BVR&MT – Pa Khóa là xã tái định cư nghèo 30a và 135, mới được thành lập của huyện Sìn Hồ để thực hiện xây dựng các công trình thủy điện dự án thủy điện Lai Châu. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn ở mức cao (trên 55%). Sau 10 năm tái định cư các bản về Pa Khóa vẫn đang loay tìm đường cho ổn định sản xuất và thoát nghèo.
Thực hiện Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 30/1/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án thuỷ điện Lai Châu. Huyện Sìn Hồ có hơn 2.400 hộ với trên 12.000 khẩu ở 49 bản thuộc 9 xã phải di dời về 27 điểm tái định cư. Riêng xã Pa Khóa có 5/7 bản tái định cư. Sau hơn 10 năm về nơi ở mới, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã Pa Khóa hiện nay vẫn chiếm đến trên 55%. Riêng bản Phiêng Phai có 94 hộ thì có đến 70 hộ nghèo (chiếm 74%).
Đặc biệt năm 2016 áp dụng chuẩn nghèo đa chiểu, sau khi rà soát, tỷ lệ hộ nghèo của Pa Khóa đã tăng từ 74 hộ lên 293 hộ nghèo chiếm 70%.
Là xã thuần nông nên nguồn thu nhập chính của người dân ở các bản tái định cư tại Pa Khóa chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Nhưng tình trạng thiếu đất sản xuất, thiếu nước tưới tiêu, và phải dựa vào thời tiết, nhưng cũng chỉ làm được một vụ/năm, nên nhiều hộ dân các bản ở Pa Khóa đã phải quay về nơi ở cũ để làm ăn và để có đất sản xuất.
Mặc dù cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, khang trang, tuy nhiên, do thiếu đất sản xuất, thiếu nước tưới tiêu và sinh hoạt nên cuộc sống của người dân sau tái định cư vẫn còn nhiều khó khăn, kinh tế bấp bênh, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao. Pa Khóa vẫn gian lan trên con đường ổn định sản xuất và thoát nghèo.
Hệ thống thủy lợi dẫn nước vào các khu sản xuất nông nghiệp vừa thiếu và không hiệu quả nên việc sản xuất nông nghiệp của bà con ở Pa Khóa phần lớn phải dựa vào thời tiết để canh tác. Đường nước sinh hoạt đã được đầu tư xây dựng và sửa chữa nhiều lần nhưng vẫn xuống cấp và hỏng, dẫn đến tình trạng không đáp ứng được nhu cầu dùng nước của nhân dân trong các bản, nhiều hộ trong bản phải bỏ tiền túi ra để đào, khoan giếng lấy nước sinh hoạt, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống ổn định của nhân dân tái định cư Pa Khóa.
Ông Tẩn A Lành, Bí thư Đảng ủy xã Pa Khóa cho rằng: Trong 5 bản tái định cư của Pa Khóa thì người dân bản Phiêng Phai có đời sống kinh tế khó khăn nhất (hộ nghèo chiếm 74%).. Tại các bản khác, nhờ tích cực tuyên truyền, hướng dẫn bà con ngoài việc trồng lúa, trồng ngô, đã biết tận dụng vùng ngập lòng hồ thủy điện để đánh bắt thủy sản. Tuy nhiên hiện nay người dân mới chỉ biết đánh bắt nguồn thủy sản tự nhiên mà không nuôi trồng thì cũng không bền vững. Cho nên cái cần là hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật cho người dân để họ biết chuyển đổi hình thức canh tác, sản xuất, từng bước thoát nghèo.
Cũng theo ông Lành: Cái được của tái định cư là cơ sở vật chất tốt hơn, dân sống tập trung hơn, đầu tư hệ thống công trình phúc lợi xã hội của Nhà nước tiện hơn. Bộ mặt thay đổi, chất lượng cuộc sống người dân có nâng lên nhưng không nhiều, thời gian tới lãnh đạo xã cũng đang xem xét huy động bà con trồng thêm cây nghệ, cây quế tăng thêm thu nhập. Đồng thời, đề nghị Nhà nước, các cấp chính quyền quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống cung cấp nước phục vụ sản xuất, nước sinh hoạt, hỗ trợ cây giống, phân bón, hỗ trợ vốn… giúp bà con có thể khai hoang thêm, trồng hai vụ lúa một vụ ngô để ổn định cuộc sống.
Theo ông Lò Văn Chung bí thư chi bộ bản Phiêng Phai cho biết: Hiện nay bản Phiêng Phai nhiều hộ dân nằm trong diện đói nghèo do không có đất hoặc có đất nhưng không có nước sản xuất. Hàng năm, số hộ đói giáp hạt được nhận gạo cứu trợ của Nhà nước trong bản là trên 30 hộ.
Sau hơn 10 năm tái định cư, đời sông nhân dân các bản ở xã Pa Khóa vẫn còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế thì bấp bênh, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã vẫn ở mức cao, và đang loay hoay trên con đường ổn định đời sống sản xuất của nhân dân và giảm nghèo bền vững.
Hiện Pa Khóa đang triển khai thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới theo nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh, từ đó phát huy nội lực, đầu tư đồng bộ hạ tầng sản xuất nông nghiệp để phát triển kinh tế địa phương, ổn định cuộc sống của nhân dân các bản.
Phượng Long