thành phố Đà Nẵng cùng đông đảo các ngư dân làm nghề đánh bắt cá, hải sản trên các vùng biển Đà Nẵng.

Quang cảnh buổi hội thảo.

Nghề đánh bắt cá, đánh bắt hải sản trên các vùng biển Đà Nẵng vốn là nghề truyền thống lâu đời của ngư dân thành phố Đà Nẵng. Nhằm hỗ trợ cho ngư dân ra khơi bám biển, giữ gìn biển đảo quê hương, trong nhiều năm nay UBND thành phố Đà Nẵng, Trung tâm khuyến ngư nông lâm thành phố Đà Nẵng đã có nhiều chủ trương, chính sách, cũng như hỗ trợ về kinh phí nhằm giúp cho ngư dân đóng mới tàu, thuyền đi biển cũng như trang bị thêm các thiết bị kỹ thuật, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả việc đánh bắt, khai thác hải sản.

Theo Bà Ngô Thị Kim Cương, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến ngư nông lâm thành phố Đà Nẵng cho biết: Thành phố Đà Nẵng có bờ biển dài trên 70km, có vịnh nước sâu và các cửa ra vào nối thông biển như Liên Chiểu, Tiên Sa là một lợi thế cho việc tàu thuyền tham gia khai thác thủy sản. Khai thác thủy sản là một trong những nghề truyền thống của ngư dân thành phố Đà Nẵng.

Bà Ngô Thị Kim Cương, Phó giám đốc Trung tâm khuyến ngư nông lâm thành phố Đà Nẵng trình bày tham luận tại hội thảo.

Thời gian gần đây, thành phố Đà Nẵng đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá khá hoàn thiện, bao gồm âu thuyền tránh trú bão, cảng cá, chợ đầu mối thủy sản và khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang… Kim ngạch xuất khẩu của thành phố đạt khoảng 100 triệu USD/năm, giải quyết việc làm, thúc đẩy kinh tế biển ngày càng phát triển.

Tổng số lượng tàu thuyền đến tháng 12 năm 2018 là 1.254 chiếc (không kể thúng chai lắp máy), tổng công suất 376.267 CV với sản lượng khai thác đạt 37.595 tấn. Thể hiện rõ trên cơ cấu nghề khai thác có sự chuyển biến đáng kể theo hướng tích cực, giảm mạnh các nghề khai thác cấm, hủy diệt nguồn lợi thủy sản (lưới kéo đôi, kéo đơn), tăng các nghề khai thác vùng khơi có hiệu quả kinh tế và không gây cạn kiệt nguồn lợi thủy sản (lưới rê cước, rê chuồn, lưới vây). Cơ cấu nghề khai thác cũng phân bố hợp lý theo từng vùng khai thác (vùng biển ven bờ, vùng lộng, vùng khơi).

Tổng sản lượng khai thác hải sản của thành phố hàng năm không có chênh lệch lớn, dao động từ 38.500 đến 43.000 tấn với tổng giá trị từ 1.500 tỷ đến 1.750 tỷ. Giá trị khai thác hải sản tăng theo từng năm, nếu như năm 2010 bình quân 01 tấn hải sản có giá là 20.662.000 đ/tấn thì đến năm 2018 đã tăng lên 51.442.000đ/tấn, tăng 30.780.000đ/tấn (150%). Điều này chứng tỏ ngư dân đã có sự quan tâm đầu tư chuyển đổi nghề khai thác có chọn lọc, khai thác các sản phẩm có giá trị kinh tế, nhận thức của ngư dân về bảo quản sản phẩm được nâng cao, cùng với việc đầu mối hải sản đi vào hoạt động tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân tiêu thụ sản phẩm (giá bán tại chợ tăng từ 10.000 -20.000/kg so với bán cân xô cho các chủ nậu) nên giá trị của sản phẩm khai thác được cải thiện đáng kể.

Phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần, thu mua hải sản trên biển để giảm chi phí và tăng hiệu quả khai thác hải sản, đến nay toàn thành phố có 16 tàu cá hoạt động khai thác kiêm dịch vụ hậu cần, thu mua sản phẩm trên biển.

Sản phẩm đèn Led đánh bắt cá của công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông được giới thiệu tại hội thảo.

Trong các năm qua, ngư dân Đà Nẵng đã được chuyển giao, đầu tư, trang bị và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá, giảm sức lao động trực tiếp của ngư dân. Các công nghệ mới như: máy dò ngang, máy thu câu, máy nhận dạng tự động (AIS), máy thông tin liên lạc tầm xa, công nghệ bảo quản sản phẩm mới, máy định vị, hải đồ màu tích hợp nhận dạng tự động Haiyang HIS – 70A; Máy dò cá, định vị, hải đồ màu tích hợp nhận dạng tự động Haiyang HD-1000CFA;… đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực và góp phần tạo điều kiện cho ngư dân chấp hành tốt các chủ trương chính sách của nhà nước, góp phần ổn định việc làm và đời sống cho ngư dân thành phố. Giảm thiểu sức lao động cho thuyền viên, giảm rủi ro cho tàu thuyền hoạt động trên biển, tránh đâm va trên biển.

Mạng lưới thông tin trên biển ngày càng phát triển, thông tin liên lạc giữa tàu với tàu và giữa tàu với đất liền được thông suốt giúp hỗ trợ sản xuất, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển. Qua đó, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của ngư dân, tạo điều kiện cho ngư dân phát triển kinh tế biển kết hợp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trên biển.

Trong lĩnh vực khai thác thủy sản, UBND Thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ các mô hình khuyến ngư trên địa bàn thành phố Đà Nẵng từ năm 2010 đến nay là gần 4 tỷ đồng với 99 hộ tham gia mô hình, trong đó hỗ trợ bảo quản sản phẩm (thiết bị lạnh ngâm, hầm bảo quản sản phẩm với vật liệu Polyurethane thay cho tấm xốp truyền thống, khay bảo quản sản phẩm thay thế bao nilong) cho 41 hộ với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng, hỗ trợ ứng dụng các thiết bị hàng hải khai thác (thiết bị máy dò ngang, thiết bị nhận dạng, thiết bị nhận dạng kết hợp dò cá, máy tời thu câu, thiết bị đèn Led…) cho 32 hộ với số tiền hơn 1 tỷ đồng, hỗ trợ chuyển đổi nghề (lưới rê hỗn hợp, chụp mực bốn tăng gong, nghề lồng bẫy, nghề rê cá chim, lưới vây cải tiến, nghề câu vàng…) cho 26 hộ với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.

Hồng Sơn

https://baovemoitruong.org.vn/