Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần bảo vệ và phát triển rừng

BVR&MT – Trong những năm qua, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã phát huy hiệu quả tích cực trên địa bàn tỉnh Hà Giang, qua đó khuyến khích người dân đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng. Đồng thời, nguồn lợi từ “tiền rừng” đã phần nào giúp đời sống kinh tế của bà con được cải thiện, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.

Diện tích rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng tính đến cuối tháng 5/2023 đạt trên 451.000 ha.

Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Hà Giang, diện tích rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng tính đến cuối tháng 5/2023 là trên 451.000 ha, chiếm 97,3% diện tích rừng toàn tỉnh. Phần lớn diện tích rừng được giao cho các Ban Quản lý rừng, công ty lâm nghiệp, cộng đồng dân cư, UBND các xã, thị trấn… quản lý, bảo vệ.

Đến hết tháng 5/2023, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Hà Giang đã thu phí dịch vụ môi trường rừng được hơn 173 tỷ đồng; tiền trồng rừng thay thế là trên 3,9 tỷ đồng. Từ nguồn dịch vụ môi trường rừng tiếp tục hỗ trợ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập, làm giàu từ rừng cho cộng đồng dân cư và người dân sống gần rừng.

Diện tích rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng tính đến cuối tháng 5/2023 là trên 451.000 ha.

Năm 2022, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang là một trong những địa phương của tỉnh được hưởng số tiền dịch vụ rừng khá lớn với trên 2,2 tỷ đồng. Số tiền đó được chi trả cho người dân và bà con đã họp, thống nhất, phối hợp với chính quyền xã trồng trên 81.000 cây sa mộc, cây thông; lắp đặt mới 73 đèn năng lượng mặt trời tại đường làng, ngõ xóm với tổng trị giá trên 200 triệu đồng.

Theo ông Sìn Gỉ Gai, Trưởng thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn cho biết, năm 2022, trung bình mỗi hộ được nhận trên 1,3 triệu đồng, ngoài góp phần có thêm thu nhập cho bà con. Người dân cũng thống nhất trích một phần số tiền để lắp đặt đèn đường năng lượng mặt trời, cùng với đó, mở rộng thêm một số đoạn đường hẹp đi vào các nhóm hộ. Nhận được “quả ngọt” từ rừng, ý thức phát triển và bảo vệ rừng của bà con được nâng lên rất nhiều.

Chủ tịch UBND xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn Ma Doãn Khánh đánh giá: Hiệu quả từ tiền dịch vụ môi trường rừng có tác động rất lớn tới đời sống kinh tế của bà con, qua đó các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn cũng được nâng lên. Đơn cử như việc người dân sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đóng góp để lắp đặt hệ thống đèn đường năng lượng mặt trời, góp phần đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, giúp việc tuần tra an ninh trật tự trên địa bàn thuận lợi hơn. Việc hưởng lợi từ nguồn dịch vụ môi trường rừng cũng giúp người dân có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ rừng; bà con có thêm nguồn kinh tế, góp phần xoá đói giảm nghèo.

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng phần nào đã giúp bộ mặt nông thôn xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang có nhiều thay đổi.

Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Hà Giang Đinh Thị Hà cho biết: Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tác động tích cực đến đời sống của những người làm nghề rừng, đặc biệt là cộng đồng dân cư, người dân sống trong rừng, gần rừng, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng, người dân và chính quyền nhiều địa phương đã sử dụng hợp lí, đầu tư vào các công trình điện, đường, công trình cộng đồng, tập thể… giúp bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống của người dân cũng được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần.

NGUỒNbaotintuc.vn
Tags:
CHIA SẺ