Xây dựng trái phép tại rừng phòng hộ ven biển Bạc Liêu

BVR&MT – Tình trạng nhiều hộ dân, trong đó có không ít cán bộ, đảng viên ngang nhiên lấn chiếm, xây dựng nhà kiên cố trên đất rừng phòng hộ ven biển ở Bạc Liêu diễn ra nhiều năm qua. Tuy nhiên, nhiều vụ việc không được chính quyền và ngành chức năng của tỉnh xử lý nghiêm, tạo tiền lệ xấu khiến tình trạng ngày càng nghiêm trọng.

Khu sinh thái ở xã Hiệp Thành (TP Bạc Liêu) ngang nhiên xây dựng trên khu đất rừng phòng hộ ven biển và phạm vi bảo vệ đê điều.

Tỉnh Bạc Liêu hiện có hơn 1.000 hộ dân với gần 3.000 nhân khẩu sống trong các khu rừng phòng hộ và tuyến đê biển hơn 50 km, chủ yếu thuộc các xã Hiệp Thành, phường Nhà Mát (TP Bạc Liêu); Vĩnh Hậu A, Vĩnh Hậu, Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình); Long Điền Đông, Long Điền Tây (huyện Đông Hải). Thời gian qua, chính quyền tỉnh Bạc Liêu đã nhiều lần lập dự án di dời dân cư sinh sống ở khu vực rừng phòng hộ vào năm khu tái định cư ở các huyện Hòa Bình và Đông Hải. Nhưng do kinh phí di dân tái định cư rất lớn; đồng thời, việc di dời các hộ dân chưa gắn liền với tạo việc làm mới, nên đời sống nhân dân không được ổn định. Đáng lưu ý, mấy năm gần đây, nhiều hộ dân, kể cả một số cán bộ, đảng viên đua nhau lấn chiếm, xây dựng nhà kiên cố bất hợp pháp trên đất rừng phòng hộ ngày càng nghiêm trọng hơn.

Những ngày cuối năm 2021, chúng tôi trở lại vùng ven biển Bạc Liêu, đi dọc theo đê biển Đông (từ phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu đến thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải), chứng kiến tại vùng biển này ngày càng nhiều hộ dân lấn chiếm đất rừng phòng hộ xây dựng nhà trái phép. Có rất nhiều hộ dân không chỉ ngang nhiên lấn chiếm mà còn xây dựng nhà kiên cố, vật liệu bê-tông cốt thép, hoặc xây dựng biệt thự bằng loại gỗ đắt tiền ngay trong đất rừng phòng hộ ven biển.

Một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ, chỉ tính trong năm 2021, ngành chức năng đã kiểm tra, lập biên bản xử lý hơn 90 trường hợp vi phạm, trong đó, nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra tại TP Bạc Liêu và các huyện Hòa Bình, Đông Hải. Chi cục Kiểm lâm đã kiểm tra, lập biên bản báo cáo về Ban Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh nhưng do chính quyền từ tỉnh và các huyện, TP Bạc Liêu xử lý không nghiêm nên tình trạng lấn chiếm, xây dựng nhà kiên cố trái phép ngày càng diễn ra sôi động, ngang nhiên hơn.

Điển hình như Công ty cổ phần đầu tư điện gió Hòa Bình 1 (Bạc Liêu) làm đơn gửi cơ quan chức năng của huyện và tỉnh xin cất chòi để quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ, nhưng qua kiểm tra, công ty này làm nhà gỗ hai tầng và các công trình khác, trị giá nhiều tỷ đồng trên đất rừng phòng hộ. Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Chi cục Thủy lợi, Chi cục Kiểm lâm, UBND xã Vĩnh Hậu A (huyện Hòa Bình) và Ban Quản lý rừng đặc dụng-Phòng hộ ven biển tỉnh Bạc Liêu đã kiểm tra, phát hiện và lập biên bản Công ty cổ phần đầu tư điện gió Hòa Bình 1 cất chòi trong rừng phòng hộ với hàng loạt vi phạm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu đã kiến nghị UBND tỉnh Bạc Liêu xem xét, xử lý. Nhưng vụ việc mấy tháng nay cứ nhùng nhằng, chưa được lãnh đạo tỉnh xử lý kiên quyết, dứt điểm khiến dư luận bức xúc.

Một vụ việc khác là công trình xây dựng trong phạm vi bảo vệ đê điều, nằm sát với tuyến đê biển Đông ở xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu. Cụ thể, tháng 5/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 55 triệu đồng đối với ông Trần Văn Hiếu (sinh năm 1952, cán bộ, đảng viên đã nghỉ hưu ở ấp Giồng Nhãn A, xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu) là hộ hợp đồng nhận khoán đất lâm nghiệp. Đáng lưu ý, hành vi của hộ ông Hiếu được xác định vi phạm hành chính “Xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ đê điều”, vi phạm quy định tại điểm b, khoản 6, Điều 20 Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều. Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng buộc ông Hiếu tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm trả lại hiện trạng ban đầu. Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu ban hành đã nhiều tháng qua, nhưng công trình vẫn tồn tại.

Cũng tại vùng ven biển Bạc Liêu (khu vực đê biển, thuộc phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu), Công ty TNHH MTV Dịch vụ sinh thái Đông Á Bạc Liêu (Công ty Đông Á) xây dựng công trình trái phép. Lãnh đạo công ty này là một đảng viên, giám đốc một đơn vị kinh tế cổ phần cấp tỉnh vừa nghỉ việc. Vụ việc này đã bị Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 110 triệu đồng, buộc tự tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng vi phạm. Ông Trần Văn Mậu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bạc Liêu cho biết, hiện Công ty Đông Á đã nộp đủ tiền đóng phạt, gửi đơn xin phép cho công trình tồn tại. Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đã bác đơn. Song, nhiều tháng trôi qua, hiện nay công trình vẫn tồn tại.

Khu vực rừng phòng hộ ven biển Bạc Liêu có tác dụng hết sức quan trọng trong việc chắn gió bão, sóng biển, bảo vệ đê điều, bảo vệ môi trường và cuộc sống bình yên của người dân. Song, do lợi ích cá nhân trước mắt, một số người, trong đó có không ít cán bộ, đảng viên đã chặt phá, lấn chiếm đất rừng phòng hộ ven biển, xây dựng công trình trái phép.

Công ty cổ phần đầu tư điện gió Hòa Bình 1 ngang nhiên xây dựng công trình trên đất rừng phòng hộ.