BVR&MT – Mưa lớn nhiều ngày liên tục gây ra một trận lũ quét tại xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Đây là địa điểm có nhiều homestay, khu nghỉ dưỡng đang hoạt động. Những khu nghỉ dưỡng hoành tráng mọc lên trên những quả đồi khiến nhiều người dân xung quanh hoài nghi về lý do sạt lở.
Bài liên quan:
Chiều ngày 4/8, trên mạng xã hội thông tin lan truyền nhiều hình ảnh về các ô tô con đỗ ven đường bị lấp gần hết bánh xe bởi đất đá và bùn thải kèm mưa lũ. Thông tin lan truyền xảy ra tại tại Đội 5, xóm Ban Tiện, thôn Phù Ninh, xã Minh Phú, Sóc Sơn (gần hồ Ban Tiện).
Địa điểm sạt lở nằm ở giữa con dốc đường lên đồi Dõng Chum (núi Hàm Lợn), mặc dù trời có mưa, thế nhưng công tác dọn dẹp bùn đất diễn ra khẩn trương, thuận lợi.
Một người dân xã Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội cho biết, đây là lần đầu tiên anh chứng kiến vụ sạt lở xảy ra trên địa bàn, theo anh người này ngoài việc trời mưa lớn thì nguyên nhân của vụ sạt lở cũng một phần do tác động của con người.
“Trước đây có thời điểm trời mưa nhiều ngày liên tục nhưng nước tự thoát xuống hồ gần đó, không có tình trạng sạt lở kéo theo nhiều đất đá như ngày hôm qua. Tôi nghĩ nguyên nhân một phần cũng do tác động từ con người, trước đây cây cối nhiều, giữ đất tốt còn bây giờ nhiều công trình mọc lên, ảnh hưởng đến nền đất khiến kết cấu đất yếu đi”, Người này nói.
Mặt đường đã được dọn dẹp, tuy nhiên vẫn còn nhiều đoạn ngập bùn, đất, các phương tiện được khuyến cáo không lưu thông qua khu vực này.
Theo ghi nhận, xung quanh điểm sạt lở có khoảng 5 khu nghỉ dưỡng, homestay đã hoàn thiện và đi vào hoạt động. Một số khu đất ở phía dưới chân đồi Dõng Chum đã được dọn dẹp, đắp bờ và làm đường dẫn để chuẩn bị thi công.
Được biết, khu vực hồ Đồng Đò, hồ Ban Tiện ở chân núi Hàm Lợn vài năm nay là điểm du lịch, cắm trại, nghỉ dưỡng ưa thích của nhiều người dân Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Theo báo cáo của UBND xã Minh Phú, 5 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn xã có 23 công trình xây dựng vi phạm. Qua 2 đợt cưỡng chế, đến nay đã xử lý được 15/23 công trình. Hiện UBND xã đang xây dựng kế hoạch để cưỡng chế 8 công trình vi phạm còn lại.
Trước đó, Bảo vệ Rừng và Môi trường có bài viết phản ánh tại xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn hàng loạt homestay, resort được xây dựng la liệt, kiên cố tại các địa điểm ven sườn đồi, nguy cơ dẫn đến hiểm họa sạt lở đất nghiêm trọng. Đáng chú ý, những công trình này còn có dấu hiệu xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp.
Tuy vậy những phản ánh của Bảo vệ Rừng và Môi trường không được chính quyền xã Minh Phú và huyện Sóc Sơn lưu tâm. Đặc biệt, chính quyền huyện này còn “làm ngơ” không phản hồi cơ quan báo chí! Phải chăng chính quyền huyện Sóc Sơn có khuất tất trong việc này?
Thứ trưởng Bộ TN&MT: Nguy cơ sạt lở lớn hơn ở những nơi con người tác động
Từ vụ sạt lở ở đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, cho biết các chuyên gia, nhà khoa học đã phân tích nguyên nhân gây sạt lở đất, đá.
Lý giải thêm về hiện tượng này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường giải thích với sườn núi, sườn đồi tự nhiên, sự phong hóa đất đá xảy ra từ từ. Đất đá trượt lở một cách từ từ tạo nên sườn dốc tự nhiên.
“Nhưng khi con người cần không gian phát triển, có hoạt động như chuyển đất rừng thành đất trồng cây, san gạt đất làm nhà, làm đường, làm hồ chứa nước, thủy lợi, cấu trúc mặt đất thay đổi”, theo ông Thành, nguy cơ sạt lở ở những nơi này lớn hơn khi xảy ra mưa to.
Thứ trưởng Lê Công Thành cũng thông tin về cách phát hiện dấu hiệu sạt lở là thấy vết nứt xuất hiện, cây cối trên sườn đồi núi nghiêng theo một hướng hoặc có tiếng nổ trong lòng đất. Khi phát hiện những dấu hiệu này, địa phương cần theo dõi và yêu cầu phải di dời khi nguy cơ lớn.
Được biết, hiện nay ở địa bàn xã Minh Phú có hàng loạt homestay, resort được xây dựng dựng la liệt, kiên cố tại các địa điểm ven sườn đồi, nguy cơ dẫn đến hiểm họa sạt lở đất nghiêm trọng.
Như trên địa bàn thôn Lâm Trường, không khó để nhận ra các homestay, khu nghỉ dưỡng mang nhiều phong cách khác nhau như: SH HOMESTAY, ALOHA VALLEY, LA PINETA HOMESTAY, LUCKY HOUSE, LAGOIE, GOLD MOON GARDEN, NGO MINH GARDEN, CUPID HOUSE,… cùng với đó là nhiều nhà vườn, nhà hàng sang trọng được xây dựng nằm ngay rừng phòng hộ.
Việc mất đi diện tích rừng tự nhiên thay thế bằng những biệt thự, resort hoặc những diện tích rừng trồng đơn loài có chu kỳ kinh doanh ngắn hoặc những cây công nghiệp ở những khu vực có địa hình dốc, khu vực phòng hộ xung yếu đầu nguồn đã làm cho tình trạng sạt lở, lũ lụt xảy ra ngày một nghiêm trọng dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày một cực đoan.
Do đó, để bảo vệ nguồn nước, tài sản và tính mạng con người trước những hiểm họa của thiên nhiên, chúng ta cần thúc đẩy việc quản lý, bảo vệ và trồng mới các loài cây bản địa để nâng cao năng lực phòng hộ, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước và đa dạng sinh học.
Đúng là biến đổi khí hậu đã làm cho thời tiết ngày càng cực đoan hơn, khó lường hơn, vì thế mà thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết cực đoạn ngày càng lớn. Nhưng không phải bất cứ vấn đề, vụ việc nào cũng đổ lỗi cho biến đổi khí hậu. Hãy chung sống hoà hợp với thiên nhiên để được Mẹ thiên nhiên chở che và bảo vệ. Cần nương tựa vào thiên nhiên để sống. Và đừng bao giờ nghĩ con người là chủ nhân của hành tinh này, mà trước hết, cần tồn tại ở hành tinh này bằng tâm thế tương sinh.
Sơn Tinh