BVR&MT – Chỉ còn 02 ngày nữa là Tết rồi, Hà Nội dường như đã vội vàng lắm những ngày cuối cùng của năm, người người ai nấy đều tất tả ngược xuôi với những kế hoạch của riêng mình. 38 tuổi – chạm cái ngưỡng già chẳng ra già, mà trẻ cũng không phải trẻ, tôi giật mình hiểu rằng: Tết là chiếc vé tìm về tuổi thơ!
Tết là cái cớ còn lại để chúng ta thôi vội vàng
Cuộc sống ngày càng phát triển, con người cũng thế, họ không còn đứng nguyên một chỗ nhìn đất trời vận động nữa. Ra khỏi cánh cổng trường làng, dù là đi học hay sớm phải bước vào cánh cửa mưu sinh, thì dường như ấy là thời điểm những thế hệ trẻ họ sống với bên ngoài nhiều hơn là gia đình, họ hàng và bản quán.
Dù muốn dù không, cuộc sống hay cuốn người ta miết mải theo những vòng quay cuộc đời. Những lần về quê mỗi ngày một ít hơn vì bận; những cuộc gọi về gia đình cũng trở lên thưa thớt hơn, cũng vì bận. Họ không sai, đơn thuần đó là cuộc sống, bởi những người trưởng thành, họ cần phải bắt đầu cho chuyến xe cuộc đời – của riêng mỗi họ. Họ không được phép chây lười bản thân, không được phép dành thời gian quá nhiều cho quê nhà, cho gia đình và những người thân hữu dù rằng chẳng mấy ai là không muốn phải như vậy. Cuộc sống cuốn họ đi, dù muốn hay không, họ vẫn phải bị cuốn đi, như thế!
Sau tất cả, thì Tết sẽ là khoảng thời gian để chúng ta có cớ mà thôi đi những vội vàng của cuộc sống thường ngày.
Vì thế, dường như, tết là cái cớ để con người ta được phép nũng nịu với chính mình, là cái cớ để sâu thẳm mỗi con người – cái nỗi nhớ nhà – được vùng lên. Tết, là cái cớ để mỗi chúng ta không còn cho phép mình được vội vàng nữa, là cái cớ để họ tìm về bên nhau bên nghĩa gia đình, yêu thương.
Một anh công nhân lương ba cọc ba đồng, một chị lao công phải tằn tiện ba tháng trờ mới đủ tiền mua vé tàu về quên ăn tết; hay những đứa trẻ thành phố đã 365 ngày chưa được nhìn thấy mặt ông nội, tiếng bà ngoại… thì tết, là cái cớ để họ được dừng lại những vội vàng, những tất bật lo toan, đề về với nơi mà họ gọi là quê hương, là gia đình, là máu mủ ruột thịt.
Tết là tấm vé tìm về tuổi thơ
38 tuổi, tôi không còn cái háo hức mong được nhận lì xì tết, cùng không còn cái niềm vui được mẹ may cho tà áo mới, cũng chẳng còn cơ hội để chờ đợi những tiếng pháo nổ giòn như ngày xưa. Thế nhưng, có một điều, mà bấy nhiêu năm qua cho đến tận bây giờ tôi vẫn chẳng thể nào buông, ấy là cái giây phút đón giao thừa ở quê!
Chiều 30 Tết, như đa số các vùng khác, làng tôi đã nhộn nhịp lắm rồi. Tiếng lợn kêu, tiếng người cười nói xen lẫn màu của hoa đào, hoa mai, của những chùm quất chín vàng đung đưa trong gió. Đám trẻ con thì luôn vậy, chúng gào ầm từ đầu xóm đến cuối xóm, có đứa thì vẫn cứ thập thò nhìn lên mắc áo – ở đó có một bộ đồ mới toe mà đêm nay chúng sẽ được mặc.
Tết – chính là một tấm vé để chúng ta tìm về với tuổi thơ, những mộng mơ, hồn nhiên của một thời chưa vướng những mỏi mệt cuộc sống.
Các bà, các mẹ thì khỏi phải nói, họ luôn là những người “đầu tắt mặt tối” nhất. Có hàng trăm thứ phải chuẩn bị, lo toan. Những nghi lễ, những đồ đạc vật dụng cần thiết cho 3 ngày tết hầu như đều đã được chuẩn bị từ đầu tháng Chạp rồi, thế nhưng đến ngày 30 Tết thì họ vẫn chân dài chân ngắn tất bật thu xếp cho một ngày cuối năm. Thế nhưng, chỉ là ban ngày thôi nhé, sau đó tất cả mọi người dù là già trẻ hay trai gái..đều phải tắm nước lá thơm.
Ngày xưa, ông nội tôi bảo, nhà giàu hay nhà nghèo thì ngày cuối năm cũng phải nấy 1 nồi nước thơm thật to để cả nhà cùng tắm cho trôi đi những bụi bặm của năm cũ, trở thành một con người sạch sẽ và thanh tịnh khi năm mới sang.
