Ngành năng lượng mặt trời Trung Quốc có thể sống sót khi không được trợ cấp?

Việc Trung Quốc xiết chặt giá mua năng lượng mặt trời đã khiến các doanh nghiệp trên toàn cầu rúng động.

Hơn một thập kỉ trước, khi JinkoSolar, công ty có trụ sở tại Thượng Hải bước chân vào ngành thương mại năng lượng mặt trời, mọi thứ quá sơ khai khi công ty này tham dự một hội chợ thương mại quốc tế: một cái bàn trống cùng tên công ty được viết nguệch ngoạc trên tấm bảng. Nhưng Jinko cũng thật may mắn khi có lợi thế về kỹ nghệ và khoản đầu tư công dồi dào.

Ngành công nghiệp năng lượng mặt trời trên toàn cầu phát triển mạnh nhờ vào tiền trợ cấp. Giá mua vào (FIT) cao cộng thêm ưu đãi tài chính cho việc lắp đặt đã giúp Đức trở thành thị trường năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới vào năm 2010. Người Đức hướng sang Trung Quốc vì đây là nguồn cung cấp những tấm pin mặt trời tinh thể silic giá rẻ, đặc biệt do đất đai và các khoản vay được bao cấp nên các nhà sản xuất non trẻ của Trung Quốc đã phá giá (pin mặt rời) trước các đối thủ cạnh tranh từ châu Âu và Mỹ.

Khi bao cấp năng lượng mặt trời tại châu Âu giảm mạnh trong cuộc khủng hoảng đồng euro, chính phủ Trung Quốc một lần nữa nhảy vào hỗ trợ nguồn năng lượng tái tạo. Nước này đưa ra giá FIT để phát triển đại trà các nhà máy năng lượng mặt trời ở miền viễn tây. Đến năm 2013, Trung Quốc đã qua mặt Đức, vươn lên thành thị trường pin năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới. Năm ngoái, nước này lắp đặt tới 53 GW, gấp gần 5 lần thị trường lớn thứ hai là Mỹ. Năm 2016, Jinko trở thành nhà cung cấp tấm quang năng lớn nhất thế giới, đưa gần 10 GW ra khắp toàn cầu vào năm 2017. Sáu trong số mười nhà sản xuất hàng đầu là của Trung Quốc.

Tuy nhiên, vào ngày 1/6, mọi thứ chao đảo khi chính quyền Trung Quốc, gần như không báo trước, mạnh tay thu hẹp điều kiện được hưởng FITs của các năng lượng mặt trời mới, giáng một đòn mạnh vào cổ phiếu của Jinko và một số công ty cùng hệ thống ở Trung Quốc, cũng như cổ phiếu của First Solar, một trong những nhà cung cấp năng lượng mặt trời lớn nhất nước Mỹ.

Những thăng trầm này có thể tạm gọi tên là “solarcoaster” (con tàu năng lượng mặt trời) tức ý chỉ khi thị trường có thể nhanh chóng đi lên nhờ các khoản trợ cấp thì nó cũng dễ tan tành khi không còn bầu sữa này.

Các nhà phân tích cho rằng ít nhất 20 GW năng lượng mặt trời dự kiến ​được xây dựng ở Trung Quốc năm nay sẽ bị loại bỏ. Khi nhu cầu giảm, giá các tấm pin Trung Quốc sẽ giảm ít nhất một phần ba.

Theo nhà tư vấn năng lượng Benjamin Attia thuộc Công ty Wood Mackenzie, tùy thuộc vào mức độ giảm giá để khuyến khích các thị trường mới chấp nhận năng lượng mặt trời, năm nay có thể là năm đầu tiên kể từ năm 2000 ngành công nghiệp năng lượng mặt trời toàn cầu đình đốn. “Trong ngắn hạn, sự thay đổi chính sách sẽ làm thị trường Trung Quốc bất an”, một người trong ngành chia sẻ.

Chính sách xiết lại này được ban hành vào thời điểm mà ngành công nghiệp năng lượng mặt trời toàn cầu ngày càng có khả năng cạnh tranh sòng phẳng về giá với các nguồn phát điện thông thường như than, khí tự nhiên và hạt nhân. Các quốc gia châu Âu, gồm cả Anh và Tây Ban Nha, đã giảm mạnh FITs. Một câu hỏi quan trọng nhưng tế nhị được đặt ra: liệu đây có là kết thúc của việc bao cấp năng lượng mặt trời?

Trường hợp của Trung Quốc gần như là câu trả lời, FITs có thể biến mất nhưng các kiểu bao cấp khác đang dần thay thế. Các nhà phân tích nói rằng Trung Quốc quyết định bỏ FITs sau khi quỹ trợ cấp dành cho các nhà phát triển thâm hụt khoảng 15 tỷ đô la trong năm ngoái, nếu tiếp tục bù vào sẽ khiến tài chính công gặp khó khăn. Hệ lụy là các nhà phát triển năng lượng mặt trời không còn nhận được khoản bao cấp như trước. Một người trong ngành đã nói “ai cũng thích bao cấp, nhưng chỉ khi họ nhận được tiền”.

