Chăn nuôi thúc đẩy giảm nghèo

BVR&MT – Với lợi thế địa hình rộng, bằng phẳng, nhiều đồng cỏ xanh tốt, xã Mường Tè (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) hướng người dân phát triển chăn nuôi, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đến thăm các trang trại chăn nuôi, bãi chăn thả gia súc ở các bản của xã Mường Tè mới thấy chăn nuôi đang phát triển, trở thành thế mạnh của địa phương. Với quỹ đất mỗi hộ từ 300 – 350m2 sau tái định cư, người dân dành ra một khoảng đất để nuôi lợn, gia cầm, đào ao thả cá. Hộ khá giả thì đầu tư quỹ đất riêng làm trang trại chăn nuôi đại gia súc. Các bãi chăn thả mở rộng với quy mô từ vài chục đến hàng trăm con. Phương thức sản xuất thay đổi, chăn nuôi trở thành hướng đi mới đối với Nhân dân.

Từ khi tái định cư Thủy điện Lai Châu, di vén lên nơi ở mới, đất sản xuất ít dần, diện tích trồng lúa không còn như trước. Để nâng cao cuộc sống người dân, bên cạnh canh tác ở phần đất chưa bị ngập, xã vận động bà con đẩy mạnh phát triển chăn nuôi. Với lợi thế còn nhiều đồng cỏ, xã quy hoạch các bãi chăn thả, vận động dân bản không thả rông, đầu tư xây dựng chuồng trại, tăng cường nhân giống tăng đàn. Phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đưa con giống có chất lượng, ít bị ảnh hưởng do dịch bệnh vào nuôi. Vận động Nhân dân vệ sinh chuồng trại, chủ động phòng chống dịch bệnh. Quảng bá sản phẩm chăn nuôi ra ngoài thị trường, tăng nguồn thu cho bà con.

Người dân xã Mường Tè phát triển chăn nuôi.

Nhận thấy hướng đi mới mang lại lợi nhuận kinh tế cao, Nhân dân ở 7 bản của xã tập trung nguồn vốn, đầu tư vào chăn nuôi, hình thành các đồng cỏ, bãi chăn thả rộng lớn. Bà con chú trọng chăm sóc, nhất là vào thời điểm mùa đông giá rét, vật nuôi được đưa về các lán trại hoặc chuồng nuôi nhốt của gia đình, cho ăn, uống đầy đủ chất dinh dưỡng, có đèn điện, tôn, bạt che chắn, đốt lửa sưởi ấm.

Ông Lý Văn Thức (bản Nậm Củm 2) cho biết: Nhờ xã tuyên truyền, vận động, người dân bản tôi đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, đầu tư giống, xây dựng trang trại. Tích cực học hỏi kiến thức, tìm hiểu thông tin về cách làm hay, sáng tạo để áp dụng vào thực tế. Vì thế chăn nuôi ngày càng phát triển, hộ ít thì mấy chục con, hộ nhiều thì hàng trăm con gia súc, vừa giảm sức lao động, vừa đem lại nguồn lợi lớn.

Thức ăn trong chăn nuôi không chỉ là những sản phẩm từ tự nhiên như: cỏ voi VA06, rơm rạ, chuối, ngô, thóc… bà con còn kết hợp các sản phẩm ngoài thị trường để thay đổi khẩu vị. Không những vậy, việc phòng chống dịch bệnh được các hộ quan tâm, chuồng trại vệ sinh sạch sẽ. Phân chuồng thì tận dụng trong trồng trọt. Đàn vật nuôi được tiêm chủng định kỳ, theo dõi sức khỏe, các dịch bệnh được xử lý kịp thời, không để lan rộng. Nhiều hộ còn nuôi sóc, dúi thương phẩm, tận dụng mặt nước sông Đà nuôi cá. Với sự cần cù của người dân, đàn vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, năm sau tăng hơn năm trước. Hiện nay, toàn xã có 3.295 con gia súc và gần 25.000 con gia cầm, tốc độ tăng đàn 7%/năm, cung cấp lớn lượng thịt, trứng cho thị trường trong huyện.

Anh Tống Văn Thinh – Chủ tịch UBND xã nhận định: Chăn nuôi giúp giảm tỉ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 23%, thu nhập bình quân đạt 34 triệu đồng/người/năm. Để phát huy thế mạnh, thời gian tới xã đưa nhiều con giống có chất lượng vào chăn nuôi, xây dựng các mô hình lớn, quảng bá sản phẩm và kịp thời tuyên dương các hộ chăn nuôi giỏi để chăn nuôi trở thành thế mạnh giúp các hộ vươn lên làm giàu.