BVR&MT – Xây dựng trạm trộn bê tông trên đất nông nghiệp, tập kết cát trái phép trên hành lang thoát lũ là những gì đang diễn ra tại phía Nam cầu Thái Hà thuộc địa bàn xã Chân Lý, huyện Lý nhân. Dù UBND xã đang có dấu hiệu của việc “làm ngơ”, nhưng Chủ tịch huyện Lý Nhân thì tuyên bố “sẽ theo đến cùng”.
Ông Nguyễn Đức Nhương – Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân (Ảnh: Cổng thông tin tình Hà Nam).
LỜI TOÀ SOẠN: Công tác bảo vệ môi trường và tài nguyên, khoáng sản có tầm quan trọng vô cùng to lớn bởi đó là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự sống của con người và thiên nhiên. Nhằm hướng đến công tác tuyên truyền các chính sách và quy định của pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên môi trường, Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường thực hiện chuyên đề ghi nhận, thông tin và phản ánh về công tác quản lý của các cơ quan chức năng có liên quan và việc thực hiện các quy định trong công tác bảo vệ tài nguyên môi trường tại tỉnh Hà Nam. |
Sau khi loạt bài thông tin về hiện trạng vi phạm và phản ứng của các bên cơ quan chức năng liên quan, dư luận tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt đến sai phạm của bến bãi và trạm trộn ở khu vực phía Nam cầu Thái Hà. Điều đáng nói sai phạm đã tồn tại lâu, vi phạm nhiều các quy định của pháp luật về đất đai, đê điều nhưng cách xử lý của chính quyền xã Chân Lý làm cho người dân không khỏi bức xúc, bất bình và hoài nghi liệu có ai đang muốn bắt tay bao che sai phạm hay không khi các văn bản chỉ nằm trên giấy??
Tuy nhiên, có một điều thực sự đáng mừng và cũng là niềm hy vọng cho người dân khi ông Trần Đức Nhương – Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân cương quyết và dứt khoát khẳng định “làm đến cùng mới thôi”.
Vi phạm nghiêm trọng về đất đai, đê điều?
Ngày 23/03/2020 Chi cục Thủy lợi Hà Nam đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 01/QĐ-XPVPHC và số 02/QĐ-XPVPHC đối với 2 ông Lê Văn Phường và Đặng Văn Huy về hành vi tập kết vật liệu trong lòng sông, bãi sông gây cản trở dòng chảy thoát lũ và trong hành lang bảo vệ đê điều với khối lượng từ 200m3 trở lên, xây dựng công trình trái phép…. Với các hành vi sai phạm đó Chi cục Thủy lợi Hà Nam đã xử phạt 2 hộ ông Phường và Huy mỗi hộ 50 triệu và yêu cầu khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Như chúng tôi đã thông tin thì không những bến bãi tập kết vật liệu xây dựng nằm ở phía Nam cầu Thái Hà vi phạm các quy định về đê điều mà hiện nay còn đang không phép. Tuy nhiên, khi hỏi về vấn đề này ông Vũ Anh Trung phó Chủ tịch xã Chân Lý lại khẳng định bến bãi đó có phép.
Cùng với đó, phản ánh cho rằng ông Đặng Văn Huy còn vi phạm về luật đất đai khi tự ý chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để xây dựng trạm trộn bê tông. Và phần đất tồn tại sai phạm này lại do UBND xã Chân Lý quản lý.
Liên quan về đến sai phạm đất đai của ông Đặng Văn Huy như chúng tôi đã thông tin đến bạn đọc thì ngày 26/11/2021, UBND xã Chân Lý đã ban hành ra văn bản số 01/TB-UBND Thông báo về việc giải tỏa công trình vi phạm. Nội dung văn bản ghi rất rõ yêu cầu ông Đăng Văn Huy tự tháo dỡ và trả lại mặt bằng nguyên trạng trước 10h ngày 30 tháng 11 năm 2021, sau thời gian đó UBND xã Chân Lý sẽ tổ chức cưỡng chế theo quy định của pháp luật.
Thế nhưng, kỳ lạ sau khoảng thời gian UBND xã Chân Lý ra trong thông báo này đến nay đã được 2 năm nhưng sai phạm dường như vẫn tồn tại và các hoạt động vẫn có thể bình thường diễn ra?
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên www.baovemoitruong.org.vn khu vực phía Nam cầu Thái Hà không những không dừng lại việc tập kết cát và sản xuất bê tông mà còn đang xuất hiện máy móc thực hiện hoạt động san ủi mặt bằng.
