Xây dựng thông tin cảnh báo sớm, bản đồ phân vùng rủi ro lũ quét, sạt lở đất

BVR&MT – Rà soát, xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, quy trình, quy định kỹ thuật phục vụ triển khai các nhiệm vụ liên quan đến phân vùng và cảnh báo sớm thiên tai sạt lở đất, lũ quét.

Ảnh minh họa: TTXVN phát

Trong đó, ngành Tài nguyên và Môi trường tập trung xây dựng và hoàn thiện các quy định, quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, kỹ thuật đo đạc, điều tra khảo sát hiện trạng, lập bản đồ phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro do lũ quét, sạt lở đất hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện. Đây là một trong những nhiệm vụ được đưa ra tại Kế hoạch thực hiện Đề án Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và hoàn thiện định mức kinh tế – kỹ thuật về công tác điều tra, khảo sát chi tiết, lập bản đồ phân vùng nguy cơ và phân vùng rủi ro sạt lở đất, lũ quét ở tỷ lệ lớn; xây dựng văn bản về quy chế phối hợp, vận hành, khai thác và cập nhật hệ thống dữ liệu sạt lở đất, lũ quét; cung cấp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý – điều tra, đánh giá – chính quyền – cộng đồng dân cư địa phương trong công tác cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét.

Bộ thiết lập và duy trì vận hành hệ thống thông tin – cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét gồm: Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét. Thiết lập Hệ thống thông tin – cảnh báo sớm: nâng cấp, phát triển các mô hình cảnh báo sạt lở đất, lũ quét cho 37 tỉnh trung du, miền núi Việt Nam. Xây dựng hệ thống thông tin – cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét thời gian thực, có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, cơ quan cảnh báo, dự báo và người dân trong thu nhận, phân tích, xử lý thông tin dữ liệu; vận hành thử nghiệm tại Trung ương và 37 tỉnh trung du, miền núi Việt Nam. Duy trì vận hành Hệ thống thông tin – cảnh báo sớm; đầu tư trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ vận hành hệ thống cảnh báo sớm. Xây dựng quy chế vận hành, khai thác và cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung; ứng dụng công nghệ viễn thám để giám sát, cập nhật cơ sở dữ liệu phục vụ cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét cho hệ thống thông tin – cảnh báo sớm.

Bộ tiến hành điều tra, xây dựng bộ dữ liệu, lập bản đồ hiện trạng, bản đồ phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ 1:10.000 và lớn hơn cho 150 khu vực rủi ro cao (ưu tiên thực hiện trước cho các khu vực có nguy cơ diễn biến thiên tai sạt lở đất, lũ quét phức tạp. Ứng dụng công nghệ viễn thám để điều tra, giám sát, cập nhật thông tin hiện trạng sạt lở đất, lũ quét và các lớp thông tin phục vụ cảnh báo sớm. Xác định các khu vực trọng điểm có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét. Điều tra, khảo sát thực địa, thu thập thông tin về sạt lở đất, lũ quét. Thông tin cơ sở hạ tầng, dân sinh, kinh tế; đặc điểm địa chất – khí tượng thủy văn phục vụ tính toán lập bản đồ phân vùng tính dễ bị tổn thương, mức độ phơi bày do sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ 1:10.000 và lớn hơn; lập bản đồ hiện trạng sạt lở đất, lũ quét, bộ bản đồ thành phần địa chất, thủy văn tỷ lệ 1:10.000 và lớn hơn cho 150 khu vực rủi ro cao với sạt lở đất, lũ quét; lập bản đồ phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro thiên tai do sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ 1:10.000 và lớn hơn cho 150 khu vực rủi ro cao với sạt lở đất, lũ quét.

Ngành Tài nguyên và Môi trường điều tra, xây dựng bộ dữ liệu, lập bản đồ hiện trạng, bản đồ phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ 1:50.000 và tỷ lệ 1:25.000 cho 37 tỉnh trung du và miền núi Việt Nam: Ứng dụng công nghệ viễn thám để điều tra, giám sát, cập nhật thông tin hiện trạng sạt lở đất, lũ quét và các lớp thông tin phục vụ cảnh báo sớm. Ngành xác định các khu vực trọng điểm có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét; điều tra, khảo sát thực địa, thu thập thông tin về sạt lở đất, lũ quét; thông tin cơ sở hạ tầng, dân sinh, kinh tế; đặc điểm địa chất – khí tượng thủy văn phục vụ tính toán lập bản đồ phân vùng tính dễ bị tổn thương, mức độ phơi bày do sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ 1:50.000 và tỷ lệ 1:25.000 cho 37 tỉnh trung du, miền núi Việt Nam.

Ngành lập bản đồ hiện trạng sạt lở đất, lũ quét, bộ bản đồ thành phần địa chất, thủy văn tỷ lệ 1:50.000 và tỷ lệ 1:25.000 cho 37 tỉnh trung du, miền núi Việt Nam; lập bản đồ phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro thiên tai do sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ 1:50.000 và tỷ lệ 1:25.000 cho 15 tỉnh và cập nhật bản đồ phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro thiên tai do sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ 1:50.000 và tỷ lệ 1:25.000 cho 22 tỉnh đã thực hiện tại Chương trình 705 (Quyết định số 705/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn).

Ngành tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế trong cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét; nâng cao năng lực cộng đồng trong truyền thông và sử dụng thông tin cảnh báo sớm; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại trong dự báo, cảnh báo và xây dựng Hệ thống thông tin – cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét; nâng cao năng lực truyền thông, sử dụng thông tin cảnh báo sớm phục vụ phòng, tránh sạt lở đất, lũ quét trong cộng đồng, giảm nhẹ thiệt hại do sạt lở đất, lũ quét. Ngành tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chia sẻ phương pháp, thông tin dữ liệu, kinh nghiệm trong cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét và phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật, tài chính của các quốc gia, các tổ chức quốc tế đối với công tác cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét…

Năm 2023, nước ta đã xảy ra trên 1.100 trận thiên tai, khiến 166 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 8.236 tỷ đồng. Trong đó, một số đợt thiên tai lớn, gây hậu quả nghiêm trọng tập trung vào các loại hình thiên tai như mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở đất: Sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) làm 3 chiến sĩ và 1 người dân bị vùi lấp; sạt lở tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) làm 2 người chết, 5 người bị thương; mưa lớn gây lũ quét tại thị xã Sa Pa và huyện Bát Xát (Lào Cai ) khiến 9 người chết; 3 đợt mưa lớn tại miền Trung từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11 làm 14 người chết, mất tích…

Trước sự bất thường, cực đoan của thiên tai, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, kịp thời các giải pháp ứng phó. Trong các đợt thiên tai lớn năm 2023, các địa phương đã chủ động triển khai ứng phó từ sớm, từ xa, góp phần giảm thiểu thiệt hại.

Tags: ,
CHIA SẺ