Vườn Quốc gia Chư Mom Ray (Kon Tum): Thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng

BVR&MT – Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm gìn giữ nguồn tài nguyên rừng. Thời gian qua, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Chư Mom Ray không để xảy ra cháy rừng, các cánh rừng được quản lý, bảo vệ tốt. Trong đó, tập trung thực hiện tốt công tác giao khoán diện tích rừng mới cho các cộng đồng bảo vệ cũng như tăng cường quản lý diện tích rừng mới tiếp nhận từ các địa phương.

Cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Vườn Quốc gia Chư Mom Ray tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng.

Tháng 9 năm 2022, thông qua nguồn ngân sách Nhà nước thuộc Tiểu dự án 1 của Dự án 3 trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (giai đoạn 2021-2025), Ban Quản lý Vườn Quốc gia Chư Mom Ray triển khai việc giao khoán mới 13.000 ha rừng trong tổng số diện tích 56.249 ha rừng của đợn vị cho 16 cộng đồng các thôn, làng sống ở khu vực giáp ranh bảo vệ.

Cùng với việc triển khai giao khoán 3.400 ha rừng trong năm 2022 cho 7 cộng đồng ở các xã Rờ Kơi, Sa Nhơn, Sa Loong, Bờ Y, Đắk Kan bảo vệ với số tiền 2,8 tỷ đồng thuộc chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tổng diện tích rừng mà Ban Quản lý Vườn Quốc gia Chư Mom Ray giao khoán cho các cộng đồng bảo vệ đạt 16.400 ha. Thông qua công tác giao khoán đã tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho các cộng đồng ổn định đời sống, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ rừng

Những cánh rừng màu xanh.

Đầu năm 2022, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Chư Mom Ray tiếp nhận 4.444,25 ha rừng từ UBND các xã, thị trấn của huyện Sa Thầy và huyện Ngọc Hồi theo Quyết định số 1047/QĐ-UBND ngày 10/11/2021 và Quyết định số 1084/QĐ-UBND ngày 21/11/2021 của UBND tỉnh Kon Tum.  Việc tiếp nhận các diện tích rừng mới này đã nâng tổng diện tích rừng của Ban Quản lý lên 60.693,25 ha. Sau khi tiếp nhận, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Chư Mom Ray tiến hành kiểm tra thực địa, xác định cụ thể về diện tích, hiện trạng rừng và ranh giới giáp ranh, triển khai cập nhật bổ sung các diện tích rừng lên phần mềm bản đồ của đơn vị, bàn giao tạm thời các diện tích rừng cho các Trạm Quản lý bảo vệ rừng. Đồng thời điều động, luân chuyển, bổ sung cán bộ tại các Trạm Quản lý bảo vệ rừng để đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm, chung tay bảo vệ và phản ánh, cung cấp thông tin kịp thời nếu phát hiện các thay đổi về hiện trạng rừng hoặc có hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp xảy ra trên các diện tích rừng đơn vị vừa tiếp nhận.

Đối với công tác Quản lý bảo vệ rừng , PCCCR Quý I/2023 đã tổ chức 12 cuộc tuyên truyền với 480 lượt người tham gia. Trong đó tuyên truyền cấp xã 02 đợt với 80 lượt người dân tham gia, nội dung tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ rừng, chấp hành nghiêm các quy định về BVR, PCCCR. Đã tổ chức 10 cuộc truyền thông tại 10 trường THCS ở các xã vùng đệm với 400 lượt học sinh tham gia, cấp phát 7.000 cuốn vở và 400 áo cho các em học sinh.Thực hiện việc ký cam kết BVR,PCCCR với 211 hộ dân có nương rẫy giáp ranh giới Vườn Quốc gia về hoạt động bảo vệ rừng, hạn chế thấp nhất các hành vi xâm hại vào rừng.

Mặt khác, triển khai thực hiện 1.401 đợt tuần tra, kiểm tra rừng với 6.562 lượt người tham gia. Trong đó, huyện Ngọc Hồi :162 đợt với 1.005 lượt; huyện Sa Thầy :1.239 đợt với 5.557 lượt. Kết quả thu gỡ 1.534 dây bẫy các loại, kịp thời trục xuất người vào rừng trái phép.  Phối hợp với UBND các xã vùng đệm, lực lượng Biên phòng, Công an, Kiểm lâm địa bàn tuần tra, kiểm tra 17 đợt với hơn 60 lượt người tham gia. Chuẩn bị tốt các điều kiện tại chỗ, chuẩn bị lực lượng và phương tiện sẵn sàng cho công tác phòng và chữa cháy rừng mùa khô và kế hoạch bảo vệ rừng năm 2023 đạt kết quả tốt. Vì vậy, từ đầu năm 2023 đến nay trên địa bàn Vườn Quốc gia Chư Mom Ray không xảy ra cháy rừng.

Để thực hiện công tác bảo vệ rừng hiệu quả hơn nữa, trong năm 2023, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Chư Mom Ray sẽ tiếp tục áp dụng công nghệ GIS, WebGis, công cụ SMART trong các hoạt động tuần tra, kiểm tra rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, tiếp tục thực hiện công tác cứu hộ động vật hoang dã, bảo tồn các loài lan rừng. Ngoài ra, đơn vị triển khai các hoạt động xúc tiến kêu gọi thu hút đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo đề án đã được UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt.

Lê Hồng