Nồi nước thơm thường là nấu với các loại lá như bạc hà, kinh giới, ngải cứu, cỏ mật, cỏ tranh…có nhỏ một vài giọt tinh dầu như oải hương, quýt, sả. Nồi nước thơm ấy được người dân quê tôi quan niệm là một nhịp gột rửa cuối cùng của năm cũ, khiến cho con người ta trở nên thanh tịnh, tinh khiết hơn cho một năm mới sắp sang.
Sau bữa cơm chiều, thì không khí của ngày tết thực sự được ngập tràn. Các ông, các bố thì chuẩn bị áo quần để đi đền, đi chùa và lên các nhà thờ họ. Đám trẻ thì đã no bụng, ngồi xem tivi và thỉnh thoảng vẫn hếch mặt ra đường nhìn mỗi khi có tiếng hò hét. Các mẹ, các chị thì chạy xuống xem lại nồi xôi đã chín chưa, kiểm tra lại chỗ nén bánh chưng và chọn những chiếc bánh khô bày lên ban thờ hoặc là để riêng một vị trí nào đó cho những dự định của 3 ngày tết. Rồi thì chạy lên nhà, ngồi quây quần với gia đình. Họ nói chuyện về một năm đã đi qua, hỏi han sức khỏe và công việc của những người xa quê mới về… Đêm 30 năm nào cũng vậy, trời tối như mực, gió lạnh thì cứ khe khẽ thổi, thế nhưng trong những ngôi nhà thì luôn ấm bởi tiếng nói, tiếng cười.
12h đêm, khi thời khắc giao thừa điểm, là lúc mà dường như cuộc sống của cả một vùng được thực sự “ra đời”. Tất thảy mọi ngõ ngách, mọi con hẻm; từ sân nhà cho đến sân đình, sân chùa, thậm chí ngay trên đường làng đều nhộn lên những lời chào hỏi chúc tụng nhau. Những người nông dân ấy, có khi mới sáng hôm qua còn đang ngoài rụng cùng nhau be bờ đắp đất, có khi mời chiều nay đây còn sang nhà nhau giữ chân lợn hay giúp bắt đàn gà… Thế vậy mà, cái giờ khắc khi giao thừa sang, họ gặp nhau mà ngỡ như những tri kỷ tao nhân khách quý trăm năm mới hội ngộ. Họ ôm lấy nhau, cùng nắm tay, bắt tay nhau thật chặt nửa như lạ, nửa như quen mà chúc tụng nhau có được tuổi mới, một năm mới tuyệt vời hơn.
Cỗ giao thừa cũng đặc biệt lắm. Kỳ thực ra, chỉ có 2 món là xôi trắng và thịt gà luộc (có năm còn có thêm thịt ba chỉ luộc) với muối trắng. Đó là món đồ lễ thắp hương đón giao thừa, và sau khi làm lễ xong, con cháu được phép “thụ lộc” bằng chính xôi gà ấy. Có một điều mà đến bây giờ nhiều người vẫn tin là sự kỳ diệu, chưa thể lý giải được, đó là: cái món xôi thịt ấy dù chỉ là xôi trắng, thịt thì nhìn toàn mỡ (nhất là cái món thịt lợn luộc)…ấy thế mà ai đấy ăn cứ ngon lành như đang ăn đặc sản vậy. Đặc biệt, có một tình tiết khá thú vị là nhiều chị em con gái ngày thường không thể ăn được món thịt mỡ, ấy thế mà đêm giao thừa gắp miếng thịt mỡ lên, chấm với muối trắng và ăn cứ ngon ngon là…
Cuộc sống mỗi ngày một hiện đại, những quan niệm về cuộc sống cũng như các phong tục ngày tết cũng dần có những điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp. Thế nhưng không phải là tất cả, những gì được coi là nét văn hóa, là đặc trưng vẫn được những người nhà quê mỗi vùng miền trân trọng, gìn giữ. Như nhiều những người khác, tôi trở về quê như một người con xa xứ tìm về với sự xum họp, đoàn viên. Không còn khao khát được ăn ngon mặc đẹp nữa, cũng chằng còn ngây ngô chờ đợi những cái mới mà chỉ Tết mới có nữa. Thế nhưng, cái cảm giác, cái hồi hộp chờ đợi giây phút giao thừa lẽ rằng trăm năm nữa chắc vẫn còn vẹn nguyên. Đó không đơn thuần là giây phút của sự chuyển giao thời khắc, giao thoa đất trời nữa. Mà có lẽ, ấy chính là giây phút mỗi người cảm thấy vị sống ý nghĩa của đời mình…
Quả thực, tôi đã từng phì cười, rồi từng bức xúc, từng giận hờn những ai kia đang cố cổ súy cho quan điểm bỏ tết hay gộp tết. Nhưng rồi, sau những cảm giác nhất thời ấy, tôi biết, chẳng ai bỏ tết được đâu. Bởi Tết trong lòng người Việt, không đơn thuần chỉ là dịp lễ, mà nó còn là nguồn cội, là tinh hoa, là những thổn thức trái tim mỗi con người.
Không bỏ tết được đâu!
Xuân Thời