Trước tình trạng trên, phóng viên đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Trần Đức Nhương Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân. Được biết quan điểm của ông Nhương rất dứt khoát và kiên quyết xử lý đối với sai phạm này. Ông Nhương khẳng định: “Đó là đất công, phải xử lý đến cùng mới thôi!”.
Trao đổi với phóng viên, ông Nhương cho rằng, phần đất này thuộc sự quản lý của UBND xã Chân Lý nên sẽ để cấp địa phương có những quy trình làm việc theo đúng chức năng trước. Sau đó, sẽ đề nghị các phòng ban khác có trách nhiệm liên quan vào cuộc. Đây được cho là một trong những điều đáng mừng khi đại diện lãnh đạo đứng đầu huyện Lý Nhân đã khẳng định sự kiên quyết, không tiếp tay cho những sai phạm tại địa phương.
Xảy ra sai phạm, trách nhiệm của UBND xã Chân Lý ra sao?
Ngày 15/11/2021 UBND huyện Lý Nhân đã ban hành văn bản số 1346/UBND-TN&MT xử lý vi phạm đất đai trên địa bàn xã Chân Lý (lần 3). Đây là văn bản thứ 3 gửi đến UBND xã Chân Lý do chưa đôn đốc khắc phục hậu quả vi phạm tại khu vực phía Nam cầu Thái Hà. Nội dung ghi rất rõ kiểm điểm trách nhiệm cán bộ công chức trong việc tham mưu xử lý vi phạm và UBND xã Chân Lý hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Thường trực Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện về kết quả xử lý vi phạm nêu trên.
Ngoài ra, UBND tỉnh Hà Nam còn quy định trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan quản lý để xảy ra sai phạm trong cả 2 lĩnh vực đất đai và đê điều cụ thể:
Theo Khoản 6 Điều 5 Quyết định số 27/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Nam ban hành Quy định chế độ trách nhiệm Người đừng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý, bảo vệ đê điều trên địa bàn tỉnh Hà Nam, thì Chủ tịch UBND xã có đê chịu trách nhiệm:
Thời gian xử lý vi phạm không quá 05 ngày kể từ ngày phát sinh vi phạm và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Về sai phạm đất đai theo điểm đ Khoản 2 Điều 9 Quyết định số 34/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Nam ban hành Quy định trách nhiệm của các cấp, các ngành về quản lý đấy đai,… Trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã được quy định rất rõ. Điều 9. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân và công chức địa chính cấp xã.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về quản lý đất đai, giải quyết các thủ tục trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên địa bàn; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ sau: đ) Trường hợp để xảy ra vi phạm trên địa bàn mà không phát hiện, không xử lý hoặc xử lý không kịp thời thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất gây thất thoát, lãng phí nguồn tài nguyên đất đai của đất nước, ảnh hưởng đến kế sinh nhai của người dân. Vi phạm hành lang thoát lũ gây nguy hiểm đến tính mạng của cải của người dân. Thế nhưng chưa hiểu lí do là vì gì mà UBND xã Chân Lý vẫn chưa xử lý dứt điểm được sai phạm. Liệu đây là cố tình buông lỏng quản lý hay buông lỏng quản lý để xảy ra sai phạm như vậy? |
Một trong những điều đang khiến dư luận lo ngại và quan tâm là, dù các thông tin về sai phạm hoặc các dấu hiệu sai phạm nói trên đã được đề cập đến liên tiếp trong 03 kỳ báo, đã có những buổi làm việc trực tiếp với UBND xã Chân Lý, Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Lý Nhân… thế nhưng, đã hơn 2 tháng nay, mọi động thái phản ứng và xử lý tình trạng này dường như vẫn chưa có một cơ quan nào “chịu thực hiện”. UBND xã Lý Nhân thì đang có dấu hiệu “không muốn trả lời báo chí nữa” và cũng dường như không muốn thực hiện hành động nào theo đúng thẩm quyền và trách nhiệm của chính quyền địa phương. Vậy, những sai phạm nêu trên liệu người dân và cơ quan báo chí cần phải “gõ cửa” phòng ban nào? Hay đã đến lúc cần phải UBND tỉnh Hà Nam, thanh tra tỉnh Hà Nam và các cơ quan chức năng thuộc tỉnh phải vào cuộc thanh kiểm tra và xử lý?
Đình Trà