Vườn quốc gia Pù Mát hướng đến Vườn di sản ASEAN

BVR&MT – Theo Ban quản lý rừng quốc gia Pù mát, bảo vệ động vật hoang dã tại 2 khu vực bảo vệ đặc biệt, 2 tổ bảo vệ rừng thuộc Vườn quốc gia Pù Mát được thành lập với 12 thành viên. Tổ Cò Phạt có 6 thành viên làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ khu vực bảo vệ đặc biệt Khe Bống. Tổ Khe Choăng có 6 thành viên làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ khu vực bảo vệ đặc biệt Khe Choăng. Mỗi thành viên của các tổ bảo vệ rừng tổ chức tuần tra 15 ngày/tháng, hoạt động từ đầu năm 2018 đến nay.

Phối hợp tuần tra rừng trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát.


Sau gần 3 năm hoạt động, sự tác động của người dân vào 2 khu vực bảo vệ đặc biệt đã giảm rõ rệt, năm 2020 chỉ còn một tác động là dấu vết của người dân để lại. Có thể là họ đi lấy cây thuốc hay đi săn bắn động vật. Điều này cho thấy, 2 khu vực bảo vệ đặc biệt đã được bảo vệ tốt, đảm bảo môi trường sống an toàn cao cho các loài động vật ở đây.

Ngoài ra, Tổ chức SVW còn hỗ trợ kinh phí cho vườn tuyển dụng, hợp đồng lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách và thành lập đội Anti Poaching (đội chống săn trộm) để phối hợp với kiểm lâm Pù Mát tuần tra bảo vệ rừng, tháo gỡ bẫy thú, xử lý vi phạm về lâm Luật. Mỗi thành viên đội chống săn trộm sẽ phối hợp với Kiểm lâm vườn quốc gia tuần tra bảo vệ rừng tối thiểu 15 ngày/tháng.

Sau một thời gian ngắn đã có 85 người tham gia tuần tra rừng 593 ngày và gần 6.000km đi bộ tuần tra, xử lý, trục xuất hơn 200 người ra khỏi rừng hoặc xử lý vi phạm về lâm luật; phá huỷ 539 lán trại; tháo gỡ 4.655 bẫy thú; xử lý cứu hộ hoặc tái thả động vật còn sống 18 cá thể, số lượng động vật chết 93 cá thể, số lượng động vật chết không tính được bằng con 23kg; tịch thu xử lý 11 kích cá.

Với sự quyết liệt trong công tác bảo vệ, đến nay hoạt động khai thác gỗ vì mục đích thương mại đã được ngăn chặn. Tình trạng đặt bẫy bắt động vật hoang dã đã giảm hẳn so với trước đây. Đặc biệt, 2 vùng bảo vệ đặc biệt có sự phân bố tập trung của các loài động vật đã được bảo vệ nghiêm ngặt, trở thành vùng không săn bắt, đảm bảo môi trường sống an toàn cao cho các loài động vật. Đặc biệt, việc triển khai ứng dụng phần mềm Smart vào công tác tuần tra rừng cho tất cả Kiểm lâm và các lực lượng bảo vệ rừng của vườn. Kết quả đã thực hiện việc tuần tra đúng theo kế hoạch, báo cáo kết quả tuần tra rừng rõ ràng, thể hiện thông tin so sánh… để làm cơ sở xây dựng kế hoạch tuần tra và đánh giá hiệu quả bảo vệ rừng trên các địa bàn của Vườn quốc gia Pù Mát. Đặc biệt, hỗ trợ kiểm tra, giám sát có hiệu quả hoạt động tuần tra bảo vệ rừng.

Ông Trần Xuân Cường – Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát – cho biết: “Trong 3 năm qua trong diện tích Vườn quốc gia Pù Mát đã không còn tình trạng khai thác gỗ vì mục đích thương mại; tình hình đánh bắt huỷ diệt nguồn lợi thuỷ sinh cơ bản được khống chế; chấm dứt tất cả các điểm nóng khai thác lâm sản và săn bắt động vật hoang dã. Ban quản lý vườn cũng làm tốt việc hợp tác bảo tồn liên biên giới với nước bạn Lào trong bảo tồn đa dạng sinh học”.

Cũng theo ông Cường, vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét đề cử Vườn quốc gia Pù Mát thành Vườn Di sản ASEAN (AHP). Qua xem xét nhận thấy, Vườn quốc gia Pù Mát có tiềm năng, đủ điều kiện để trở thành AHP. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ An về việc đề cử danh hiệu Vườn di sản ASEAN cho Vườn quốc gia Pù Mát. Theo đó, Bộ đồng ý về chủ trương xây dựng hồ sơ và đề cử danh hiệu AHP cho Vườn quốc gia Pù Mát, tỉnh Nghệ An.

Thời gian tới, Ban quản lý vườn sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu, quy hoạch lại các phân khu chức năng phù hợp với thực tiễn nhằm bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng, bảo tồn các loài động vật hoang dã, phát triển sinh kế cho đồng bào các dân tộc sinh sống trong vùng lõi và vùng đệm. Thực hiện tốt quy chế phối hợp trong quản lý, bảo vệ rừng; tăng cường hợp tác trong bảo tồn sinh học… Ngoài ra, Ban quản lý vườn cũng sẽ có kế hoạch mở rộng Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã, thực hiện chương trình sinh sản bảo tồn các loài động vật quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ trong chương trình bảo tồn quốc gia.

Nằm ở sườn phía Đông dãy Trường Sơn, vườn quốc gia Pù Mát trải dài trên 3 huyện miền núi Con Cuông, Anh Sơn và Tương Dương của tỉnh Nghệ An. Pù Mát theo tiếng của đồng bào dân tộc Thái có nghĩa là những con dốc cao. Vườn quốc gia Pù Mát được thành lập năm 1995 và được Tổ chức Khoa học giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2007.

Theo kết quả điều tra của Viện Điều tra quy hoạch rừng năm 1992 thì Vườn quốc gia Pù Mát có 1.297 loài thực vật bậc cao, 64 loài thú, 137 loài chim, 25 loài bò sát, 15 loài lưỡng cư.

Hậu Thạch