Vĩnh Phúc: Làm giàu từ nghề ươm cây giống

BVR&MT – Hơn 10 năm nay, vườn ươm cung cấp cây giống của gia đình ông Nguyễn Văn Thành, thôn Hủng 1, xã Đạo Tú, huyện Tam Dương đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều nông dân, nhà vườn trong và ngoài tỉnh. Với niềm đam mê, sự nhạy bén, ông Thành đã vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương từ nghề ươm cây giống.

Ông Nguyễn Văn Thành, thôn Hủng 1, xã Đạo Tú chăm sóc vườn cây giống của gia đình.

Vừa dẫn chúng tôi đi thăm vườn ươm của gia đình, ông Thành vừa chia sẻ: “Trước đây, vợ chồng tôi sống chủ yếu nhờ mấy sào ruộng và chăn nuôi nhỏ, kinh tế gia đình chỉ đủ ăn. Với mong muốn vực dậy kinh tế gia đình, tôi đã tìm tòi, học hỏi các mô hình và định hướng phát triển kinh tế ở địa phương, sau đó quyết định đầu tư làm vườn ươm cây giống”.

Sở dĩ ông Thành chọn loại hình này, bởi từ khi còn nhỏ, ông đã được tiếp cận với nghề làm cây giống từ cha mình.

Năm 2006, ông Thành mở vườn ươm cây với diện tích 120 m2, gồm những giống cây ăn quả như na, xoài, nhãn, bưởi… Sau vài năm, khi nhu cầu thị trường ngày càng nhiều, gia đình ông dần mở rộng diện tích vườn ươm và ươm thêm các loại giống cây lâm nghiệp như bạch đàn, keo, mây…

Các loại cây giống của gia đình ông không chỉ bán trực tiếp tại vườn ươm mà còn được chụp ảnh, đăng thông tin bán trên trang mạng xã hội Facebook, vì vậy, càng nhiều người biết đến và lượng khách đặt hàng càng lớn.

Đến năm 2018, sau hơn 10 năm làm nghề ươm cây giống, ông Thành mua được hơn 1 ha đất đồi, tiếp tục mở rộng diện tích vườn ươm, nhưng ông chuyển đổi sang ươm cây giống dược liệu. Bởi theo ông, thị trường cây ăn quả, cây lâm nghiệp đã nhiều người làm nên sức tiêu thụ chậm, trong khi việc ươm cây dược liệu lại ít người hướng đến.

Ông tìm đến những vùng có nguồn dược liệu quý ở huyện Tam Đảo, tìm mua cây dược liệu từ những người đi núi, sau đó về ươm từ thân cây. Hiện tại, trong vườn nhà ông chủ yếu sản xuất các loại cây giống dược liệu chính như cát sâm, cà gai leo, xạ đen, ba kích, trà hoa vàng…

Hằng năm, gia đình ông xuất bán khoảng 80 vạn cây dược liệu các loại. Lượng khách hàng của vườn ươm đã mở rộng trên phạm vi cả nước, trong đó có nhiều khách hàng quen thuộc. Vì vậy, mặc dù thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng lượng khách hàng vẫn ổn định.

Với mức thu nhập bình quân 600 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí, vườn ươm cây giống của gia đình ông Thành đã và đang tạo việc làm cho 6-10 lao động địa phương, với thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/người/tháng.

Gắn bó nhiều năm với nghề, ông Thành đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong sản xuất cây giống. Theo ông, mỗi loài cây đòi hỏi một kỹ thuật ươm và chế độ chăm sóc khác nhau, có cây cần ít ánh sáng thì phải che chắn cẩn thận, có cây lại cần nhiều nước…Nên ngay từ khi xây dựng vườn ươm, gia đình ông cũng đầu tư hệ thống tưới phun tự động, giàn che nắng để phục vụ cho tưới cây và giâm hom, vì trong quá trình giâm hom, việc giữ độ ẩm cho cành giâm rất quan trọng.

Từ kinh nghiệm tích lũy được, ông Thành còn tư vấn, hướng dẫn cho người mua cách trồng và chăm sóc đối với từng loại cây, phù hợp với từng loại đất.

Không chỉ làm giàu từ nghề ươm cây giống, ông Thành còn sẵn sàng giúp đỡ các hộ gia đình trong thôn, bạn bè, người thân về giống, vốn và kinh nghiệm ươm giống. Hiện tại, trong thôn Hủng 1 có 5 hộ cũng làm vườn ươm cây giống như gia đình ông và đều cho thu nhập cao. Với hướng đi phù hợp, hiệu quả, gia đình ông Thành đã trở thành tấm gương điển hình về làm kinh tế giỏi của địa phương.