41% số loài lưỡng cư đang bên bờ vực tuyệt chủng

BVR&MT – Các loài lưỡng cư trên Trái đất – từ loài ếch có vuốt sắc nhọn đến loài sa giông đỏ, cóc khổng lồ Tây Phi và kỳ nhông lửa – đang bị đẩy đến sát bờ vực diệt vong do môi trường sống bị phá hủy, tác động của dịch bệnh và biến đổi khí hậu, với 41% số loài hiện đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.

Một loài ếch cây xanh ở Australia. (Ảnh: Reuters)

Trên đây là những phát hiện được nêu trong một cuộc đánh giá toàn cầu về hơn 8.000 loài lưỡng cư – động vật có xương sống sống ở cả môi trường dưới nước và trên cạn, vừa được các nhà bảo tồn công bố hôm 4/10.

Theo dữ liệu thu thập được, tình trạng của các loài lưỡng cư trên thế giới hiện nay còn nghiêm trọng hơn nhiều so với thời điểm đánh giá tương tự lần đầu tiên được triển khai vào năm 2004, khi số loài bị đe dọa được xác định ở mức 39%.

Với sự tham gia của hơn 1.000 chuyên gia, đánh giá mới nhất chỉ rõ, các hoạt động của con người và biến đổi khí hậu đã làm đảo lộn sự cân bằng mong manh của hành tinh, gây tổn hại cho các hệ động vật và thực vật trên Trái đất.

Trong số các loài động vật có xương sống, động vật lưỡng cư đang ở trong tình trạng tồi tệ nhất – với 27% động vật có vú, 21% loài bò sát và 13% loài chim được phát hiện có nguy cơ tuyệt chủng trong các đánh giá riêng biệt.

Việc một loài được xác định bị đe dọa tuyệt chủng có nghĩa là loài đó đã được đánh giá là “cực kỳ nguy cấp”, “có nguy cơ”, hoặc “dễ bị tổn thương” trong “Sách Đỏ” các loài bị đe dọa của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).

Nhà bảo tồn Jennifer Luedtke thuộc tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu Re:wild có trụ sở tại Texas (Mỹ), tác giả chính của nghiên cứu trên, cho biết: “Phần lớn việc xác định các khu vực được bảo vệ và lập kế hoạch bảo tồn đều hướng tới nhu cầu của các loài động vật có vú và chim. Động vật lưỡng cư đang rơi vào tình trạng khó khăn”.

Một con ếch xanh mắt đỏ được nhìn thấy tại khu bảo tồn động vật hoang dã Montibell ở Nicaragua. (Ảnh: Reuters)

Động vật lưỡng cư xuất hiện lần đầu tiên cách đây hơn 300 triệu năm. Ba bộ lưỡng cư còn tồn tại đến ngày nay là: kỳ nhông và sa giông (60% loài bị đe dọa tuyệt chủng); ếch và cóc (39%); và giun không chân (16%). Nghiên cứu cho thấy, có 306 loài đã tiến gần đến bờ vực tuyệt chủng kể từ năm 2004.

“Điều cần thiết bây giờ là một phong trào toàn cầu nhằm thúc đẩy sự phục hồi của các loài lưỡng cư trên thế giới”, nhà bảo tồn Kelsey Neam, đồng tác giả nghiên cứu của Re:wild nhấn mạnh.

Các nhà nghiên cứu xác định, có 4 loài lưỡng cư đã biến mất trong vòng gần 20 năm qua và không có quần thể nào còn sống sót được biết đến, bao gồm một loài ếch từ Australia, một loài ếch từ Guatemala, một loài kỳ nhông từ Guatemala và một loài cóc từ Costa Rica.

Sự phá hủy và suy thoái môi trường sống, chủ yếu do hoạt động chăn nuôi và trồng trọt của con người gây ra, vẫn là mối nguy hiểm phổ biến nhất, ảnh hưởng đến 93% các loài lưỡng cư thuộc diện bị đe dọa. Tuy nhiên, dịch bệnh và biến đổi khí hậu đang góp phần khiến tỷ lệ các loài lưỡng cư bị đe dọa tuyệt chủng gia tăng.

Bà Kelsey Neam cho biết, động vật lưỡng cư đặc biệt nhạy cảm với những thay đổi của môi trường, một phần vì chúng thở bằng da.

Do đó, các tác động của biến đổi khí hậu – tần suất và cường độ gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan, thay đổi độ ẩm và nhiệt độ, mực nước biển dâng và cháy rừng – có thể dẫn đến sự biến mất của các địa điểm sinh sản quan trọng, tỷ lệ tử vong tăng, suy thoái và thay đổi môi trường sống, khiến động vật lưỡng cư khó tìm được nơi sinh sống thích hợp.

Theo kết quả nghiên cứu, các khu vực tập trung nhiều loài lưỡng cư bị đe dọa nhất là ở các đảo vùng Caribbe, Mexico và Trung Mỹ, vùng nhiệt đới Andes, Ấn Độ, Sri Lanka, Cameroon, Nigeria và Madagascar.

NGUỒNnhandan.vn
Tags:
CHIA SẺ