BVR&MT – Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vừa qua, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), vấn đề mua bán thai nhi trong bụng mẹ được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến.
Mua bán người được Liên hợp quốc xác định là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất thế giới. Thời gian qua, tình hình mua bán người vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là các hành vi mua bán thai nhi trong bụng mẹ (diễn ra từ thời điểm mang thai đến khi đứa trẻ chưa chào đời).
Theo các công ước quốc tế như Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em quy định trẻ em bao gồm cả thai nhi cần được bảo vệ ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Việc mua bán thai nhi được coi là một hình thức vi phạm nghiêm trọng quyền con người và quyền trẻ em. Điều này đòi hỏi các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam phải có những quy định pháp lý cụ thể để bảo vệ thai nhi khỏi các hành vi mua bán. Một số quốc gia đã quy định cụ thể hành vi mua bán thai nhi là tội phạm, thí dụ tại Hoa Kỳ luật pháp của một số bang có những quy định rõ ràng về việc cấm mua bán thai nhi và coi đó là một hành vi phạm tội nghiêm trọng.
Tuy nhiên, theo pháp luật hình sự của nước ta hiện nay chỉ được coi là người và có quyền công dân khi đứa trẻ được sinh ra, còn khi vẫn đang là bào thai trong bụng mẹ thì chưa được điều chỉnh để xem xét là đối tượng của hành vi phạm tội. Thực tế Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng như pháp luật hiện hành về phòng, chống mua bán người cũng chưa có quy định nào về vấn đề nêu trên. Do vậy, cơ quan chức năng không có cơ sở, căn cứ pháp lý để xử lý hành vi mua bán thai nhi.
Báo cáo của Bộ Công an cho biết, số vụ phạm tội mua bán người có chiều hướng gia tăng hằng năm. Đặc biệt, thời gian qua đã xuất hiện tình trạng mua bán thai nhi, một số nơi nổi lên tình trạng mua bán trẻ sơ sinh núp bóng tinh vi các tổ chức mang danh thiện nguyện tự phát; hành vi mua bán thai nhi trong bụng mẹ là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục và chưa có quy định pháp luật điều chỉnh vấn đề này.
Bên cạnh đó, nếu trước đây, đối tượng tội phạm mua bán người phải trực tiếp về các vùng, các địa điểm để tiếp cận, tìm các nạn nhân, nhưng ngày nay công nghệ phát triển, các đối tượng chỉ cần ngồi tại một vị trí sử dụng mạng Zalo, Facebook để có thể kết nối, dụ dỗ đưa người ra nước ngoài hoặc trao đổi, mua bán nạn nhân ngay trong nội địa.
Do vậy, hành vi mua bán thai nhi có xu hướng gia tăng và trở nên phức tạp, nhất là trong bối cảnh những vụ việc này thường liên quan đến các đường dây tội phạm có tổ chức. Thực tế cho thấy, nhiều bà mẹ mang thai bị ép buộc hoặc bị lừa gạt để bán thai nhi của mình vì các lý do kinh tế hoặc lý do tình cảm.
Thai nhi mặc dù chưa sinh ra nhưng cần được bảo vệ như một con người với đầy đủ các quyền cơ bản. Việc mua bán thai nhi không chỉ là vi phạm quyền của thai nhi, mà còn là sự xúc phạm nghiêm trọng đến phẩm giá con người. Nếu xét dưới góc độ pháp luật, hành vi của người mẹ có con bán cũng là hành vi phải quy định là hành vi mua bán người và có dấu hiệu phạm tội của tội mua bán người.
Việc bổ sung các hành vi nêu trên vào tội mua bán người sẽ thể hiện sự tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của thai nhi, phù hợp với các giá trị đạo đức và nhân văn. Do vậy, nếu không có quy định rõ ràng trong luật sẽ tạo kẽ hở cho các hành vi mua bán thai nhi diễn ra, gây ra hậu quả tiêu cực cho xã hội và cộng đồng.
Từ thực tế nêu trên, các đại biểu Quốc hội đề nghị, Ban soạn thảo xem xét, bổ sung quy định về việc mua bán thai nhi trong bụng mẹ vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) lần này; bổ sung quy định truy cứu trách nhiệm hình sự trong các trường hợp mua bán thai nhi. Trong đó, cần bổ sung các điều khoản riêng biệt về mua bán thai nhi, bao gồm: các quy định cụ thể về hành vi mua bán thai nhi, các hình thức xử phạt và biện pháp bảo vệ.
Điều này giúp các cơ quan chức năng dễ dàng áp dụng và thực thi luật; bảo đảm tính răn đe đối với các hành vi vi phạm; đồng thời, bổ sung nội dung, biện pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về quyền của thai nhi và bà mẹ mang thai; nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của việc mua bán thai nhi…; góp phần giúp ngăn chặn từ xa các hành vi vô đạo đức, tạo ra môi trường xã hội lành mạnh, bảo vệ sự an toàn cho cả thai nhi và bà mẹ mang thai.
Theo các công ước quốc tế như Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em quy định trẻ em bao gồm cả thai nhi cần được bảo vệ ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Việc mua bán thai nhi được coi là một hình thức vi phạm nghiêm trọng quyền con người và quyền trẻ em. |