Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030

BVR&MT – Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 885/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030. Mục tiêu đến 2025, tăng thuốc bảo vệ thực vật sinh học lên trên 30%.

Rau sạch Tả Chải đã sẵn sàng phục vụ Tết nguyên đán Kỷ hợi 2019.

Theo đó, mục tiêu đến 2025, diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 1,5 – 2% tổng diện tích đất nông nghiệp. Diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng 1% tổng diện tích đất trồng trọt với các cây trồng chủ lực như: Lúa, rau đậu các loại, cây ăn quả, chè.

Đặc biệt, sản xuất và tiêu thụ phân hữu cơ đạt 3 triệu tấn vào năm 2020 và tăng dần trong các năm tiếp theo, tăng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón lên 15% vào năm 2025, phấn đấu tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng lên trên 30%.

Xem thêm:

Hà Nội: Tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm về động vật hoang dã

Hà Nội: Tập trung phòng ngừa tai nạn lao động trong lĩnh vực nông nghiệp

Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 1-2% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong nước, đến năm 2030 đạt khoảng 2-3%. Các sản phẩm chăn nuôi được chứng nhận hữu cơ theo tiềm năng thế mạnh được ưu tiên như sữa, sản phẩm mật ong, thịt gia súc gia cầm… Diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 0,5-1,5% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản và đạt khoảng 1,5-3% đối với năm 2030, trong đó một số loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế như tôm nước lợ, tôm càng xanh, các loài thủy sản bản địa.

Trồng rừng tại xã Ngọc Thanh TP Phúc Yên Vĩnh Phúc.

Đối với sản phẩm dược liệu và lâm sản ngoài gỗ tự nhiên, tỷ lệ sản lượng hữu cơ trên tổng sản lượng đạt khoảng 90-95% và đạt khoảng 95-98% đối với năm 2030; đối với hình thức thâm canh tỷ lệ sản lượng hữu cơ trên tổng sản lượng đạt khoảng 75-80% và đến năm 2030 đạt khoảng 80-85%.

Nâng cao hiệu quả của sản xuất hữu cơ trên một đơn vị diện tích; giá trị sản phẩm trên 01 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hữu cơ cao gấp 1,3-1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ, năm 2030 phấn đấu cao gấp 1,5-1,8 lần. Sản xuất và tiêu thụ phân bón hữu cơ trong nước đạt 3 triệu tấn vào năm 2020 và tăng dần trong các năm tiếp theo, tăng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón lên 15% năm 2025; tăng số lượng bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng lên 30%.

Thủ tướng Chính Phủ cũng đưa ra các nhiệm vụ chủ yếu để đạt được các mục tiêu trên như: Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung và các sản phẩm hữu cơ chủ lực; Phát triển đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất sản phẩm hữu cơ; Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp hữu cơ; Phát triển các tổ chức chứng nhận, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy trình kỹ thuật; Tăng cường chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm hữu cơ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NNPT&NT) chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Đề án; chủ động lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án với các chương trình mục tiêu quốc gia và các đề án của các bộ, ngành và địa phương khác có liên quan. Lựa chọn và xác định các yếu tố hoàn thiện mô hình thí điểm sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại các địa phương theo danh mục đã phê duyệt; chỉ định các đơn vị có năng lực nghiên cứu, chứng nhận và liên kết chuỗi giá trị tham gia triển khai các mô hình thí điểm, xây dựng kế hoạch triển khai và từng bước nhân rộng mô hình. Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá và định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc triển khai Đề án.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xác định sản phẩm lợi thế, lĩnh vực chủ lực, vùng có lợi thế về sản xuất hữu cơ, phối hợp với Bộ NNPT&NT xây dựng đề án, dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ đáp ứng yêu cầu và phù hợp với tiêu chuẩn ngành nông nghiệp. Xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù của địa phương như đất đai, hạ tầng, giống, công nghệ sản xuất… phục vụ cho phát triển nông nghiệp hữu cơ. Bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện các dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn; Thường xuyên tổ chức kiểm tra việc thực hiện đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ của địa phương, hàng năm tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện đề án của địa phương gửi về Bộ NNPT&NT để tổng hợp báo cáo Chính phủ.

Các bộ, ngành khác và các tổ chức hội nghề nghiệp theo chức năng nhiệm vụ, chủ động phối hợp với Bộ NNPT&NT để thực hiện Đề án; đồng thời, vận động, tuyên truyền người dân, doanh nghiệp tham gia sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ và gắn kết chuỗi giá trị nông sản hữu cơ.

Văn Trì (Tổng hợp).