BVR&MT – Ngày 20/4/2010, vụ nổ tại giàn khoan dầu Deepwater Horizon của hãng BP đã đổ hơn 130 triệu gallon dầu thô vào vịnh Mexico. Đó là sự cố tràn dầu lớn nhất từ trước đến nay tại các vùng biển nước Mỹ và vẫn là một trong những thảm họa môi trường tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới.
11 công nhân thiệt mạng. Hàng triệu động vật có vú ở biển, rùa biển, chim và cá cũng chung số phận. Trong khi ấy, suốt 87 ngày đằng đẵng, cả thế giới dõi theo đầy bất lực dòng dầu tràn vào một trong những sinh cảnh biển có mức độ đa dạng sinh học cao nhất hành tinh.
Một thập kỷ sau, nhiều loài – chẳng hạn san hô biển sâu, chim lặn mỏ đen và cá hồi chấm nhỏ – vẫn đang chật vật tồn tại khi quần thể giảm hơn trước. Ngược lại, một số loài đã phục hồi mạnh mẽ, trong số đó phải kể đến cá mòi dầu Đại Tây Dương, bồ nông nâu.
Các nhà khoa học cho biết còn quá sớm để kết luận rõ ràng tác động từ vụ tràn dầu tới các loài sống lâu hơn như cá heo, cá voi và rùa biển.
Mặc dù vậy, “dựa trên khoa học của chúng tôi cho đến nay, nếu bạn là một động vật có vú sống ở vịnh Mexico vào thời điểm xảy ra sự cố tràn lan thì thật không mấy tốt đẹp cho bạn”, chuyên gia thú y Cynthia Smith thuộc National Marine Mammal Foundation chia sẻ. “Những động vật chưa sinh ra là niềm hy vọng”, theo Smith, người chăm sóc động vật đã đến tận khu vực xảy ra sự cố tràn dầu.
Smith là một trong nhiều nhà khoa học có sự nghiệp gắn với sự kiện này. Tiền tài trợ từ Đạo luật An ninh Năng lượng vịnh Mexico, Sáng kiến Nghiên cứu vịnh Mexico và gần đây, khoản thanh toán 16 tỷ đô la giữa BP với chính phủ liên bang Hoa Kỳ và tiểu bang cho phép một nhóm các nhà nghiên cứu thực hiện các dự án dài hạn điều tra ảnh hưởng của vụ tràn dầu đến động vật hoang dã vùng Vịnh.
Rất khó để nghiên cứu nhiều loài. Nhưng sau một thập kỷ theo dõi sát sao, nhóm của Smith đã có một bức tranh rõ ràng về những gì đang xảy ra với cá heo mũi chai – loài động vật biển có vú thích sống quần cư nhất.
Khoảng 1.000 cá thể cá heo chết trong những tháng sau vụ tràn dầu do ăn phải chất độc từ dầu. Nhiều cá thể khác đã bị bệnh kể từ đó.
Nghiên cứu gần đây phát hiện rằng chỉ khoảng 20% cá heo ở vịnh Barataria (bang Louisiana) bị dầu loang nhiều nhất mang thai thành công, so với mức 83% ở những vùng không bị dầu loang. Con số này vẫn không thay đổi so với kết quả năm 2015.
Mười năm qua, Smith cũng chứng kiến tỷ lệ cao hơn về suy sinh sản, bệnh phổi, tim, phản ứng căng thẳng bị suy giảm, tử vong ở cá heo mũi chai.
Smith cho rằng thật thú vị khi những triệu chứng này phản ánh các vấn đề sức khỏe phổ biến nhất mà con người – một động vật có vú lớn khác – cũng phơi nhiễm trước sự cố tràn dầu. Hai nghiên cứu gần đây được công bố năm 2018 đã phát hiện các nhân viên vệ sinh và Cảnh sát biển Hoa Kỳ đã tiếp xúc với dầu đều bị suy yếu chức năng phổi và tim, khó thở.
“Không nhất thiết phải nghĩ về một con cá heo là đại diện cho chính mình hay con người là đại diện của một con cá heo nhưng cuộc sống của chúng ta chồng lên nhau. Chúng ta cùng ở trong không gian này và có rất nhiều điều để học hỏi từ đó”, Smith nói.
Lắng nghe cuộc sống
Kaitlin Frasier nhớ lại ngày vào năm 2010 khi thầy hướng dẫn bằng tiến sĩ khuyên rằng nên tập trung sự nghiệp vào vụ tràn dầu Deepwater Horizon.
Lúc đó, Frasier không tưởng tượng hành trình đó sẽ đưa cô đến đâu. Hôm nay, cô là nhà khoa học trợ lý dự án tại Viện Hải dương học Scripps thuộc Đại học California, San Diego và đã dành cả thập kỷ qua lắng nghe những dấu hiệu của sự sống ở vùng vịnh Mexico, cụ thể là tiếng kêu của động vật có vú sống ở biển.
“Chúng ta không thể thực sự nhìn thấy đáy biển, vì vậy chúng ta không thực sự biết rằng [dầu] đã ảnh hưởng đến cá voi như thế nào. Thật khó để nói, liệu dầu từ trầm tích có tái lơ lửng trong nước và ảnh hưởng đến thức ăn của động vật biển hay không”, Frasier nói.
Vịnh Mexico là nơi sinh sống của 21 loài động vật biển có vú – hầu hết con người hiếm khi nhìn thấy chung – nên các nhà khoa học phải lắng nghe. Những âm thanh mà các loài động vật này phát ra có thể tiết lộ loài nào vẫn phát triển nhiều năm sau vụ tràn dầu và loài nào đã bị suy giảm.
Một loài Frasier ngày càng ít nghe thấy hơn là cá heo đốm nhiệt đới.
“Về mặt nào đó thì khá bất ngờ vì loài này đã từng rất phổ biến. Các nhà quan sát trực quan gọi chúng là chuột vì chúng bò khắp vùng vịnh. Còn bây giờ, chúng tôi chỉ nhận được khá ít về chúng trên dữ liệu âm thanh”.
Kết quả về nhiều loài không rõ ràng. Một phần vì trước vụ tràn dầu, giới khoa học biết rất ít về tập tính của nhiều động vật có vú sống sâu dưới biển, do đó gặp khó khăn trong việc phát hiện những thay đổi từ dữ liệu hiện tại.
Ví dụ như loài cá nhà táng lùn ít được nghiên cứu: vẫn chưa rõ cách nào để giải thích âm thanh cao và ngắn mà Frasier có thể liên kết với loài này bây giờ. Tương tự như vậy, những con cá nhà táng – phát ra âm thanh dài hơn, tần số thấp hơn – chưa được phát hiện gần đây gần vị trí tràn dầu nhưng điều này có thể là chúng đã di chuyển.
Động vật có vú dưới biển là chỉ số quan trọng về sức khỏe tổng thể của đại dương, vì vậy nghiên cứu chúng có thể mang lại cho các nhà khoa học thêm nhiều điều về môi trường của chúng.
“Chúng ta có tất cả những mảnh ghép khác nhau nhưng thật khó để biết chúng khớp với nhau như thế nào”, Frasier nói.
Nhật Anh (Theo National Geographic)