90 lô đất đấu giá ở Bắc Giang bị bỏ cọc

BVR&MT – Trong 10 tháng năm 2023, 90 lô trúng đấu giá tại các huyện Tân Yên, Lạng Giang, Hiệp Hòa của tỉnh Bắc Giang đến hạn nộp tiền nhưng khách hàng đã bỏ cọc, với số tiền lên đến gần chục tỷ đồng.

Theo Cục Thuế tỉnh Bắc Giang, 10 tháng năm nay, các địa phương trong tỉnh tổ chức 92 phiên đấu giá đất với tổng số 2.969 lô. Tổng số thu tiền sử dụng đất toàn tỉnh đạt 3.870 tỷ đồng, bằng gần 65% kế hoạch năm.

Tuy nhiên, qua rà soát, đến nay có 90 lô đất trúng đấu giá đã đến hạn nộp tiền sử dụng đất nhưng khách hàng bỏ cọc.

Các lô bị bỏ cọc tập trung nhiều tại các huyện Tân Yên, Lạng Giang, Hiệp Hòa. Tổng số tiền trúng đấu giá 90 lô là hơn 88,3 tỷ đồng, số tiền bỏ cọc gần 10 tỷ đồng.

Đến hết tháng 10, Bắc Giang có 90 lô đất bỏ cọc. (Ảnh minh họa/Cafeland)

Theo Chi cục Thuế khu vực Lạng Giang – Lục Nam, toàn huyện có 14 lô trúng đấu giá bị bỏ cọc thuộc khu dân cư thôn Chùa, xã Xuân Hương. Số tiền trúng đấu giá của các lô đất này hơn 22 tỷ đồng, tăng so với giá khởi điểm hơn 10 tỷ đồng. Số tiền bỏ đặt cọc hơn 1,7 tỷ đồng.

Tương tự, huyện Tân Yên tổ chức 12 phiên đấu giá, với 513 lô có quyết định trúng đấu giá. Trong đó, có 378 lô khách hàng đã nộp tiền sử dụng đất đúng thời gian quy định; 64 lô đã quá hạn song người trúng đấu giá chưa nộp tiền vào ngân sách nhà nước. Một số lô còn lại chưa hết hạn nộp tiền trúng đấu giá. Số tiền bỏ cọc ở Tân Yên hơn 6,5 tỷ đồng.

Từ nay đến cuối năm, theo kế hoạch, các huyện có những lô bỏ cọc sẽ tiếp tục tổ chức đấu giá để tăng thu tiền sử dụng đất.

Đây không phải là lần đầu xảy ra chuyện bỏ cọc trong việc đấu giá đất ở Bắc Giang. Trước đó, trong hai năm (2020-2021), trên địa bàn tỉnh tổ chức 161 cuộc đấu giá tài sản quyền sử dụng đất ở với 9.191 lô, trong đó số lô đấu thành công là 7.720, số lô bỏ cọc là 1.471.

Giới chuyên gia cho rằng, một trong số nguyên nhân khiến khách hàng bỏ cọc do thị trường bất động sản hạ nhiệt, giao dịch chuyển nhượng không còn sôi động. Cùng với đó, nhiều người tham gia đấu giá đất không có nhu cầu đất ở thực sự mà chỉ nhằm mục đích “lướt sóng” kiếm lời, hoặc để “thổi giá” những lô đất đã mua gần đó. Khi không bán nhanh được, họ chấp nhận bỏ tiền đặt cọc.

Tại kỳ họp thứ 6, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Bên cạnh việc nâng mức cọc, cấm tham gia đấu giá, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất bổ sung hình thức xử phạt tiền đối với các trường hợp trúng đấu giá nhưng bỏ cọc để chấn chỉnh tình trạng này.