Paolo Frankl thuộc Cơ quan Năng lượng Quốc tế lưu ý rằng thông qua một chương trình gọi là “Top runner”, Trung Quốc gần đây đã bắt đầu thử nghiệm một kiểu đấu giá ngược để thay thế cho FIT đang trở nên phổ biến trên phạm vi quốc tế. Theo đó, các nhà phát triển năng lượng mặt trời đưa ra chi phí xây dựng và vận hành dự án thấp nhất sẽ giành chiến thắng. Mức giá bỏ thầu là mức họ sẽ tính trong các thỏa thuận mua bán điện dài hạn (PPA) cho loại điện họ sản xuất. Các PPA kiểu này đã hình thành nên các hồ sơ dự thầu giá thấp kinh ngạc ở những vùng đầy nắng, từ Arizona, Nevada tới Mexico, Abu Dhabi và Ấn Độ. Tại Trung Quốc, các PPA gần đây đã cắt giảm mạnh FIT, thậm chí vượt cả điện than – ông nói. Do đó, mục đích của Trung Quốc là khuyến khích có nhiều hơn nữa kiểu đấu đó để sản xuất năng lượng mặt trời, kể khi không có bao cấp. Lợi ích mang lại rất quan trọng với Trung Quốc. Giá pin thấp hơn vì thặng dư tạm thời sẽ khuyến khích giá thầu linh hoạt hơn, tiết kiệm tiền cho chính phủ và khiến năng lượng mặt trời cạnh tranh hơn so với điện than.

Tuy nhiên, mặc dù không nhiều người hoài nghi rằng PPAs ưu việt hơn FITs nhưng vẫn còn đó cuộc tranh cãi dữ dội xem đó có đều là một dạng bao cấp bóp méo thị trường hay không. Chẳng hạn, do các chính phủ đưa vào các mục tiêu năng lượng tái tạo mà các phương tiện dịch vụ công có thể bị buộc phải chìa tay ra cho các PPA năng lượng tái tạo thay vì các giải pháp thay thế là nhiên liệu hóa thạch. Các hợp đồng dài hạn có thể giúp các nhà phát triển năng lượng mặt trời có được nguồn tài trợ rẻ hơn. Điều đó nói lên rằng, ở Trung Quốc hay bất kỳ đâu, hiện giờ cũng rất khó khăn để xây dựng một nhà máy điện mà thiếu đi hỗ trợ công. Và những người theo chủ nghĩa thuần túy nói rằng bất kỳ dự án nhiên liệu hóa thạch nào triển khai mà không bị đánh thuế carbon thì cũng đang được hưởng bao cấp ngầm.

Động thái của Trung Quốc – mặc dù sẽ trì hoãn việc xây lắp thêm năng lượng mặt trời trong một thời gian – vẫn có thể làm cho ngành công nghiệp toàn cầu vững mạnh hơn. Sự thay đổi có thể thúc đẩy cải tiến trong ngành công nghiệp ở Trung Quốc, đưa bốn thành phần sản xuất chính, silic đa tinh thể, vòng đệm, pin và tấm quang năng, về cùng một mái nhà, như ở Jinko.

Công ty tư vấn Bloomberg New Energy Finance dự báo vào năm 2019, sẽ có nhiều thị trường hơn cho năng lượng mặt trời, do chi phí tấm quang năng giảm. Năng lượng mặt trời càng rẻ thì càng hấp dẫn, đặc biệt là ở những nước nghèo đang chật vật tìm cách đáp ứng nhu cầu năng lượng gia tăng. Attia lưu ý rằng các nhà thầu năng lượng mặt trời đã qua sơ tuyển tại Kuwait, công bố ngày 1/6, có liên quan đến các công ty bất động sản, khai thác mỏ và quốc phòng của Trung Quốc, thường không liên quan đến quang điện. Các công ty này có lẽ cố gắng chuyển lượng quang điện thặng dư của Trung Quốc ra nước ngoài.

Giá giảm khiến các nhà sản xuất năng lượng mặt trời của Trung Quốc, chịu mức thuế 30% do chính quyền Trump áp đặt từ tháng 1, có cơ hội cạnh tranh ở Mỹ (vẫn được bao cấp thông qua tín dụng thuế). Thuế đã ngăn cản sản phẩm silic quang điện của họ vào được thị trường Mỹ, đồng thời thúc đẩy doanh số của First Solar. Nhưng giá quang điện giảm 30% trở lên sẽ khiến thuế quan không còn là chướng ngại quá lớn nữa. Các nhà phân tích nói rằng đó là lý do cổ phiếu của First Solar đã giảm 1/5 kể từ ngày 1/6.

Các chuyên gia năng lượng mặt trời mong đợi “solarcoaster” sẽ qua cơn bĩ cực hiện tại. Nhưng chuyến đi vẫn còn dài.

Mặc dù thái dương năng là nguồn năng lượng mới lớn nhất thế giới trong năm ngoái, nhưng chỉ chiếm 2% điện năng toàn cầu. Những cải tiến công nghệ nhằm biến ánh sáng mặt trời thành năng lượng một cách hiệu quả hơn đang chững lại. Một lần nữa, Trung Quốc lại đi trước.

Chương trình “Top runner” tưởng thưởng cho những công ty thử nghiệm các công nghệ quang năng mới nhất, trong một nỗ lực để tăng tính cạnh tranh của thái dương năng. Jinko cho biết không quốc gia nào khác có được một chương trình như vậy. Điều tồi tệ là chương trình này chỉ dành cho các công ty Trung Quốc.

Khánh Hiền (Theo The Economist.com)