Chuyển giao bệnh viện thuộc Bộ về cho Hà Nội quản lý: Băn khoăn về việc chỉ đạo

BVR&MT – Nếu chuyển về trực thuộc Hà Nội quản lý, các bệnh viện tuyến trung ương, đầu ngành sẽ không biết phải thực hiện các nhiệm vụ chỉ đạo tuyến như thế nào.

Bệnh viện Bạch Mai không chỉ thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh tại chỗ cho người dân mà còn “gánh” nhiều nhiệm vụ một bệnh viện tuyến cuối của cả nước. Ảnh: TTXVN

Về nội dung “chuyển giao các bệnh viện thuộc Bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương đóng trên địa bàn Thủ đô về thành phố Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, bệnh viện các trường đại học” trong Dự thảo Luật Thủ đô đang được ngành y tế đưa ra thảo luận, lấy ý kiến; PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Qua trao đổi với lãnh đạo các bệnh viện phía Bắc, các bệnh viện tuyến tỉnh, cho thấy, các đơn vị đều băn khoăn về việc nếu bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế được chuyển về Hà Nội quản lý, thì công tác chỉ đạo tuyến, quan hệ giữa bệnh viện các tỉnh với bệnh viện của Hà Nội sẽ ra sao? Bởi vậy, các bệnh viện đều đề nghị để các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành của Bộ Y tế vẫn tiếp tục do Bộ quản lý, nhằm đảm bảo sự chỉ đạo xuyên suốt từ trung ương”.

PGS.TS Đào Xuân Cơ cũng phân tích: Tại Bệnh viện Bạch Mai, có rất nhiều nhiệm vụ mà nếu chuyển về Hà Nội quản lý sẽ khó thực hiện. Đơn cử như Bệnh viện đang thực hiện nhiệm vụ Bộ Y tế giao về xây dựng danh mục định mức kinh tế kỹ thuật; hiện đã xây dựng được hơn 5.000 danh mục. Nếu chuyển về trực thuộc Hà Nội quản lý, nhiệm vụ này sẽ không biết thực hiện như thế nào. Chưa kể, Bệnh viện Bạch Mai cũng đang hướng tới thí điểm mô hình hình thành chuỗi các bệnh viện. Chỉ dưới sự quản lý thống nhất của Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai và các bệnh viện tuyến trung ương mới có điều kiện thuận lợi để triển khai mô hình này.

Theo đó, với vai trò bệnh viện tuyến cuối của cả nước, các bệnh viện chuyên khoa, đặc biệt, đầu ngành của Bộ Y tế còn làm công tác chỉ đạo tuyến, đào tạo nhân lực cho tuyến dưới tại các địa phương; nếu thuộc quản lý của Hà Nội các bệnh viện tuyến cuối sẽ khó thực hiện nhiệm vụ trên.

Tại buổi làm việc mới đây của Bộ Y tế với các bệnh viện, các đơn vị cũng đều thống nhất chung quan điểm là cần thiết giữ lại các đơn vị trực thuộc Bộ, do Bộ quản lý trên địa bàn Hà Nội vì sự phát triển chung của ngành y trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên toàn quốc.

Các ý kiến cho rằng, nếu chuyển các Bệnh viện Trung ương về Hà Nội quản lý cũng sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực tới khả năng điều phối nhanh của Bộ Y tế trong trường hợp khẩn cấp về y tế, thay vì có thể nhanh chóng điều động nguồn lực sẵn có của mình, Bộ Y tế sẽ phải tham vấn với UBND Hà Nội để huy động các nguồn lực y tế của Hà Nội nhằm hỗ trợ các địa phương khác.

Trong khi đó, các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành do Bộ Y tế quản lý là các cơ sở y tế đầu ngành của cả nước ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Do đó, ngoài nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân trên toàn quốc, trong đó có chăm sóc sức khỏe ngay tại chỗ cho khoảng 10 triệu người dân Hà Nội.

Hiện các ý kiến trên đang được tổng hợp và gửi Ban Soạn thảo dự án Luật Thủ đô cũng như các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét.