Bảo tồn đàn voi rừng Đồng Nai theo hướng chung sống hài hòa

BVR&MT – Ngày 30/8, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai phối hợp Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) và tổ chức Humane Society International (HIS) tổ chức hội thảo đánh giá chương trình thí điểm bảo tồn voi theo hướng chung sống hài hòa.

Một cá thể voi rừng ở Đồng Nai.

Theo thông tin từ hội thảo, trong vòng 4 thập niên qua, voi hoang dã tại Việt Nam suy giảm từ khoảng 2.000 con xuống còn từ 100 đến 130 con. Trong đó, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai voi sinh sống lớn thứ hai của cả nước

Trong một năm qua, HSI đã thực hiện chương trình giám sát voi bằng bẫy ảnh tại Đồng Nai đã thu được khoảng 16.000 ảnh liên quan đến voi rừng. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng số lượng voi tại Đồng Nai từ 25 đến 27 cá thể thay vì 14 cá thể.

Hai cá thể voi rừng ở Đồng Nai.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho biết, từ năm 2013, địa phương đã phê duyệt Dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2014-2020.

Đến nay, 4 mục tiêu của dự án đã đạt được, gồm: bảo tồn, phát triển bền vững quần thể voi hoang dã; khôi phục bảo vệ nguồn gen động vật, thực vật quý hiếm và đa dạng sinh học trong vùng sinh cảnh của voi; ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả xung đột giữa voi và người; tăng cường hợp tác thực thi pháp luật, kiểm soát các hoạt động buôn bán vận chuyển trái phép ngà và dẫn xuất của voi.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi phát biểu tại hội thảo.

Dự án cũng đã xây dựng 75km hàng rào điện tử, phát huy tác dụng, ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả xung đột giữa voi và người.

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cho rằng, khả năng đồng huyết của quần thể voi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, đàn voi rừng chỉ còn 14 con, quần thể voi khó phục hồi tự nhiên.

Theo Tiến sĩ Pruthu Fernando, Giám đốc Trung tâm bảo tồn và phát triển voi của Sri Lanka, Trưởng nhóm hỗ trợ bảo tồn voi cho Việt Nam, quần thể voi rừng Đồng Nai quy mô từ 20 đến 30 con, nguy cơ đồng huyết phải 100 năm nữa mới có thể xảy ra.

Với quy mô đàn voi nhỏ, nguy cơ tuyệt chủng do các lý do khác nhanh hơn sinh sản đồng huyết, do đó, trước tiên cần bảo tồn quần thể sống đủ lâu, đủ đông.